Sắc bàng bốn mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những cây bàng trong sân trường tôi đến nay đã tròn mười năm tuổi. Khi mới tách trường, khuôn viên chỉ có một cây muồng già và một cây điều làm bóng mát. Nhìn sân trường nắng chang chang, thầy hiệu trưởng yêu cầu phải trồng cây lấy bóng mát. Suy nghĩ hồi lâu, thầy chọn cây bàng để trồng bởi chỉ có bàng mới lớn nhanh và cho bóng mát nhanh nhất.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Vậy là mỗi lớp được phân trồng hai cây và rào cẩn thận để tránh bò, dê vào ăn lá. Không phụ sự chăm sóc cẩn thận của thầy và trò, những cây con tầm nửa mét đến nay đã trở thành những cây bàng trưởng thành vững chãi xòe tán rợp mát cả sân trường. Thân cây bàng to nâu xù xì, những chiếc rễ ngoằn ngoèo như những con rắn dài cả mét nổi trên nền đất.
Cây bàng mùa nào cũng mang vẻ đẹp riêng. Mùa đông, đứng từ trên lầu hai nhìn sang thấy tán lá bàng như một chiếc ô đỏ rực nổi bật giữa bầu trời xám xịt với hơi gió se lạnh. Những chiếc lá đẹp như bài thơ mà ai đó đã gieo vào lòng người bao cảm xúc xuyến xao. Học trò chơi dưới tán bàng cũng rủ nhau đi nhặt những chiếc lá rụng cầm trên tay phe phẩy nghịch đùa.
Rồi bàng trút lá để mùa xuân nảy nở những lộc non xanh mướt. Những ngày cuối tháng Chạp, khi học sinh đã được nghỉ Tết, tôi và một vài thầy cô nữa đến trường để dọn dẹp và trang trí văn phòng đón mừng năm mới. Mới vài ngày thôi mà cả dãy bàng đã có sự thay đổi lớn. Lá trên cây trút sạch xuống nền đất nâu. Trên những cành khẳng khiu, vô vàn mầm non mới nhú như ngàn mũi tên xanh xuyên thẳng lên bầu trời xuân cao rộng.
Bàng cứ xanh mãi như thế cho đến tháng hai thì đơm hoa. Những bông hoa nhỏ xinh màu trắng ngà xếp dài sát bên nhau nơi nách lá. Có lần chúng tôi đứng dưới tán bàng, khoảnh khắc hoa khẽ vương trên mái tóc cô giáo cũng mang lại những thú vị riêng. Khoảng độ hai tháng sau thì bàng kết trái. Những quả bàng hình thoi tạo thành chùm như những bông hoa xanh ẩn hiện giữa tán lá xanh um. 
Mùa hè đến cũng là lúc quả bàng chín vàng, mỡ màng, lúc lỉu khiến học trò khó có thể rời mắt. Chúng đợi đến lúc tan học thì nán lại tìm cách khều những quả bàng chín, tay nâng niu và hít hà cái mùi ngai ngái dìu dịu ấy. Rồi chúng lấy cục đá nhọn ghè quả bàng để ăn hạt bên trong. Niềm vui chỉ giản đơn có vậy nhưng sẽ là những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò.
Rồi thu đến. Qua ba tháng hè, học trò quay lại trường lớp. Lúc này, những chiếc lá bàng rụng đầy sân trường tạo thành một tấm thảm dày. Có chiếc lá rụng từ lâu bạc phếch nằm im trên nền đất mặc bao mưa nắng của thời gian. Có chiếc lá mới rụng còn nguyên màu tươi mới, dù lìa cành vẫn cứng cáp khỏe khoắn. Học trò quét lá, vun lại từng đống lớn đem đốt. Đống lá cháy xèo xèo rất nhanh bởi lá khô giòn được bồi thêm bởi cơn gió nhẹ. Đứng dưới gốc bàng đã được quét dọn sạch sẽ, tôi ngước nhìn lên cây, một màu vàng ươm đẹp như mùa thu trong phim Hàn. Lá vàng reo vui với gió thu nhè nhẹ giữa bầu trời thu trong veo màu xanh trứng sáo. Một bức tranh mùa thu đầy sống động khiến lòng người không khỏi xuyến xao.
Thầy trò chúng tôi ngày ngày đến trường, chứng kiến sự thay đổi của bốn mùa xuân-hạ-thu-đông qua những sắc lá bàng, tâm hồn thêm yêu đời, thêm yêu sắc lá sân trường.
Mai Hương

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.