Rừng vẫn… "chảy máu" - Gian nan giữ rừng Phú Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Liên tục từ năm 2010 đến nay, diện tích rừng Phú Quốc bị suy giảm, hiện tại chỉ còn khoảng 37.000ha đất rừng. Đây cũng là diện tích mà Phú Quốc đang nỗ lực giữ, nhưng với thực tế chặt phá cây lấn chiếm đất rừng đang diễn ra, thì để giữ rừng cũng thật gian nan.

Phía sau bảng cấm, rừng phòng hộ ở đảo Phú Quốc vẫn bị các đối tượng xấu lén lút chặt phá.
Phía sau bảng cấm, rừng phòng hộ ở đảo Phú Quốc vẫn bị các đối tượng xấu lén lút chặt phá.


Rừng teo tóp dần

Từ giữa tháng 6-2022 tới nay, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang mở đợt cao điểm ra quân xử lý nạn chặt phá, bao chiếm đất rừng. Dọc con đường từ bến tàu ở ấp Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) chạy lên đường trục Nam-Bắc đảo, thỉnh thoảng lại thấy xe chở lực lượng chức năng đi tuần tra, xử lý tại các khu đất được cho là có tình trạng bao chiếm đất rừng trái pháp luật.

Xuất phát từ trung tâm phường Dương Đông đi lên phía Bắc đảo, không khó để chứng kiến những sườn núi lở loét phơi nền đất đỏ phía xa xa. Ven trục đường xuyên đảo, rừng ngày càng lùi sâu vào phía trong, bên ngoài là những khu đất trống được san lấp bằng phẳng, cắm cọc bê tông căng dây kẽm gai để xác lập chủ sở hữu. Trong khi mới chỉ cách đây vài năm, rừng vẫn còn ranh giới ra tới sát mép đường.

Anh Trần Tuấn P. (môi giới đất đai ở Phú Quốc) cho hay: “Đất ven các trục đường chính trên đảo đều đã có chủ. Ranh đất rừng không biết sao cứ dời vào phía trong, ngày càng gần chân núi”. Xuôi về phía Nam đảo, tình cảnh cũng không khác mấy, ven đường trục xuyên đảo, đường vòng quanh đảo xuất hiện hiện tượng rừng bị xâm hại. Rừng lùi dần, co cụm lại như một minh chứng về lòng tham của con người. Nhìn lên núi, rừng loang lổ da beo.

Nạn phá rừng rải khắp đảo

Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Hạt Kiểm lâm Phú Quốc đã chỉ ra 8 điểm nóng phá rừng rải đều hầu khắp các địa bàn trên đảo. Tại xã Gành Dầu, tiểu khu 75, ấp Gành Dầu (khu vực Suối Lạng) thuộc phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng, người vi phạm vẫn canh tác và sử dụng, không thực hiện việc khắc phục hậu quả theo quy định. Hiện đang xảy ra tình trạng mua bán, sau đó cất nhà trên diện tích này và lấn chiếm tiếp vào rừng đặc dụng. Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng đất có quyết định thu hồi sau thanh tra năm 2004 để tiếp tục chiếm rừng trong khu vực này.

Tại tiểu khu 59, 61 (thuộc xã Gành Dầu) xảy ra tình trạng phát dọn dây leo, cây bụi, phá rừng và khai thác rừng. Ở tiểu khu 73 cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm rừng bằng hình thức phá rừng, cất nhà, trồng cây trên diện tích hơn 25ha. Tại phường Dương Đông, khu vực núi Ông Phụng, tiểu khu 76 (thuộc khu phố 10) cũng xảy ra nạn phá rừng và lấn chiếm rừng (phát dọn cây bụi và trồng cây). Một số vụ không xác định được đối tượng vi phạm. Núi Điện Tiên ở tiểu khu 76 thuộc khu phố 7 (phường Dương Đông) xảy ra tình trạng phá rừng với hình thức khoan lỗ và đổ thuốc vào lỗ khoan làm cây rừng bị chết…

Một số nơi ở xã Cửa Dương, Dương Tơ, Bãi Thơm, Cửa Cạn… cũng xuất hiện tình trạng phá rừng. Tại ấp Búng Gội (xã Cửa Dương), các đối tượng phá rừng đem máy móc cơ giới dọn trống cả một sườn núi rộng hàng trăm hécta, ngang nhiên làm đường bê tông, kéo trụ điện, cất nhà tiền chế, trồng chuối, mít, sầu riêng… Đây là địa bàn phá rừng nghiêm trọng ở đảo Phú Quốc.

 

“Tôi đồng tình với việc ngành chức năng ra quân đồng loạt xử lý lấn chiếm đất rừng. Nhưng cái khó nhất là tái lập môi trường rừng sau khi xử lý. Bởi các đối tượng phá rừng không ngại xịt thuốc khai hoang, đốt rừng, đổ thuốc trừ sâu vào thân cây rừng để lấy đất…”, anh Lê Minh T. (nguyên cán bộ kỹ thuật Vườn quốc gia Phú Quốc) nói.


Phải quyết liệt với… lâm tặc

Lấy lý lo tài chính eo hẹp nhưng vẫn muốn mua đất Phú Quốc, thông qua anh Lê Minh T., chúng tôi tìm đến phường An Thới gặp “cò” Q. hỏi mua đất chưa có sổ đỏ (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp). Thấy có người quen giới thiệu, cò Q. thủng thẳng thăm dò: “Mấy ông mua đất khu nào, ở đây có nhiều khu lắm, pháp lý cũng nhiều mức, có sơ đồ (tức đã đo vẽ hiện trạng, xác định vị trí) giá khác, chưa có sơ đồ giá khác, bao xác minh nguồn gốc giá khác”. Giá đất cò Q. đưa ra khá “chát”. Đất sơ đồ 700 triệu đồng/công (1.000m2), chưa có sơ đồ 300-500 triệu đồng/công. Toàn bộ đất này đều nằm trên các sườn núi An Thới, Cô Sáu, Hàm Ninh, Ra Đa…

Đi thực địa núi Cô Sáu, chúng tôi được cò Q. lái xe bán tải chạy ngoằn ngoèo leo lên con đường bê tông chỉ rộng hơn 2m, đường này nếu không quen thì không ai dám lái xe, vậy mà cò Q. chạy khá nhanh. Ngang qua một khu có 4-5 căn biệt thự, cò Q. khoe, khu đất này 3 năm trước bán hơn 7 tỷ đồng, giờ 20 tỷ đồng “rớ vô” không nổi. Khu đất mà cò Q. chỉ cho chúng tôi mua đã được kè đá tảng xung quanh, rộng khoảng 340m2. Cò Q. giải thích, mới dọn xong, kè lại hết hơn 200 triệu đồng. “Dọn” ở đây là thuê người phát dọn cây tạp, dây leo cho trống trải rồi khoanh lô lại để rao bán. “Mấy ông lấy miếng này đi, từ từ họ dời ranh là giá lên 4-5 tỷ đồng, giờ có người trả tui 1,7 tỷ đồng rồi đó”, cò Q. nói.

Chúng tôi ngỏ ý muốn thuê người phát dọn đất cho trống, cò Q. không ngại, giới thiệu luôn: “Chạy vô xóm Cầu Sấu đi, trong đó bao hết. Dọn từ ngoài vô, tỉa xung quanh, từ trong ra… đều có hết, bao xe cuốc luôn”. Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi mới biết rằng, thông thường những người có đất hợp pháp ở chân núi, hoặc gần ranh đất rừng đều tìm cách mở rộng “lãnh thổ” theo nhiều hướng ra xung quanh, nhưng thuận tiện nhất là lấn dần lên trên núi.

Ông Trần Văn Vũ (quê ở Sóc Trăng, hiện đang tạm trú ở phường An Thới, TP Phú Quốc) kể, ông cùng vợ ra đảo Phú Quốc làm phụ hồ đã 7 năm. Mấy năm trước, ngày nghỉ cuối tuần hoặc lúc trời mưa, thỉnh thoảng ông có đi theo nhóm người thuê phát rừng. Lúc đó rừng còn nhiều, tiền công bình quân 1 triệu đồng/ngày, gấp 3 lần lương phụ hồ. Ông Vũ cho hay, sở dĩ tranh thủ lúc không làm phụ hồ đi phát rừng kiếm thêm vì có tiền nhiều. Thường những người thuê phát rừng đều tổ chức cảnh giới từ xa, dọn sẵn đường chạy ngoằn ngoèo nên ông Vũ chưa bị bắt lần nào. Trường hợp nếu có bị bắt thì cũng có người nộp phạt rồi về.

Theo báo cáo của Vườn quốc gia Phú Quốc, hiện đã phát hiện có 22 băng nhóm chuyên phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai, kể cả đất rừng. Thủ đoạn các băng nhóm này là làm lúc nửa đêm (tầm 12 giờ khuya đến 3 giờ sáng), những ngày nghỉ lễ, chủ nhật. Bọn chúng có người canh, khi phát hiện lực lượng chức năng thì thông báo bằng điện thoại để các đối tượng phá rừng nhanh chân chạy hết, để lại hiện trường không người. Ngoài ra, còn có một băng nhóm chuyên giả mạo giấy tờ lừa đảo để bán đất rừng...

 

Ông PHẠM VĂN NGHIỆP, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc:

Cái khó nhất hiện nay trong quản lý, bảo vệ rừng là lực lượng quá mỏng. Tính chung lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Phú Quốc chia thành 15 đội, mỗi đội từ 2-3 nhân sự, phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ bình quân gần 2.500ha rừng. Lực lượng như vậy là rất mỏng so với yêu cầu. Chế độ, chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng cũng chưa điều chỉnh kịp thời, nên trong vài năm trở lại đây có hàng chục trường hợp cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng đã xin nghỉ việc về làm kinh tế gia đình.

 

Ông LÊ QUỐC ANH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:

Địa phương đã nắm và hiểu được những khó khăn, phức tạp của công tác quản lý, bảo vệ rừng trên đảo Phú Quốc. Những đề xuất, kiến nghị tăng cường chế độ, chính sách và điều kiện làm việc cho lực lượng này cũng đã được các địa phương trình lên cấp trên xem xét. Trong khi chờ hỗ trợ, điều chỉnh, thì địa phương vẫn phải chủ động khắc phục khó khăn, thách thức, làm tốt nhất công tác quản lý, bảo vệ rừng, bởi trên đảo, mất rừng coi như mất tất cả.

 

Ông HUỲNH QUANG HƯNG, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc:

Từ đầu năm tới nay, đã phát hiện 155 vụ phá rừng, xử lý hình sự 5 vụ, phạt hành chính 150 vụ hơn 1,37 tỷ đồng. Từ đây tới cuối năm 2022 là cao điểm truy quét, xử lý các đối tượng chặt phá, bao chiếm đất rừng. Các trường hợp tái phạm đều sẽ xử lý hình sự, trường hợp vi phạm lần đầu sẽ xử phạt mức cao nhất, đủ yếu tố cũng sẽ xử lý hình sự, công trình lấn chiếm thì kiên quyết tháo dỡ để tái lập môi trường rừng.

Theo QUỐC BÌNH  (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.