Rừng tàn thì làng mạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Rừng tàn thì làng mạt. Mình biết giữ thì rừng không phụ người đâu”, câu nói của một lão nông ba mươi năm tự nguyện bảo vệ cánh rừng ngập mặn nguyên sinh cứ văng vẳng đã thôi thúc chúng tôi thực hiện loạt bài viết về những phương thức giữ rừng, bởi cội nguồn “rừng thiêng” của một cộng đồng, hay giữ rừng cây gỗ lớn bởi nhìn thấy những lợi ích kép mà rừng mang lại cho con người.

 

 Rừng xanh đầu xã Phố Là trên cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm)
Rừng xanh đầu xã Phố Là trên cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Tâm)


Năm 2020 vừa qua, chúng ta đã phải hứng chịu những thiệt hại không nhỏ bởi cơn “thịnh nộ của mẹ thiên nhiên”. Nguyên nhân của những trận thiên tai đó cũng một phần từ lý do diện tích rừng tự nhiên của ta đã và vẫn đang suy giảm mạnh. Bởi vậy, những cộng đồng, những cá nhân giữ rừng như sinh mạng, tôn kính rừng như tôn kính tổ tiên chính là những viên ngọc sáng cần được nêu gương.

Bài 1:  Lời Thề giữ rừng của người Pu Péo

Những ngày tiếp nhận thông tin khúc ruột miền trung hứng chịu thiên tai, lũ chồng lên lũ…, tôi càng thấm thía sự biết sợ tự nhiên của các cộng đồng thiểu số trên đất nước mình. Cái sợ ấy, dẫu còn bóng dáng của thủa hồng hoang, nhưng đã truyền vào huyết quản con cháu họ đời này qua đời khác một ý niệm cao hơn mọi hương ước, mạnh hơn mọi pháp lý. Trên địa đầu Đồng Văn (Hà Giang) đá xám, lời thề giữ rừng vẫn vang trong tiếng rền của núi; và rừng thiêng trường tồn với đúng giá trị thượng tôn, đồng thời cũng là sứ mệnh chở che, bảo bọc loài người.

Mỗi người dân được “hưởng” 1,13 ha rừng nguyên sinh  

Với số dân chỉ khoảng bảy trăm người, Pu Péo là một trong năm cộng đồng cực thiểu số ở nước ta. Thế nhưng, đó lại là cộng đồng giữ được rừng nguyên sinh toàn vẹn vào bậc nhất. Trên cao nguyên Đồng Văn chỉ thấy một màu xám đá của tỉnh Hà Giang, vẫn có những khoảng rừng xanh phủ từ rông núi này trùm lên rông núi khác. Từ thị trấn Phố Bảng vào xã Phố Là, núi đá dần nhường chỗ cho những tàng cây. Càng vào sâu Phố Là, rừng xanh càng trải dài theo dãy núi Duống Mý Tảy - phên giậu biên giới Việt - Trung. Con đường trắng như dải lụa lẩn khuất dưới cây cối xanh um. Củng Chá là thôn có hơn ba mươi nóc nhà người Pu Péo. Khoảng 180 nhân khẩu, nhưng người Pu Péo có đến 198,5 ha rừng nguyên sinh và 56 ha rừng tái sinh.

Ông Củng Chấn Cháng nhẩm tính: “Như thế là mỗi người Củng Chá bảo vệ khoảng 1,13 ha rừng nguyên sinh đấy”. Nghe ông Cháng tự hào, những kẻ ngày ngày hít khói bụi phố xá như chúng tôi chỉ biết ước ao. Rồi nghĩ, là người Pu Péo bảo vệ, nhưng cũng là mỗi người dân Pu Péo đang được “hưởng” biết bao giá trị của hàng ha rừng.

 

 Nhiều ngôi nhà của bà con Phố Là tựa lưng vào rừng nguyên sinh. (Ảnh: Minh Tâm).
Nhiều ngôi nhà của bà con Phố Là tựa lưng vào rừng nguyên sinh. (Ảnh: Minh Tâm).


Hơn ba mươi hộ của Củng Chá chia làm ba nhóm, mỗi nhóm lại phân công nhau theo nhóm nhỏ hơn để hằng ngày cùng nhau đi tuần rừng. Bây giờ, mỗi hộ dân Củng Chá được nhận hơn một đến gần hai triệu đồng cho một năm bảo vệ màu xanh còn sót trên cao nguyên đá Đồng Văn. Tiền ấy là khoản Nhà nước phân bổ dịch vụ môi trường rừng. Hơn một triệu đồng cũng đủ làm ấm lòng người cả đời sống chết cùng rừng núi. Song, ngay cả khi chưa có chính sách dịch vụ môi trường rừng, người Pu Péo đã bảo vệ rừng với tất cả lòng kính cẩn và trang nghiêm nhất.

Ông Cháng, ông Xuẩn, ông Pháng - ba người đàn ông họ Củng xách dao vào rừng như thói quen, như nghi lễ suốt mấy chục năm qua. Rừng già tầng tầng lớp lớp ken nhau, ánh nắng yếu ớt giữa ngày đông không đủ sức luồn qua tán lá để rọi tỏ mặt người. Giữa rừng già còn ềm ệp sương, ông Xuẩn đứng lặng, ngước nhìn cây nghiến đất vạm vỡ.

Cả ông Cháng, ông Xuẩn, ông Pháng và tôi cùng giang tay vẫn không đủ vòng để ôm trọn được “cụ”. Người ta vẫn bảo, mỗi thân cây cổ thụ đều có linh hồn. Tôi nhớ điều ấy và mường tượng mây mờ, sương mơ tít trên cao kia là mái tóc, là chòm râu phau phau trắng của “cụ” nghiến.

Gần nửa thế kỷ trước, có người từ nơi khác đến âm mưu “hạ sát” cây nghiến đất đại thụ. Gã đó vung rìu cả một ngày trời, thân nghiến mới hõm vào già nửa mét. Bấy giờ ông Cháng đang thanh niên, cùng bà con trong bản đi tuần rừng thì bắt được. Mọi người thu rìu, thu búa và dẫn gã “phá sơn lâm” về. Hôm sau gã đó đến Củng Chá xin dụng cụ, mồm năm miệng mười hứa lên hứa xuống rằng sẽ không vào rừng Phố Là chặt cây. Bà con tha. Chẳng ngờ gã ta quay vào rừng, gom cành cây khô nhồi vào cái hốc đang chặt dở rồi châm lửa đốt hòng giết chết “cụ” nghiến đất thêm một lần nữa. Ông Cháng và bà con đã phát hiện kịp thời, gốc cây thiêng giữa cánh rừng đẫm màu huyền tích đã được cứu. Thân nghiến già nua, qua bốn mươi bảy năm trong thương tật vẫn sừng sững, dù gốc cây còn sâu hoáy mãi vào lòng, lỏn nhỏn đen như một chảng than đào dở.

Nghi lễ thiêng liêng trước cửa rừng

Ngày mồng sáu tháng Sáu âm lịch hằng năm là ngày người Củng Chá tổ chức lễ cúng rừng. Trong quan niệm của bà con, đó là ngày trời đất giao hòa, vạn vật cỏ cây và vũ trụ đều thanh sạch nhất. Mỗi năm, một gia đình trong thôn sẽ làm chủ lễ một lần. Trước đó mấy bữa, người chủ gia đình đã đi tìm mua một con dê thật đẹp, cùng hai đôi gà để làm vật hiến tế. Dê, là cái hay đực không quan trọng, nhưng con dê tế lễ đó phải có đôi sừng. Bởi trong buổi lễ, một đầu chỉ được buộc vào đàn cúng, một đầu buộc vào sừng dê, “con dê có sừng thì các ngài mới dắt đi được chứ” - ông Cháng hồn nhiên nói.

 

 



Dê được chọn làm vật hiến tế vì bà con quan niệm đây là loài duy nhất mở mắt sau khi chết, nên có thể giúp thần rừng trông nom, canh giữ cây cối, ruộng nương. (Ảnh: Ngọc Thành)

Ở xã Phố Là này, mỗi bản Pu Péo đều có thầy cúng. Riêng ở Củng Chá, thầy cúng Tráng Mìn Hồ đã đảm nhiệm vai trò chủ tế cho bản từ hơn ba mươi năm trước cho đến tận ngày nay. Lý do thì đơn giản lắm, ông Mìn Hồ là rể của Củng Chá mà. Ngày mồng sáu tháng sáu hằng năm, ông Tráng Mìn Hồ đến gia đình “đăng cai” lễ cúng thần rừng từ rất sớm để cùng mọi người soạn sửa lễ vật. Những người đàn bà Pu Péo lành hiền, chịu thương chịu khó giã nhuyễn cơm tẻ, nặn thành từng bánh, bày biện trong các chiếc mẹt tròn xoe. Phần cơm ở giữa lớn nhất, tượng trưng cho thần Rừng, các phần cơm nhỏ chung quanh tượng trưng cho thần Mưa, thần Gió… Trứng gà luộc bóc vỏ, xắt thành từng miếng nhỏ rồi bày vào tâm mỗi nắm cơm, đều chằn chặn… Gà sống, dê sống được dắt ra bìa rừng, ngay lưng bản. Ban thờ ghép từ các cành cây mới đẵn, lá còn xanh thẫm, tươi rói. Chân ban thờ trải từng tàu lá chuối làm chỗ đứng cho mấy con gà và chú dê. Lư hương bện từ cỏ, váng vất vị ngọt, nồng nồng dưới bóng tán ô đen làm bằng giấy.

Gà, dê phải còn sống khi đưa ra làm lễ cúng thần Rừng, bởi sự sống của chúng tượng trưng cho sức sinh sôi, nảy nở. Mở đầu buổi lễ, thầy cúng Mìn Hồ đọc, dịch ra tiếng phổ thông thế này: “Cầu xin thần Rừng nhận lễ vật và phù hộ cho các gia đình trong thôn, cho dòng họ. Tất cả mọi người được bình an, khỏe mạnh, may mắn. Các gia đình thu hoạch được nhiều lúa, nhiều ngô”. Sau đó, gà và dê được thanh niên cắt tiết, giết thịt. Bà con bảo, trong các loài gia súc, gia cầm, chỉ có dê là mở mắt cả khi đã chết, nên dê sẽ giúp thần Rừng trông nom ruộng nương, canh gác không cho sâu bệnh phá hoại cây trồng. Như người dưới xuôi coi bói bằng chân con gà cúng, ông Mìn Hồ nhấc lá gan của chú dê hiến tế lên để “xem” cho gia đình ông chủ lễ. Hai lá gan tượng trưng cho gia đình nội ngoại hai bên; nếu mịn, đều, không có màu lạ nghĩa là bình an, yên ấm. Còn túi mật lại tượng trưng cho anh em ruột của gia chủ, túi mật “đẹp”, ôm sát lá gan, không lợn cợn là anh em thương yêu nhau, không xích mích hay gây gổ.

Thịt gà, dê được xẻ ra, bày lên ban thờ trước cửa rừng, bảy ly rượu xếp ngang, một bát nước, một nhúm muối, bảy con ngựa giấy đen… Suốt mấy giờ đồng hồ diễn ra nghi lễ, thầy cúng Mìn Hồ cầm một nhành cây đi ngược đi xuôi, tay khua qua khua lại, những bài cúng bằng ngôn ngữ của người Pu Péo ề ề, lúc rủ rỉ như tâm sự, lúc lại vút cao vang lên cùng tiếng rền của núi. Bà con thề sẽ giữ rừng thật tốt. Ai chặt cây hay săn bắn sẽ bị thần Rừng trừng phạt. Bà con cũng xin núi rừng bảo bọc người Pu Péo, xin trời đất cho mưa gió thuận hòa, không lũ, không hạn; sấm sét hay bão tố cũng không làm gãy cây, chết người… Những lời thề giữ rừng một lần nữa được người Pu Péo nhắc nhớ, trao truyền trước cửa rừng thiêng. Mà ở riêng Củng Chá này, người Pu Péo đã có đến hai khu rừng thiêng như thế!


 

Lễ vật đơn sơ nhưng đậm tính linh thiêng của người Pu Péo dâng lên thần rừng. (Ảnh: Ngọc Thành).
Lễ vật đơn sơ nhưng đậm tính linh thiêng của người Pu Péo dâng lên thần rừng. (Ảnh: Ngọc Thành).


Đời đời khắc ơn cứu mạng của thần Rừng

Ông Cháng, ông Xuẩn, ông Pháng và cả thầy cúng Mìn Hồ đều bảo: Cúng thần Rừng chính là cúng tổ tiên của người Pu Péo! Đời nọ sang đời kia, họ vẫn kể cho thế hệ sau và kể cho nhau nghe truyền thuyết cổ của dân tộc mình. Chuyện rằng, từ thuở xa xưa, loài người phải đối mặt với một trận đại hồng thủy. Nước cứ dâng, dâng mãi lên đến lưng núi. Người Pu Péo đã chạy ngược triền dốc, bám vào những thân cây lớn trong rừng suốt mấy ngày trời. Và nhờ có bao cây cổ thụ trong rừng nên người Pu Péo mới giữ được sinh mệnh. Từ đó, để khắc ghi ơn cứu mạng, cộng đồng Pu Péo đã thờ những cây cổ thụ trong rừng. Và cao hơn, là cháu con đã tiễn đưa, gửi gắm linh hồn của cụ kỵ mình (sau ba đời) vào những thân đại thụ ấy. Rồi hằng năm, con cháu người Pu Péo tổ chức lễ để tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời cũng là lễ cúng thần Rừng. Lời thề giữ rừng của người Pu Péo xuất phát từ lòng hàm ơn cứu mạng và nghi lễ hai trong một linh thiêng đó.


 

 Cộng đồng Pu Péo làm nhà chình đất nện để hạn chế việc chặt cây, lấy gỗ trong rừng. (Ảnh: Minh Tâm)
Cộng đồng Pu Péo làm nhà chình đất nện để hạn chế việc chặt cây, lấy gỗ trong rừng. (Ảnh: Minh Tâm)



Ông Dìu Pháng vung con dao, chỉ lên những dây leo quấn quýt vắt từ thân nọ sang đến cây kia. Gương mặt nhỏ, sạm đen, đã dày những nếp nhăn của ông Pháng càng khiến giọng nói của ông thêm phần trang nghiêm: “Dây này cũng không được chặt hay phát đi đâu. Từ xưa các cụ đã dặn thế - những dây leo đó chính là cầu thang của thần rừng đấy”. Rừng linh thiêng là nơi linh hồn tổ tiên trú ngụ, cũng là nơi người Pu Péo ghi ơn cứu mạng nên trong cộng đồng, gia đình nào muốn chặt cây về dựng nhà đều phải xin phép và được sự đồng ý của cả bản làng.

Có một quan niệm nữa của cộng đồng thiểu số trên cao nguyên đá này khiến chúng tôi xúc động đến tê người: Trong những cánh rừng người Pu Péo sinh sống nói chung và rừng Củng Chá, Phố Là nói riêng; đêm đêm bà con vẫn gặp hoang thú đi lại thung thăng, nhảy nhót loi choi. Thú hoang nơi này còn sum vầy, bởi người Pu Péo không bao giờ săn bắt hay đặt bẫy. Bà con quan niệm, muông thú sống trong rừng cũng chính là con của rừng - như người Pu Péo vậy. Cái thế giới quan ấy sao mà nhân ái, nhân văn quá đỗi!


 

Đời sống giản dị ở xã Phố Là. (Ảnh: Minh Tâm)
Đời sống giản dị ở xã Phố Là. (Ảnh: Minh Tâm)


Đứng giữa những lối ngõ với các nếp nhà lợp ngói ống, tường chình đất nện dày, tôi chợt nhớ đến lời một người bạn chọn Hà Giang làm đất lập nghiệp, vun trồng tổ ấm: “Có nhiều cộng đồng thiểu số, nhưng bà con văn minh hơn người kinh chúng ta rất nhiều!”. Tôi tin. Nếu không văn minh, thì sao ở chốn bảy phần đá ba phần đất này, bà con vẫn dựng nhà bằng đất nện để không “phạm” lời thề với thần Rừng. Trong những nếp nhà Pu Péo, họ “hà tiện” gỗ đến mức tối đa.

Ông Cháng vẫn rủ rỉ: “Đi đến đâu cũng phải bảo vệ rừng trước. Có rừng mới có nước, có sự sống, có con người. Bảo vệ rừng mới tránh được lũ quét. Mình mà để mất rừng, thì có khác nào đánh mất cội nguồn dân tộc mình đâu”. Gìn giữ rừng thiêng chưa đủ, bà con còn nhận đất hoang trồng rừng. Như ông Cháng - ông đã nhận một ha để trồng cây óc chó, một ha trồng cây thảo quả và nửa ha trồng cây dẻ. Các phần diện tích này phát triển kém hơn rừng ở đầu nguồn, nhưng cũng đã cho ông Cháng và bà con Pu Péo có được thu nhập ổn định từ hơn mười năm nay.

Rừng giữ đất, rừng ban tặng bà con Củng Chá, Phố Là, Phố Bảng dòng suối trong veo ngày đêm thao thiết chảy. Nếu không có nguồn nước tưới tắm cho ruộng đồng, cây cối, chăn nuôi gà lợn, thì có lẽ người Pu Péo đã chẳng thể vơi bớt những chõ mèn mén nghi ngút khói từ bữa này qua bữa khác như ngày hôm nay.

 

Theo THANH TRÀ - MINH TÂM (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.