Rừng hương Kbang kêu cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ chưa đầy 2 năm, 100 cây gỗ hương cổ thụ thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang, Gia Lai) đã bị lâm tặc xóa sổ. Số phận những cây sống sót cũng đang rất mong manh khi mới đây đã có thêm 2 cây nữa bị lâm tặc “khai tử”.

Hiện 300 cây gỗ hương còn lại nằm rải rác trên 27 khoảnh của 7 tiểu khu trong khu vực có diện tích hơn 8.000ha, địa hình phức tạp. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, nguy cơ mất thêm nhiều cây hương nữa là điều khó tránh khỏi, nếu không có phương án bảo vệ tốt hơn.

 

Chưa đầy 2 năm, 107 cây hương cổ thụ đã bị lâm tặc xẻ thịt. Ảnh: M.H
Chưa đầy 2 năm, 107 cây hương cổ thụ đã bị lâm tặc xẻ thịt. Ảnh: M.H

Tàn phá hương cổ thụ

Sau huỳnh đàn, trắc đã bị xóa sổ gần như hoàn toàn, đến lượt những cây hương cổ thụ ở rừng Kbang đang là mục tiêu tiếp theo của bọn lâm tặc. Do giá thị trường hiện nay của mặt hàng này quá cao (lên đến 100 triệu đồng/m3, tùy đường kính), cộng với nhu cầu sử dụng gỗ của những "đại gia" đã khiến những cây hương cổ thụ ở địa bàn này “rơi rụng” dần.

Hiện tại, Công an huyện Kbang vẫn tiếp tục truy bắt 13/21 đối tượng liên quan vụ cưa trộm 2 cây gỗ hương tại khoảnh 6, tiểu khu 90 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (Công ty Lâm nghiệp Krông Pa).

Ông Võ Ngộ-Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Pa cho biết: Trong 2 năm (2014-2015), có 101/407 cây gỗ hương trong lâm phần do Công ty quản lý bị lâm tặc cưa hạ. Cụ thể: Từ tháng 1 đến tháng 11- 2014, lâm tặc đã cưa hạ trái phép 73 cây gỗ hương. Tiếp đến, từ tháng 1 đến tháng 8- 2015, lâm tặc tiếp tục cưa hạ trái phép 28 cây. Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 10 đến tháng 11-2015, lại có thêm 3 cây gỗ hương nữa bị "xẻ thịt".

Trong thời gian này, rừng gỗ hương thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Krông Pa quản lý liên tục bị lâm tặc “xâu xé”. Có đến 59 vụ cưa hạ cây gỗ hương xảy ra, gần 300m3 gỗ tròn bị thiệt hại nhưng Công ty này chỉ phát hiện, bắt quả tang 9 vụ, bắt giữ 19 đối tượng và thu giữ 9 cưa xăng.

Ông Đinh Ích Hiệp-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang thừa nhận: Gỗ hương là mục tiêu thu hút nhiều đối tượng lâm tặc trong và ngoài địa bàn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vực giáp ranh tỉnh bạn. Các đối tượng này hoạt động có tổ chức, tinh vi và hết sức manh động, sẵn sàng liều lĩnh chống trả khi bị phát hiện.
Đơn cử như vụ bắt giữ 2 đối tượng Hà Văn Quy (SN 1974, trú làng Hro, xã Krong), Trần Đức Tuấn (SN 1991, trú thị trấn Kbang) đang khai thác trái phép 1 cây gỗ hương. Trên đường áp tải 2 đối tượng này về huyện thì bất ngờ có 7 đối tượng dùng dao, rựa chặn đầu xe, uy hiếp giải thoát cho đối tượng Tuấn. Khi được lực lượng Công an huyện Kbang tiếp ứng bắt được 2 đối tượng chặn xe trước đó đưa về trạm cửa rừng làng Hro (xã Krong), nhóm đối tượng này tiếp tục cầm dao rựa khống chế cả cán bộ, chiến sĩ Công an huyện giải thoát cho đồng bọn.
 

Một trong 2 cây hương cổ thụ vừa bị lâm tặc cưa hạ vào đầu tháng 9-2016. Ảnh: M.H
Một trong 2 cây hương cổ thụ vừa bị lâm tặc cưa hạ vào đầu tháng 9-2016. Ảnh: M.H

Mới đây, anh Dương Hồng Tâm-nhân viên bảo vệ rừng của Công ty lâm nghiệp Krông Pa-trong lúc tuần tra phát hiện 2 đối tượng Trương Thanh Hà (SN 1974) và Nguyễn Văn Trung (SN 1981) đang vận chuyển gỗ trái phép. Khi anh Tâm chặn xe để kiểm tra, 2 đối tượng trên xin bỏ qua nhiều lần không được, đối tượng Hà tức giận rút dao chém sượt qua cổ anh Tâm gây thương tích. Tiếp đó, đối tượng Trung đá trúng vào mặt anh Tâm, rồi cả 2 bỏ trốn. Tòa án Nhân dân huyện Kbang đã tuyên phạt Hà 40 tháng tù về hành vi "Chống người thi hành công vụ".
 

Ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh: Việc lập kế hoạch, phương án bảo vệ những cây gỗ hương còn lại tại Kbang đang được các ngành liên quan thảo luận. Sẽ có nhiều đợt khảo sát, thu thập ý kiến mới đưa ra phương án cụ thể, dự kiến đến cuối tháng 10- 2016 sẽ trình UBND tỉnh. Các phương án triển khai cơ bản như: giao thêm trách nhiệm cho địa phương, chủ rừng, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực tạo điều kiện tốt nhất cho chủ rừng ra sức bảo vệ…

"Cuộc chiến" giữ gỗ hương

Dẫn chúng tôi trở lại hiện trường sau khi 2 cây gỗ hương bị lâm tặc cưa hạ, anh Trương Xuân Hinh-Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng Công ty lâm nghiệp Krông Pa cho biết: Chỉ một lúc rời chốt canh giữ mà 2 cây gỗ hương đã bị "khai tử". Tại hiện trường, cây hương cổ thụ có đường kính 1,2 m, dài hơn 20m chưa bị lâm tặc xẻ thịt, nằm chỏng chơ giữa rừng. Cách đó hơn 100m, cây hương có đường kính 90 cm đã bị lâm tặc xẻ hộp vận chuyển đi chỉ còn sót lại những tấm gỗ, mảnh bìa nằm ngổn ngang.

Theo anh Hinh, mặc dù lực lượng bảo vệ rừng trực ngày đêm, nhưng chỉ cần lơ là một chút là có thêm một cây gỗ hương bị mất. Những cây gỗ hương mất dần theo kiểu nhỏ giọt như thế này không có gì khó hiểu khi lực lượng bảo vệ rừng ở đây quá mỏng: chỉ 16 người phụ trách đến 2 trạm gác cửa rừng và 9 chốt trọng điểm có gỗ hương trên tổng diện tích hơn 8.000 ha.

“Mỗi chốt chỉ có một người, trong tay không tấc sắt, trong khi lâm tặc luôn ở thế đông người, dao rựa luôn sẵn sàng chống trả. Nếu có gặp lâm tặc thì cũng chỉ biết gọi điện thoại cầu cứu. Đến lúc tập hợp được lực lượng đến nơi thì chúng đã cao bay xa chạy”-anh Hinh chia sẻ.

Còn anh Lượng Hồng Sơn thì than thở: Một tuần chỉ được nghỉ về nhà 24 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại đều ở rừng. Công việc vất vả nhưng lương hàng tháng của anh chỉ khoảng 2,5 triệu đồng. Trừ tiền ăn, tiền xăng xe, điện thoại thì chẳng còn gì. “Thấy Công ty làm phương án phụ cấp, nâng lương cho anh em lâu rồi mà đến nay vẫn vậy, người thì cứ mất dần”-anh Sơn nói.
 

UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương xây dưng phương án bảo vệ 300 cây gỗ hương còn lai tại huyện Kbang. Ảnh: M.H
Ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương xây dưng phương án bảo vệ 300 cây gỗ hương còn lai tại huyện Kbang. Ảnh: M.H

Trong khi đó, ông Võ Ngộ-Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Pa cho biết: Hiện Sở Nông nghiệp-PTNT đang khẩn trương xây dựng phương án quản lý bảo vệ 300 cây gỗ hương còn lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trước đó, Công ty đã đề xuất xin thêm kinh phí khoảng 300 đến 400 triệu đồng để bổ sung thêm 6 hợp đồng bảo vệ rừng; đề nghị thêm các chế độ phụ cấp vì hiện tại lương của nhân viên bảo vệ rừng rất thấp, chỉ tầm 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng; cung cấp các công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng. “Lực lượng bảo vệ rừng ngày đêm bám rừng nhưng chế độ đãi ngộ thì rất thấp, chúng tôi chỉ biết động viên anh em cố gắng, chứ chẳng còn cánh nào khác”-ông Ngộ nói.

Liên quan đến việc 2 cây gỗ hương bị cưa hạ, trao đổi với P.V, ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết: Huyện đã làm hết khả năng, tỉnh có kiểm điểm thì cũng đành chịu. Huyện cũng đã thành lập ban chỉ đạo, tổ liên ngành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng tình trạng phá rừng vẫn còn âm ỷ, chưa chấm dứt.

Ngoài việc làm trong sạch đội ngũ giữ rừng, sẵn sàng loại bỏ những cán bộ thoái hóa tiếp tay cho lâm tặc, ông Phán đề xuất ý tưởng sát nhập 7 Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn lại thành 1 đơn vị; từ đó thành lập một đội chuyên làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng…

Minh Huy

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.