Rùa Hồ Gươm sau màn sương huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thế là cụ Rùa Hồ Gươm đã yên vị trong Đền Ngọc Sơn dưới dạng tiêu bản. Là một người trong quá trình làm báo cũng có quan tâm ít nhiều đến những vấn đề quanh cụ, hôm nay tôi lại đi một vòng quanh Hồ Gươm để suy ngẫm về cụ và những gì cụ để lại trong lịch sử và văn hoá Việt.
 
Rùa Hồ Gươm
Kỳ I: Giai thoại và cứ liệu
Tôi nghĩ rằng hầu hết người Việt đều biết truyền thuyết Lê Lợi trả gươm. Tôi thì đọc câu chuyện này từ hồi rất nhỏ, khi còn học ở đầu cấp một ở một làng quê Thanh Hoá cách đất Lam Sơn có khoảng chục cây số. Chuyện đó có lẽ in trong cuốn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi. Sau này, con tôi còn biết truyền thuyết này sớm hơn, khi các cháu còn chưa biết chữ.
Một lần tôi mang hai đứa đến Đền Ngọc Sơn cho chúng xem tiêu bản Rùa trong đó rồi dẫn ra sân đền, chỗ có bậc thềm đá dẫn xuống hồ kể cho chúng nghe câu chuyện về Rùa Thần hiện lên trên hồ  (tôi chỉ cái chỗ ngay cạnh tháp Rùa),  há miệng nhận lại thanh kiếm mà vua Lê Thái Tổ tung trả cho Long Quân sau khi đánh giặc xong. Tôi vẫn nhớ chúng miệng chữ O, mắt chữ A, mặt đầy phấn khích lẫn sợ sệt khi tôi kể xong rồi nói cụ Rùa trong Đền là vợ của Rùa thần lúc đó vẫn sống trong hồ.
Đó là một kỷ niệm đẹp của tôi có liên quan đến Cụ Rùa.
Với cụ, tôi còn những chuyện để nhớ khác. Đương nhiên đó là những lần tình cờ đi qua hồ thấy dân chúng xúm xít chỉ trỏ, tôi cũng dừng xe căng mắt nhìn thấy  cụ nhô cái chóp đầu lên nghiêng ngó nhìn lại đám con dân trên bờ. Nhưng có những lần sâu sắc hơn mà qua đó tôi có được nhiều thông tin thú vị hơn về linh vật của Thủ đô.
Ấy là khoảng vào giữa những năm 90, một tiệm vàng đột nhiên mua cả một thùng ô tô tải cỡ nhỏ rùa tai đỏ trút xuống Hồ Gươm. Bão dư luận nổi lên. Tôi khi đó đã về Tiền Phong, được cử đến cơ quan có nhiệm vụ quản lý di tích quốc gia đặc biệt Đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm và được các anh chị ở đó kể cho nhiều chuyện về Cụ Rùa. Rồi khoảng 10 năm sau, năm 2006, khi cả nước lo lắng chuyện Cụ Rùa bị thương ở cổ và lưng có lẽ vì lưỡi câu chùm, tôi đến trò chuyện cả một tối với nhà “Rùa học”  (có lẽ chính xác hơn là nhà “Rùa Gươm học”) Hà Đình Đức.
Xa hơn nữa, khi rậm rịch chuyển về công tác ở báo Người Hà Nội cuối những năm 80 thế kỷ trước, tôi đã rất chăm chú đọc trên báo này mấy kỳ truyện ký dài Rùa Hồ Gươm của nhà văn Nguyễn Dậu, một người từng sống trong khu tập thể  của cán bộ văn hoá Hà Nội ngay cạnh Hồ Gươm những năm 60 rồi sau đó, khi ra khỏi biên chế đã hành nghề cắt tóc ngay trên bờ hồ suốt 10 năm.
 
Trong truyện ký của mình, Nguyễn Dậu kể rằng ông đã đếm được trong hồ có đến 17 cụ rùa mà ông nhận dạng có những đặc điểm khác nhau, rằng ông đã mục kích có lần một cặp vợ chồng rùa làm cái chuyện để duy trì nòi giống, rằng ông nhìn thấy rùa đẻ trứng và có lần có kẻ lấy cả rổ trứng rùa chắc để luộc ăn, rằng ông là nhân chứng có thể là đầu tiên vụ một cụ rùa bị thương rồi chết vào ngày 2/6/1967.
Hôm đó một trận bão lớn vừa tràn qua, mưa to làm nước ngập bờ, có một cụ rùa nổi lên phía đường Lê Thái Tổ với một vết thương trên mình (sau này, tôi có nghe chuyện nhưng không còn nhớ ai nói về việc hình như cụ bị một kẻ dùng xà beng thọc, không biết đúng sai thế nào). Cán bộ của Sở Văn hoá, bên quản lý di tích rồi bên thuỷ sản và Công ty công viên kéo đến. Người thì bảo phải đưa cụ về Vườn Bách Thảo để chữa trị, người bảo bán quách cho công ty thực phẩm. Trong khi họ bàn thì cụ rùa lìa thế. Đây chính là cụ rùa được làm tiêu bản, bày ở Đền Ngọc Sơn từ bấy đến nay.
Đó là chuyện cái chết của một cụ rùa. Tôi nhớ là trong truyện ký của mình, Nguyễn Dậu cũng kể là cụ rùa to nhất sau đó biến mất, có cụ bị đánh trọng thương và chết, có đôi con cụ một bọn theo ngôn ngữ bây giờ gọi là “rùa tặc” ngang nhiên bắt chở đi làm thịt.
Tôi cũng nhớ chuyện một chuyện là cũng vào khoảng những năm đã xa như trên, một cụ rùa khi leo lên bờ đã bị bọn “rùa tặc” bắt trói đưa lên xe cải tiến kéo ra phía bãi Phúc Tân làm thịt. Sau đó, bộ xương của cụ này được thu hồi và lưu giữ trong kho của Bảo tàng Hà Nội (?) Chuyện này ai kể hay trong ký của Nguyễn Dậu, tôi không nhớ ra được vì đã quá lâu.
Hồi đến hỏi chuyện ông Hà Đình Đức, ông kể rằng có nghe nhà văn Đào Quang Thép – khi ông là Trưởng ban biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội ở 47 Hàng Dầu kể vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8 năm 1962 hay 1963 gì đó, sau một đợt mưa lớn, nước Hồ Gươm tràn bờ, một cụ rùa bò lên Vườn hoa Chí Linh (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ).
Một nhóm người của một đơn vị vũ trang đóng ngay cạnh Hồ Gươm đi tuần tra đã bắt gặp cụ rùa xấu số. Có người nghịch đã cưỡi lên lưng cụ, vỗ mạnh thúc làm ngựa. Sau đó họ tròng dây vào cổ kéo đưa cụ về bếp của đơn vị mổ thịt đánh chén. Vì tội này, người chỉ huy đơn vị đã bị kỷ luật nặng và được gọi với biệt danh “Ông ăn di tích”.  Ông Đức nói rằng câu chuyện có thể tin được vì thời điểm đó ông Thép là người của đơn vị kia.
Tôi có một ân hận là hồi làm việc ở báo Người Hà Nội tôi gặp nhà văn Nguyễn Dậu nhiều lần nhưng không hỏi là những chuyện ông viết thật đến đâu (vì ông đề tác phẩm của mình là truyện ký nên chắc có yếu tố hư cấu hoặc phóng đại). Thành thử cái làm tôi băn khoăn nhất mà nhiều năm không đọc thấy cứ liệu thành văn nào, thậm chí không có người thứ hai xác nhận là chuyện Hồ Gươm vào những năm 60-70 khi ông Dậu sống và hành nghề đã từng có đến… 17 cụ rùa.
Khi tôi về sống ở Hà Nội ba chục năm trước đến giờ, người ta chỉ nhìn thấy trong hồ một cụ (được nhận dạng kỹ) và có vài ý kiến tranh cãi về một cụ thứ hai mà chỉ vài người nói là thấy nhưng không chụp được ảnh hoặc được phán đoán là có tồn tại do khi cụ rùa mà ta vẫn biết nổi lên, có người vẫn nhìn thấy một vệt tăm nước lớn khác mà họ cho là chỉ có thể được tạo ra bởi một con vật kích thước lớn như cụ rùa.
Hồi nói chuyện với ông Đức, nhà rùa học cũng bất ngờ về chi tiết 17 cụ rùa này. Ông nói có lẽ nhà văn hư cấu vì ông chỉ có cứ liệu chắc chắn về 4 cụ rùa: Cụ bị thương rồi mất năm 1967, cụ bị “ông ăn di tích” ăn, cụ bị rùa tặc bắt làm thịt và cụ rùa mà ta đã biết khi đó vẫn còn sống trong hồ.
Một chuyện khác tôi cũng rất băn khoăn là vì sao trong hồ từng có ít nhất 4 cụ rùa to lớn như vậy và tuổi các cụ phải tính bằng mấy trăm năm (Trước đây, người ta đoán cụ rùa Hồ Gươm nặng khoảng 2 tạ và tuổi ước chừng 700 năm.  Năm 2011, khi phát hiện cụ rùa bị thương không nhẹ và bị chốc lở, người ta đã đưa cụ đi chữa bệnh. Tại cơ sở chữa bệnh người ta, cân cụ được 169 ki lô gam, thuộc giống cái còn tuổi thì chỉ dám nói là hơn 100) mà trong hồ không thấy dấu hiệu có rùa thuộc các thế hệ khác nhau.
Không có ai ngoài nhà văn Nguyễn Dậu nói nhìn thấy rùa Hồ Gươm đẻ và hàng trăm quả trứng rùa. Trước đây, có luồng ý kiến trách cứ việc xây kè xi măng một bãi đất nhỏ ở đảo Tháp Rùa đã khiến rùa Hồ Gươm không lên đấy đẻ trứng để duy trì nòi giống được. Nhưng việc láng xi măng nếu có thì cũng mới vài chục năm nay, vậy nếu các cụ rùa quả thật có sinh sản thi hậu duệ đó ở đâu?
Thôi chuyện trong Hồ Gươm đã từng có bao nhiêu cụ rùa đã thành quá vãng và các cụ có sinh sản hay không có lẽ sẽ khó làm rõ được. Cái tôi muốn bàn thêm bây giờ là chuyện nguồn gốc Rùa Hồ Gươm. Chúng ta đều được học hành nên chắc không còn nhiều người nghi ngờ cụ rùa cuối cùng kia không phải là một thực thể sinh học.
Thậm chí những người “tâm linh” nhất, những người đã từng hoảng sợ (dù nói ra hay không nói ra) về một “điềm gở” vì cụ rùa từ trần ngay trước Đại hội Đảng 12 khai mạc giờ chắc cũng đã hoàn hồn vì Đại hội đã thành công tốt đẹp và từ bấy đến nay Đảng ta đã làm được nhiều việc quan trọng, từng bước khôi phục uy tín, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ lớn. Vậy nên tôi hy vọng mình sẽ không bị ai quở trách về ý muốn tìm hiểu và bàn đôi chút những gì sau màn sương huyền thoại bao phủ Hồ Gươm và cụ rùa.
Nếu cụ Rùa không phải là một thực thể thần linh thì cụ từ đâu ra? Nếu cụ và tổ tiên vốn sống trong cái hồ vốn hình thành từ một khúc sông Hồng bị đổi dòng thì vùng ven sông Hồng và các hồ lớn của Hà Nội, nhất là Hồ Tây (cũng là một khúc sông Hồng trong quá khứ) cũng phải có họ hàng, bà con ruột thịt của cụ chứ? Tại sao lại hoàn toàn vắng bóng?
Lê Xuân Sơn (TP)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.