Từ một làng đồng bào dân tộc Jrai còn lạc hậu, đời sống vô cùng khó khăn, nhờ triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Khởi sắc từng ngày
Tôi đến làng Bua trên con đường bê tông phẳng lì. Đây là một trong những thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Hai bên đường, những vườn sầu riêng, cà phê xanh tốt, vươn mình đón nắng. Những ngôi nhà mới xây cao ráo, to đẹp.
Lâu lâu, tôi lại gặp những chiếc xe ô tô tải chở đầy hàng hóa, tài xế chốc chốc lại tuýt còi báo hiệu rộn cả quãng đường. Nghe tiếng còi xe, tôi như thấy được cả niềm vui trong đó. Cảnh sắc tươi đẹp ấy là minh chứng xác thực nhất về một vùng nông thôn đang trên đà phát triển.
Trao đổi cùng tôi, chị Lê Thị Khánh Hòa-Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn-giới thiệu khái quát về những kết quả mà địa phương đạt được trên các mặt công tác. Trong đó, chị đặc biệt nhấn mạnh đến hiệu quả thiết thực của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn, từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, trong đó có người thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Và, ông Rơ Lan Bye là một trong những gương nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi từ mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp và chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Ông Rơ Lan Bye chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: L.Q |
Để minh chứng cho cuộc sống của người dân đang từng ngày khởi sắc, chị Rơ Lan H’Ngon-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã dẫn tôi đi tham quan một số công trình được xây dựng theo chương trình nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã giới thiệu: “Làng Bua hiện có 534 hộ, gần 1.200 khẩu, tất cả đều là người Jrai.
Trước năm 2000, đời sống của bà con rất khổ cực. Thương bà con mình, ông Bye không chỉ tích cực lao động sản xuất, trở thành tấm gương để dân làng học tập, làm theo mà còn dành thời gian đến từng nhà vận động thanh niên tự giác làm hồ sơ xin vào làm công nhân tại các công ty đứng chân trên địa bàn. Đồng thời, ông hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê, cao su, điều, sầu riêng và chăn nuôi để có thêm thu nhập.
Thấy ông Bye nói điều hay đúng cái bụng của dân làng, lại làm được nhiều việc tốt nên bà con nghe theo. Hiện nay, dân làng đã trồng được gần 120 ha cao su tiểu điền, 109 hà cà phê, 15.800 trụ hồ tiêu, 25 ha sầu riêng và 150 ha điều. Riêng gia đình ông Bye sở hữu 4 ha điều, 900 cây cà phê, 700 trụ hồ tiêu, 800 cây cao su và 170 cây sầu riêng; thu nhập hàng năm hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Từ năm 2015 đến nay, gia đình ông Bye tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, ông còn tận tình hướng dẫn 7 hộ có hoàn cảnh khó khăn áp dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng đem lại thu nhập cao.
Ngoài đầu tư phát triển sản xuất phát triển kinh tế gia đình, ông Bye còn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, ông tích cực đóng góp Quỹ Khuyến học, Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng đường điện nội thôn; thường xuyên tặng các vật dụng sinh hoạt như quần áo, sách vở… cho trẻ em nghèo.
Nếu năm 2010, làng Bua có 125 hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 17 hộ (theo tiêu chí mới). Đây là kết quả của sức mạnh đoàn kết, phát huy nội lực vượt qua khó khăn của người dân, trong đó có phần công sức của ông Rơ Lan Bye.
“Bà con cười là cái bụng mình vui”
Trò chuyện với tôi, ông Bye khoe: “Mình mới lên huyện dự hội nghị và nhận giấy khen cùng với giấy chứng nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong làng, trong xã cũng có nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi như: Rơ Ma H’Bloi, Kpui Thin, Rơ Lan Diên, Ksor Căn…, mỗi năm thu về 300-500 triệu đồng. Nhiều gia đình chỉ thu cây trái trong vườn cũng đạt từ 70 đến 100 triệu đồng”.
Mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở xã Ia Pnôn. Ảnh: Lê Quang |
Nói về phương pháp vận động bà con chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế, ông Bye cười vui rồi bộc bạch: “Trước đây, đời sống của dân làng mình khó khăn lắm. Tệ nạn, hủ tục cũng nhiều.
Có người còn nghe lời xúi giục của bọn xấu nên bỏ gia đình vượt biên sang Campuchia. Trước thực trạng đó, mình dành thời gian đến từng nhà gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Lâu dần, mình được dân làng coi như người thân.
Từ đó, mình nắm bắt được những vấn đề trong cuộc sống của bà con, biết họ đang có khó khăn về vốn hay cây-con giống, mùa này muốn trồng cây gì, nuôi con gì, áp dụng phương thức canh tác nào cho có hiệu quả. Giúp được bà con, mình mừng lắm. Đời sống ổn định, bà con cười là cái bụng mình vui”.
Cũng theo ông Bye, để bà con nghe và làm theo thì không chỉ nói hay mà còn phải làm được, làm giỏi. Để làm gương, ông Bye ngày đêm chăm chỉ làm lụng, mở rộng diện tích điều, cao su, hồ tiêu, cà phê.
Theo ông, việc đầu tư phát triển kinh tế không phải cứ làm là được, nhiều năm, cây hồ tiêu bị chết, giá cao su xuống thấp, thu không đủ chi, nhưng ông quyết không nản chí. Ông tích cực học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch. Đất không phụ công người, những trụ hồ tiêu hồi sinh xanh tốt sai trĩu quả; cao su, cà phê lên giá. Vậy là ông Bye đã thành công.
Vừa làm, ông vừa vận động bà con cùng làm theo, gia đình nào thiếu cây giống ít thì ông chủ động hỗ trợ, nhiều thì cho mượn tiền để mua. Với các công trình dân sinh trong làng, ông xung phong đi đầu và hỗ trợ kinh phí. Việc làm của ông Bye đã giúp cho nhiều hộ cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chiều tối, anh Siu Trung cùng vợ từ rẫy mới trở về. Uống cạn chén trà, anh tâm sự: “Hồi mình mới lấy vợ, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn vì thiếu đất sản xuất, lại không có vốn. Biết hoàn cảnh gia đình, ông Bye đã đến tận nhà vận động vợ chồng mình cùng đi làm rẫy, cho mượn tiền đầu tư sản xuất, mua cây giống… rồi tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trồng. Nhờ ông Bye mà vợ chồng mình đã có 1 ha cao su, 1 ha điều và 500 trụ hồ tiêu… Mỗi năm, gia đình thu về từ 50 đến 70 triệu đồng”.
Còn ông Siu Lương thì cho biết: “Nhờ Bye “cầm tay chỉ việc” mà mình đã biết kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều hộ được Bye giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo”.
Già làng Rơ Mah Kluch: “Với kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, Bye đã truyền đạt cho bà con cùng trồng trọt, chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp của gia đình Rơ Lan Bye rất đáng để học tập. Chuyện Rơ Lan Bye được nhận nhiều giấy khen, giấy chứng nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện và đề nghị UBND tỉnh khen thưởng thật đáng tự hào”.