Quyết liệt bảo vệ rừng giáp ranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai có diện tích rừng và đất rừng giáp ranh với các tỉnh Kon Tum, Đak Lak, Phú Yên, Bình Định. Những khu vực này có nhiều loại gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao nên trở thành “miếng mồi ngon” của lâm tặc. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT 5 tỉnh cùng các địa phương giáp ranh đã ký kết, tăng cường thực hiện quy chế phối hợp trong tuyên truyền, tuần tra, truy quét lâm tặc nhằm bảo vệ tốt nhất diện tích rừng này.
Nỗ lực ngăn chặn hành vi xâm hại rừng
Vùng giáp ranh giữa Gia Lai với các tỉnh Đak Lak, Phú Yên, Kon Tum và Bình Định có chiều dài hơn 500 km trải dài qua địa bàn nhiều huyện, thị xã, thành phố của các tỉnh. Đặc biệt, khu vực rừng giáp ranh giữa các tỉnh có địa hình phức tạp, hiểm trở, đời sống người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) còn nhiều khó khăn, thông tin liên lạc hạn chế… Trong khi đó, rừng nơi đây còn giàu trữ lượng với nhiều loại gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao như trắc, căm xe, hương, gõ… cùng với hệ động-thực vật phong phú, đa dạng nên tiềm ẩn nguy cơ lâm tặc xâm hại rất cao.
Tại khu vực rừng giáp ranh giữa Gia Lai, Đak Lak và Phú Yên, từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng 3 tỉnh đã tổ chức 309 đợt phối hợp tuần tra, truy quét. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 252 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp gồm: 36 vụ phá rừng, 4 vụ khai thác rừng, 89 vụ tàng trữ, 123 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 30 vụ, xử lý hành chính 222 vụ; tịch thu hơn 423 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, 118 ster củi, 2 xe ô tô, 10 xe máy cày, xe độ chế, 90 xe máy… và phạt tiền hơn 469 triệu đồng.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum ký kết Quy chế phối hợp trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Diệp
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum ký kết Quy chế phối hợp trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho hay: Vùng giáp ranh giữa huyện với các huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) và Ea Kar (tỉnh Đak Lak) có chiều dài khoảng 43 km, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thông tin liên lạc trong quản lý, bảo vệ rừng hạn chế. Đặc biệt, đây là vùng có Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tỉnh Đak Lak) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (tỉnh Gia Lai) với hệ động-thực vật phong phú, quý hiếm, có tính đa dạng sinh học cao. Trình độ nhận thức của người dân lại chưa cao, đời sống còn khó khăn nên rất dễ xảy ra tình trạng vào rừng giáp ranh xâm canh, khai thác gỗ về làm nhà. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc ký kết quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản vùng giáp ranh. Trên cơ sở đó, UBND 3 huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng và các xã giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin về vùng trọng điểm cháy rừng, phá rừng để phối hợp tuần tra, truy quét nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Riêng tại các xã giáp ranh của huyện, từ năm 2017 đến nay đã phát hiện và xử lý 68 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; trong đó, đã xử lý hình sự 7 vụ và xử lý hành chính 61 vụ.
Từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai, Đak Lak và Phú Yên đã phát hiện 252 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực rừng giáp ranh, tịch thu hơn 423 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại. Ảnh: Nguyễn Diệp
Từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai, Đak Lak và Phú Yên đã phát hiện 252 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực rừng giáp ranh, tịch thu hơn 423 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại. Ảnh: Nguyễn Diệp
Còn tại huyện Chư Păh, từ năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng của huyện, các đơn vị chủ rừng và các xã giáp ranh với tỉnh Kon Tum đã phối hợp tổ chức 97 đợt tuần tra, truy quét. Qua đó, phát hiện 40 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử lý hành chính 29 vụ và xử lý hình sự 11 vụ, tịch thu hơn 53 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, 13 xe máy, thu nộp phạt vào ngân sách nhà nước 95 triệu đồng. Ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hệ thống chính trị từ huyện đến xã và các thôn, làng vùng giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin, góp phần ngăn chặn kịp thời các vụ xâm hại tài nguyên rừng. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, hệ thống giao thông đi lại khó khăn nên việc kiểm tra rừng khu vực giáp ranh chưa được thường xuyên; chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn thấp; lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn mỏng...
Đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp
Trên cơ sở quy chế phối hợp giữa UBND 5 tỉnh Gia Lai, Bình Định, Đak Lak, Phú Yên, Kon Tum đã ký từ năm 2017 đến nay và để “siết chặt” công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp mới. Theo đó, các đơn vị tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân sinh sống vùng giáp ranh để bà con không vi phạm Luật Lâm nghiệp, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ và trồng rừng, tố giác các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các địa phương cùng phối hợp tuần tra, kiểm soát và truy quét, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp ở vùng giáp ranh.
Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 8.183 ha rừng, chủ yếu của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly và Công ty cổ phần Ong mật Hoàng Huynh Khang (TP. Pleiku). Xã giáp ranh với 2 xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) và Ya Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Từ năm 2018 đến nay, UBND xã thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin với 2 xã giáp ranh và các đơn vị chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ công tác phối hợp, chúng tôi đã phát hiện 3 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, chuyển cơ quan chức năng xử lý hành chính 1 vụ và xử lý hình sự 2 vụ.
Còn ông Y Phin-Chủ tịch UBND xã Ya Tăng thì cho hay: Vùng giáp ranh của xã với xã Ia Kreng dài khoảng 24 km. Thời gian qua, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp khu vực giáp ranh đã được kiểm soát, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khai thác, mua bán, vận chuyển và xâm lấn đất rừng. Vì vậy, trên cơ sở quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã được các cấp, ngành của 2 tỉnh và địa phương ký kết, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục trao đổi thông tin về công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản; tổ chức tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, hàng năm, 2 xã phối hợp tổng kết việc thực hiện quy chế, đề xuất cấp trên khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh…
Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra khu vực giáp ranh. Ảnh: Lê Gia
Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra khu vực giáp ranh. Ảnh: Lê Gia
Thông tin thêm về việc thực hiện quy chế phối hợp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân khu vực giáp ranh tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chỉ đạo nâng cao nhận thức người đứng đầu trong công tác tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Đặc biệt, huyện phối hợp với cấp có thẩm quyền tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chế độ chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh đã ký kết giữa UBND các tỉnh, từ năm 2018 đến nay, các cấp, ngành và địa phương vùng giáp ranh có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, hạn chế, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp góp phần ngăn chặn kịp thời các vụ xâm hại tài nguyên rừng. Thời gian tới, các lực lượng chức năng và các địa phương vùng giáp ranh tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp đã ký kết, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, kiểm soát, truy quét để mang lại kết quả cao hơn.         
NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng-chống AIDS năm 2024

Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng-chống AIDS năm 2024

(GLO)- Ngày 29-11, Bộ Y tế tổ chức Mít tinh cấp quốc gia trực tuyến hưởng ứng Ngày thế giới phòng- chống AIDS (1-12) năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng-chống AIDS, ma túy, mại dâm dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ Mít tinh.