(GLO)- Chỉ cần gõ từ khóa “homestay” để tìm kiếm trên Google, khách du lịch đã có hàng ngàn kết quả. Riêng tại Pleiku hiện có không dưới 15 cơ sở đang kinh doanh loại hình lưu trú này.
Nguyên nghĩa của homestay xuất phát từ nhu cầu được sống cùng một gia đình cư dân địa phương của du học sinh ở các quốc gia. Cách làm này giúp các bạn trẻ tiếp cận, tìm hiểu và hòa nhập lối sống, văn hóa, phong tục tập quán của vùng miền rất nhanh và hiệu quả. Việc khan hiếm địa điểm lưu trú chính thống vào mùa cao điểm ở các nơi du lịch nổi tiếng cũng phát sinh dịch vụ homestay, trong đó Hội An và Đà Lạt là nơi khởi xướng. Những gia đình có phòng trống đã thu xếp lại căn nhà của mình để nhận khách tạm trú ngắn ngày. Thường thì khách cũng thích được sinh hoạt chung với chủ, khá thân thiện, rất thú vị, đúng đặc thù “lưu trú tại gia”. Cứ như vậy thì “căn nhà ngoại ô” hay một tòa nhà giữa phố kinh doanh homestay đều ổn, vị trí chỉ còn là sự lựa chọn của khách. Thêm một xu hướng lưu trú mới toanh của dân cuồng chân, thích đi đây đi đó là chấp nhận làm việc cho chủ nhà theo thỏa thuận, đổi lại có một chỗ ăn nghỉ, dân phượt gọi là couchsurfing-đang sắp hàng ngay sau homestay-cũng khá hay, nhưng ở ta xem chừng khó là xu hướng.
Một góc Hoa Vàng homestay. Ảnh: N.S |
Bây giờ thì cái chất cơ bản của loại hình lưu trú này bị biến thể nhiều lắm. Hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn trưng bảng homestay mà dịch vụ không hề có chút gì chất “lưu trú tại gia”. Đà Lạt lại dẫn đầu về hiện tượng đội lốt mà khách du lịch và dân phượt đã cảnh báo với nhau trên các trang mạng.
Hỏi những người hay đi đây đó về homestay thì đa phần cho rằng cái họ cần là có không gian thoáng mát, xanh, có hoa trái, cung ứng các dịch vụ ẩm thực, đi lại ở mức trung bình. Vì vậy, homestay có mặt khắp nơi. Theo Tuổi Trẻ online ngày 28-7, riêng loại hình nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), cả nước có 1.892 cơ sở đã qua kiểm tra điều kiện với 13.400 phòng, tăng 7,5% so với năm 2017; ngoài ra còn có 1.126 cơ sở với 7.372 phòng chưa được kiểm tra điều kiện. Như vậy, đến hết năm 2018, cả nước có 3.018 homestay với khoảng 21.000 phòng.
Phố núi Pleiku đến nay khá khiêm tốn với không dưới 15 cơ sở đã và đang đăng ký kinh doanh loại hình lưu trú này so với vài trăm ở Hội An, Đà Lạt, Phong Nha... Tất nhiên cũng có nhà nghỉ, khách sạn có tiêu chuẩn trung bình “ăn theo” trào lưu lưu trú này, nhưng nổi bật phải kể đến mấy cái tên sau.
Đầu tiên là Phượt coffee homestay ở số 29 Lê Hồng Phong. Gia chủ là chị Nguyễn Thị Thúy Loan đã cải tạo căn nhà của mình để có thể “chứa chấp” đến 10 người sinh hoạt cùng với gia đình đúng chất homestay, thậm chí chị Loan còn thường xuyên thiết kế các tour thăm thú cho khách và chính mình là hướng dẫn viên. Đặc biệt, với giá chỉ 100.000 đồng/người/đêm, Phượt coffee homestay không quy định giờ vào (check in) hay ra (check out). Chị Loan kể: “Khách ở đây thường tự đi chợ nấu ăn hay mời gia chủ ăn cùng, rất vui”.
XOM organic farmstay ở thôn 5 (xã Trà Đa) là một mô hình biến thể với không gian nông trại (farmstay) tương đối phổ biến ở Thái Lan. Đây là cơ sở đầu tiên ở Pleiku kinh doanh mô hình này. Quanh phòng ở là các luống rau xanh, các hàng cây dược liệu và cây ăn quả canh tác theo phương pháp hữu cơ, bên ngoài khuôn viên cũng là những vườn rau, ruộng lúa của cư dân. Ở đây cung cấp sản phẩm rau quả sạch tại chỗ cho khách nếu có yêu cầu. XOM đã đưa 2 căn vào kinh doanh với mức giá 400.000-550.000 đồng/khách và phụ thu 150.000-200.000 đồng/khách tăng thêm tùy căn hộ.
Hiện nay, tại TP. Pleiku sắp có thêm 1 homestay ra đời với dịch vụ đa dạng, đó là Hoa Vàng homestay (580/22 Trường Chinh, phường Chi Lăng). Ông Nguyễn Công Tân-chủ homestay này-cho biết: Cách đây hơn 20 năm, gia đình tiếp nhận, cải tạo, xây dựng một triền đồi rộng gần 3 ha tại địa chỉ trên với một bên là con suối nhỏ, phía trên tiếp giáp cánh rừng thông 3 lá đang thì con gái. Qua từng ấy thời gian, nơi này đã ngập tràn màu xanh và sắc hoa vàng chủ đạo. Ông Tân đặt tên cho chốn này theo cảm hứng từ tựa một cuốn truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Trại Hoa Vàng”. Gần đây, ông Tân quyết định tái đầu tư, kích hoạt dịch vụ lưu trú. Chữ homestay được dùng trong cụm tên mới cho dễ nhận diện. Đầu tháng 9 này, khi đi vào hoạt động, Hoa Vàng homestay sẽ có 10 căn đưa vào khai thác với 2 căn khép kín đủ tiện nghi dành cho gia đình 4-6 người, có phòng khách, phòng ngủ, bếp riêng; 7 căn nằm rải rác trong khuôn viên gần 3 ha với nhiều diện tích cho khách tùy chọn; 1 phòng tập thể 10 người. Số khách tối đa lưu trú tại đây có thể lên đến 100 người. Hồ bơi, sân bóng đạt chuẩn, dịch vụ picnic cắm trại dưới rừng thông, cà phê giải khát và ẩm thực tại chỗ là ưu thế của homestay này. Mức giá lại khá dễ chịu, dao động 200.000-800.000 đồng/căn.
Ông chủ homestay chia sẻ thêm: “Tôi sẽ thiết lập các hình thức giao lưu thích hợp giữa đội ngũ phục vụ (đại diện gia chủ) với khách và giữa khách với khách để sự thân thiết trở thành cái chất ở đây. Vì xét cho cùng thì thân thiết chính là cái hồn, nó nằm trong từ home của homestay vậy”.
NGUYỄN SƠN