Quang gánh cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Xôi bắp, xôi bắp, ai xôi bắp đây!”. Tầm 2 giờ chiều, đám trẻ trong xóm lại nghe vang vang tiếng rao và những thanh âm quen thuộc của dì Hai gánh xôi bắp. Những bước chân nằng nặng, nhịp nhàng của người phụ nữ tuổi gần 60 dễ khiến người ta chạnh lòng.
Chiếc áo bà ba màu nâu đã sờn bạc và đôi dép cao su mòn vẹt ngày ngày vẫn là “người bạn” thân thiết của dì Hai. Dễ đến hơn chục năm rồi, cư dân trong xóm này đã quá thân quen với hình ảnh ấy. 
Gia đình không có gì dư dả, mấy người con của dì Hai lần lượt vào công ty, xí nghiệp làm công nhân. “Sao dì không kiếm chiếc xe máy cũ hay xe đạp chở đi bán cho đỡ mệt?”.
Dì Hai cười hiền: “Xưa tới giờ ở quê dì toàn đi xuồng ghe, đi bộ chứ đâu có biết chạy xe, ai tốt bụng cho quá giang, dì cảm ơn, con à. Mấy đứa nhỏ ở nhà hôm nào đi làm về sớm chở giùm gánh xôi cho dì qua đầu hẻm, còn không, dì túc tắc đi bộ cũng quen rồi”. Đôi quang gánh của người đàn bà tảo tần giữa chốn thị thành phồn hoa làpm tôi nhớ quay quắt hình ảnh ngày xưa của những người mẹ, người chị thương yêu. 
Những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, làng quê thuở ấy còn nghèo xơ xác. Mấy công ruộng ngoài bưng, mỗi khi vào vụ, anh em tôi thay phiên nhau học một buổi, buổi còn lại đi ruộng để đỡ đần gia đình. Từ nhổ cỏ, nhổ mạ đến gánh mạ, gánh lúa, chúng tôi đều làm được, nhưng đội quân chủ lực vẫn là mẹ và các dì, các chị lớn.
 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Những gánh mạ tươi non mơn mởn, những gánh lúa vàng trĩu hạt nặng oằn vai, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, vậy mà các mẹ, các chị cứ nhịp chân thoăn thoắt. Trời còn mờ mờ sương sớm, chưa nhìn rõ dáng người, mẹ đã quảy gánh ra đồng. Tranh thủ nhất là những đêm sáng trăng, dáng mẹ lại hối hả gánh lúa gom hết về cho mấy anh thợ đập.
Những ngày nắng chang chang, đôi gánh có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng mồ hôi thì thấm đẫm trong từng bước chân. Những đêm mưa già, bước chân mẹ như trĩu nặng hơn bởi lúa thì sũng nước, gió lạnh thổi từng cơn… Để kiếm được hạt lúa từ mấy công ruộng quanh năm nước mặn, phèn chua, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, chưa kể tính khí thất thường của thời tiết, quả thật không hề đơn giản. 
Tôi vào cấp một ở trường làng, lúc này mẹ ít quang gánh ra đồng hơn mà thay vào đó là quảy gánh ra chợ. Mấy đứa con đi học xa, mẹ phải chi tiêu hết sức tiện tặn mới mở được tiệm tạp hóa nhỏ xíu tại nhà. Vậy là đôi quang gánh lại gắn bó với mẹ ngày ngày.
Gà vừa gáy khuya cũng là lúc mẹ quảy gánh ra chợ thị trấn cách nhà 3-4 cây số, để lúc sáng rõ quay trở về trên đôi vai mẹ đã chất đầy những bó rau cải xanh mướt, những mắm, muối, cá khô, tương, cà, bánh kẹo… tất tần tật mọi thứ có thể bán được để kiếm đồng ra đồng vô.
Không thể nào quên những đêm mưa dầm, trong ánh sáng lờ mờ của cây đèn hột vịt được thiết kế đặc biệt treo trên đầu đòn gánh, mẹ bám víu từng bước chân mềm trên con đường bùn lầy trơn trợt.
Trong ký ức tôi vẫn nhớ nhất vào những ngày giáp tết, khi những chuyến ghe chở dưa hấu từ dưới rạch xa lên đậu ở bến sông, mẹ và cả nhà chúng tôi háo hức quảy gánh ra sông gánh dưa về bán tết, không khí vui như ngày hội.
Không biết có phải thương mẹ tôi tảo tần cực khổ hay bởi trời đất không phụ lòng người chịu thương chịu khó mà mùa tết nào cũng vậy, hàng ngàn trái dưa hấu được mẹ tôi bán hết rất nhanh chóng. 
Đôi quang gánh thân thương được làm từ thân cây mây mà người ta đi rừng cắt được, thân mây ngâm nước vừa mềm vừa dẻo, được cuộn lại thành đôi gánh chắc chắn vô cùng. Thường là người ta cuộn thân mây thành hình vuông để đặt vừa khớp hai cái thúng, cùng với đó là chiếc đòn gánh bằng thân tre già đã ngâm nước đến nổi vân bóng mượt.
Ngày đó, không ít đứa trẻ bọn tôi tỏ ra vô cùng thích thú mỗi khi được mẹ bỏ vào thúng gánh đi đây đi đó, rong ruổi qua khắp các thôn làng, ngõ xóm. Khi thì các mẹ gánh đám trẻ ra ruộng, kiếm bóng mát cây to thả bọn tôi ra ngồi chơi, trong khi các mẹ, các dì vừa nhổ cỏ vừa trông chừng.
Mê nhất là khi trẻ con bọn tôi được mẹ gánh đi chợ, đó là lúc tha hồ được ngắm nhìn phố xá nhộn nhịp, rồi còn được mẹ thưởng cho bao nhiêu món ngon, nào là bánh, nào những viên kẹo xanh đỏ ngọt lịm. Những tiếng cười giòn tan, nét hồ hởi trên gương mặt trẻ thơ dường như đã khiến mẹ quên đi bao nỗi nhọc nhằn, dẫu đôi vai có oằn nặng thêm một chút lo toan, một chút bộn bề. 
Mẹ đi quang gánh trên vai/ Mẹ về gánh cả tương lai con về. Câu hát ấy không biết đã có tự bao giờ, nhưng mỗi khi ngâm nga lại, lòng tôi bất chợt nghe bồi hồi. Chiếc đòn gánh kẽo kẹt trên vai mẹ, láng bóng mồ hôi bao năm cứ oằn đi theo mỗi bước chân trên con đường làng đầy đá sỏi, in dấu lên đôi vai gầy chai sạn vết thời gian. Bao năm trời, mẹ tảo tần gồng gánh suốt bốn mùa nắng mưa. 
Đã lâu lắm tôi không được thấy cảnh người ta quang gánh đi ruộng, đi chợ. Mẹ tôi giờ tuổi đã cao, không đủ sức gồng gánh nữa nhưng hình ảnh đôi quanh gánh nhịp nhàng đong đưa trên đôi vai của các mẹ, các chị vẫn luôn trong tâm trí tôi đến tận bây giờ. Nhất là khi, bất chợt một ngày nào đó bạn tình cờ bắt gặp đôi quang gánh của người phụ nữ bán xôi giữa phố thị.
Lê Minh (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

(GLO)- Khi tôi và nhà thơ Hương Đình “mở tiệc” chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở “về nhà”, anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.