Người giữ ký ức
Một buổi chiều đầu tháng 4-2025, chúng tôi tìm về làng Bạc 1 gặp nữ Anh hùng Kpă Ó. Ngồi trên chiếc ghế võng, bà lật giở từng trang trong cuốn sách Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Gia Lai. Cuốn sách được bà cất giữ cẩn thận và thỉnh thoảng mang ra đọc. Chỉ vào trang số 233, bà bảo: “Mình cũng được nhắc tên trong này”. Trong sách, Anh hùng Kpă Ó được giới thiệu: “…tham gia du kích năm 1966, thuộc xã Ia Phìn, Tiểu đội trưởng du kích và đến năm 1973 đi học, năm 1974 được ra Bắc học văn hóa, khi giải phóng miền Nam 1975 thì trở về quê nhà. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Anh hùng Kpă Ó đã có nhiều thành tích xuất sắc như gài mìn diệt xe tăng địch, bắn máy bay trực thăng, nhất là vận động dân làng đấu tranh phá ấp giành dân, đưa Nhân dân trở về buôn làng cũ của mình. Ngày 6-11-1978, Kpă Ó vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nữ anh hùng. Mỗi lần nhắc lại, mắt bà mờ đi vì xúc động. Trong cuộc thảm sát năm 1962, máu của dân làng Bạc đã nhuộm đỏ mảnh đất đau thương. “Năm đó, địch điên cuồng xả súng khiến nhiều người dân vô tội ngã xuống. Bà ngoại tôi, em trai tôi đều chết dưới họng súng của kẻ thù. Mẹ tôi bị thương và cũng qua đời không lâu sau đó”-giọng bà nghẹn lại. Nỗi đau, sự mất mát quá lớn mãi in hằn trong tâm trí, để rồi năm 1996, khi vừa tròn 16 tuổi, bà Kpă Ó xin gia nhập đội du kích địa phương, tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương.
Với lòng căm thù giặc sâu sắc, nữ du kích Kpă Ó đã không chùn bước trước khó khăn, nguy hiểm. Bà tham gia gùi đạn, vận chuyển lương thực, dẫn đường cho bộ đội, cài mìn phá hủy xe tăng địch, tham gia chống càn, phá ấp chiến lược… Vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn cộng với lối đánh du kích linh hoạt, nữ du kích Kpă Ó đã khiến cho kẻ thù bao phen khiếp sợ.
Ở tuổi xế chiều, bà vẫn giữ vẹn nguyên chất lính, thẳng thắn, trách nhiệm và cống hiến. Bà luôn gần gũi với dân làng, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng và động viên, truyền cảm hứng để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cách mạng. Nói về nữ Anh hùng Kpă Ó, ông Đào Quang Bình-Chủ tịch UBND xã Ia Phìn-cho biết: “Bà sống rất chân thành, giản dị. Với chúng tôi, bà không chỉ là nhân chứng lịch sử mà mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng để học hỏi, noi theo”.
Tự hào vì quá khứ luôn được trân trọng
Trong ngôi nhà xây kiên cố gần tỉnh lộ 663, chúng tôi ấn tượng với một tấm vải màu vàng đã ố màu. Ở đó, bà Kpă Ó treo rất nhiều huân-huy chương mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Bà chia sẻ: Treo ở đó để nhắc bản thân mỗi ngày luôn sống cho xứng đáng với sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước; đồng thời cũng là cách giữ gìn cẩn thận, tránh va đập dẫn đến trầy xước, hư hỏng; lại tiện lấy sử dụng mỗi khi được mời tham gia các sự kiện quan trọng.
Chỉ vào chiếc đồng hồ được lồng vào khung gỗ với biểu tượng 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 50 năm Ngày giải phóng TP. Đà Nẵng, bà nói: “Đây là một trong những món quà ý nghĩa mà tôi được tặng nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên”.
Trước đó, bà cũng được mời ra Hà Nội tham gia sự kiện do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ tổ chức nhân kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3; hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 40 năm Giải thưởng Kovalevskaia (1985-2025). Ở đây, bà cùng các nữ anh hùng lực lượng vũ trang, nữ anh hùng lao động, nữ tướng trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ đầy xúc động với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Với bà, cuộc gặp mặt với lãnh đạo Đảng, Chính phủ không chỉ là sự ghi nhận mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn. “Các đồng chí lãnh đạo rất gần gũi, giản dị. Tôi tin rằng với trách nhiệm trước Nhân dân, các đồng chí lãnh đạo sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển, ngày càng giàu mạnh”-bà Kpă Ó gửi gắm niềm tin.
Về phần mình, bà cũng hứa: “Sống vui, sống khỏe, làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu và dân làng. Tiếp tục động viên bà con lao động sản xuất, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Đặc biệt, giữa hàng trăm đại biểu, bà bất ngờ nhận ra người đồng đội năm xưa-nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Y Buông đến từ tỉnh Kon Tum. Sau hơn nửa thế kỷ kể từ Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 1973, đến nay, 2 nữ anh hùng mới có dịp gặp lại nhau.
“Y Buông sức yếu rồi. Hôm Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nữ anh hùng lao động, nữ tướng; dự lễ kỷ niệm 40 năm Giải thưởng Kovalevskaia và trao giải thưởng năm 2024 tại Hà Nội, chị ấy không thể tham gia, lần này phải có con đi cùng. Mình và Y Buông từng gặp nhau tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 1973. Rồi thời gian cứ thế trôi qua, cũng không nghĩ có ngày gặp lại nhau. Vui và xúc động vô cùng”-bà Kpă Ó kể lại khoảnh khắc gặp lại người bạn, người đồng đội và cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời hoa lửa.