Người thợ khuyết tật đam mê xe máy cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơn bạo bệnh ập xuống vào năm 3 tuổi đã vĩnh viễn cướp đi giọng nói lẫn khả năng nghe của đôi tai. Thế nhưng, chính khiếm khuyết đó lại trở thành động lực giúp ông Lê Nguyễn Bửu Khôi (74 Cù Chính Lan, TP. Pleiku) trở thành một người thợ tài ba, nổi danh khắp giới chơi xe máy cổ trong cả nước.
Tôi tình cờ biết ông Khôi trong một lần tác nghiệp về đề tài thú chơi xe máy cổ ở Phố núi hồi năm ngoái. Chủ nhiệm Câu lạc xe máy cổ-Honda 67 Gia Lai Đỗ Hữu Quang cùng các thành viên khi ấy đã không tiếc lời ngợi khen đối với người thợ sửa xe bị khuyết tật Lê Nguyễn Bửu Khôi.
Không thể học chữ, quyết tâm học nghề
Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến tiệm sửa xe máy nhỏ mang tên Honda Khôi trên đường Cù Chính Lan. Một người đàn ông có thân hình mảnh khảnh đang cặm cụi kiểm tra chiếc xe Honda 67 dựng trước sân. Cạnh đó, một phụ nữ đang ngồi dõi theo từng động tác của người thợ, thỉnh thoảng lại nở nụ cười tươi động viên, khích lệ. Hỏi thăm mới biết bà tên Lê Thị Mai, vợ ông Khôi.
Trò chuyện cùng tôi, bà Mai cho biết: Chồng bà sinh năm 1971 trong một gia đình giáo viên tại TP. Pleiku. Năm 3 tuổi, ông Khôi bỗng dưng bị sốt cao, co giật, lưỡi bị thụt vào trong. Thoát cơn bạo bệnh, cậu bé đang tuổi học nói đã vĩnh viễn không thể phát âm được nữa, thậm chí thính lực còn giảm sút trầm trọng. “Không thể tiếp tục theo học con chữ, năm 1983, anh Khôi quyết tâm theo người cậu ruột để học nghề sửa xe máy. Trước đó, anh chưa hề biết gì về nghề này, hơn nữa, khả năng nghe-nói lại khiếm khuyết nên mọi thứ bắt đầu với anh thật sự rất khó khăn”-bà Mai tâm sự.
Cửa tiệm Honda Khôi là địa chỉ sửa xe tin cậy lâu năm của người dân trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Hồng Thi
Cửa tiệm Honda Khôi là địa chỉ sửa xe tin cậy lâu năm của người dân trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Hồng Thi
Không nghe rõ, muốn biết cũng chẳng hỏi được ai, điều duy nhất mà ông Khôi có thể tập trung làm là quan sát, ghi nhớ và tích lũy kinh nghiệm. Dưới sự chỉ dạy tận tình của người cậu, ông Khôi ngày càng bộc lộ năng khiếu sửa xe. Mỗi loại xe có đặc tính ra sao, gồm những phụ tùng gì, thao tác tháo lắp như thế nào…, ông đều thuộc nằm lòng. Đặc biệt, pha sơn xe được xem là công đoạn khó ngay cả với những người thợ lành nghề lâu năm, vậy mà chỉ cần nhìn qua một lần là ông có thể pha màu y mẫu.
Sau 8 năm miệt mài học nghề, năm 1992, ông Khôi mở tiệm riêng với tên Honda Khôi trên đường Sư Vạn Hạnh, sau đó chuyển về đường Cù Chính Lan cho đến bây giờ. Khách hàng tìm đến ông ngày một đông. Có ngày, ông phải quần quật từ sáng sớm đến tận nửa đêm mà vẫn chưa xong việc. Tiệm làm ăn phát đạt, mỗi tháng tiền lời ông thu về không dưới 1 chỉ vàng-khoản thu nhập khá cao vào thời điểm đó.
Tình yêu xe cổ
Không chỉ sửa xe giỏi, ông Khôi còn có một tình yêu đặc biệt đối với các dòng xe máy cổ như: Honda Dame, Super Cub, PS, Simson, Honda từ đời 65 đến 73, Vespa, Lampretta, Suzuki 50cc và 55cc… Ông không ngừng tìm hiểu, mày mò cách độ chế xe cổ để thỏa niềm đam mê của mình.
 Ông Lê Nguyễn Bửu Khôi miệt mài sửa một chiếc xe Honda cổ cho khách. Ảnh: M.T
Ông Lê Nguyễn Bửu Khôi miệt mài sửa một chiếc xe Honda cổ cho khách. Ảnh: M.T
Tạm nghỉ tay, ông Khôi dựng lại ngay ngắn chiếc Honda 67 đang sửa rồi lại chỗ chúng tôi, quay sang bà Mai “trò chuyện”. Nghe đoạn, bà Mai “phiên dịch” cho tôi: “Anh ấy bảo, giờ chỉ cần nhìn lướt qua là nhận ra ngay xe thuộc hãng gì, sản xuất năm nào. Đối với việc độ chế xe, các dòng xe cổ của Yamaha, Suzuki thường khó độ hơn và hầu như chỉ tân trang kiểu dáng bên ngoài chứ không thể độ chế lại hoàn toàn do phụ tùng khá hiếm. Riêng xe Honda cổ thì ngày nay người chơi phổ biến hơn nên không khó để tìm mua phụ tùng lắp ráp, kể cả hàng “zin”. Hiện nay, chỉ mất khoảng chừng nửa tháng là anh ấy đã hoàn thiện 1 xe độ chế”.
Tay nghề độ xe của ông Khôi được nhiều người đánh giá cao và lan truyền rộng rãi trong giới chơi xe cổ. Họ bắt đầu tìm đến cửa tiệm của ông nhiều hơn để bảo dưỡng, chăm sóc cho “đứa con tinh thần” của mình. “Tôi biết anh Khôi từ lúc chưa lập gia đình và cảm phục nghị lực của anh ấy. Dù không may bị khiếm khuyết nhưng anh là một người thợ sửa xe và độ xe đa tài. Gần 20 năm chuyển về Quy Nhơn sinh sống, song tôi vẫn chỉ tin tưởng gửi xe lên Pleiku cho anh Khôi sửa, nhất là mấy chiếc xe cổ như Cub, 67… Anh làm xe rất có tâm và uy tín, sau mỗi lần bảo dưỡng, tôi sử dụng 5-6 năm mà không hề gặp hư hỏng gì”-ông Trần Chí (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vui vẻ cho biết.
Bên cạnh tân trang xe cổ cho khách, ông Khôi còn độ chế các dòng xe này để chơi và bán lại với giá khoảng 30-80 triệu đồng/chiếc tùy theo dòng xe và mức độ cũ, mới. Trung bình mỗi năm, ông Khôi độ chế và bán tầm 6-7 chiếc xe máy cổ các loại. Anh Hồ Đăng Thân (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) cho hay: “Tôi biết đến anh Khôi qua bạn bè giới thiệu đã hơn 10 năm rồi. Anh là một người rất có tiếng trong giới chơi xe cổ vì tài năng độ chế cũng như thấu hiểu các dòng xe cổ, mặc dù không thể nói và nghe rõ. Đến nay, tôi đã đặt mua của anh ấy 3 chiếc xe Honda 67 và chiếc nào cũng rất sắc sảo, bền đẹp. Tất cả các chi tiết đều được anh lắp ráp cẩn thận, kỹ lưỡng. Bản thân tôi lẫn nhiều bạn bè của mình vô cùng hài lòng khi sở hữu những chiếc xe do anh độ chế”.
...Gần 37 năm qua, ông Khôi vẫn miệt mài và dành trọn tình yêu với công việc sửa xe mà mình đã chọn. Cũng bởi, chính cái nghề này đã giúp ông sống một cuộc đời đáng sống; vừa thỏa chí đam mê lại có thể chăm lo cho gia đình và 3 đứa con ăn học thành tài. Còn tôi lại nghĩ rằng, qua câu chuyện đời mình, ông Khôi đã thực sự truyền cảm hứng vươn lên cho những người có cùng cảnh ngộ trong xã hội.
 Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.