Phá banh núi làm dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sự cố sạt lở ở khu dân cư cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên - Nha Trang làm 4 người thiệt mạng, nhiều nhà dân bị vùi lấp là hồi chuông cảnh báo trước tình trạng nơi nơi phá núi làm dự án
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở xảy ra tại khu dân cư cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, cho biết ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền kiến nghị cơ quan chức năng khảo sát lại các dự án trên đồi, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn công trình, môi trường, đời sống người dân.
 
Dự án biệt thự Đồi Xanh - Marina Hill Nha Trang, xã Vĩnh Ngọc, bị người dân phản đối vì xây tường thành gây nguy hiểm cho nhà dân. Ảnh: Kỳ Nam
Dự án bao vây thành phố
Phường Vĩnh Hòa nằm ở phía Bắc TP Nha Trang, hiện có 6 dự án lớn nằm trên núi, đe dọa các khu dân cư phía dưới. Các dự án này tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, nhất là trước mùa mưa lũ đang diễn biến phức tạp.
Trong 6 dự án trên, ngoài dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú (do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư) nằm phía Tây núi Cô Tiên, rộng 11,5 ha với 380 căn biệt thự vừa gây ra thảm họa, còn có dự án khu nhà ở biệt thự Incomex Saigon (Ocean Hill Village) lưng tựa vách núi, mặt hướng ra biển với 363 căn biệt thự nghỉ dưỡng có diện tích gần 16 ha. Ở phía Đông núi là dự án Kim Vân Thủy, đang xẻ núi làm đường.
Ở phía Tây Bắc TP Nha Trang, tại xã Vĩnh Ngọc, Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang cũng chuyển mục đích sử dụng 3,3 ha đất từ đất rừng sản xuất sang đất thương mại dịch vụ để thực hiện dự án Đồi Xanh - Marina Hill Nha Trang với 68 căn biệt thự biệt lập. Dự án có hệ thống bể bơi vô cực nằm trên đồi mà phía dưới là khu dân cư tổ 23, Hòn Nghê 1. Theo ghi nhận, một bức tường tường thành cao 15-20 m vừa được thi công, sau nhiều trận mưa lớn vừa qua đã bị nứt nẻ, sụt lún, buộc cơ quan chức năng phải đình chỉ thi công.
Ở phía Nam TP Nha Trang, hàng loạt dự án đang bấu víu vào núi Chụt, mặt hướng ra biển, như dự án biệt thự Anh Nguyễn (Ocean Front Villas Nha Trang, phường Vĩnh Nguyên) rộng 11,6 ha với 79 biệt thự trải dài trên sườn núi. Lãnh đạo phường Vĩnh Nguyên cho biết khu vực núi Chụt đang tiếp tục có một số nhà đầu tư khảo sát để mở dự án.
Tại phường Vĩnh Trường, dự án Ocean View Nha Trang cũng được san ủi hơn 7,2 ha khu vực đồi núi, khoét sâu vào vách đá. Dự án Champa Legend Resort & Spa phía Nam núi Chụt cũng đang triển khai. Ở khu vực núi Hòn Ông của xã Phước Đồng, chủ đầu tư dự án Haborizon Nha Trang đang cho đào xới, khoét đường lên núi. Dự án này rộng 13,3 ha, quy mô 429 biệt thự. Nơi đây còn có dự án khu biệt thự Nha Trang - Sea Park rộng 7,7 ha, 61 biệt thự cũng đang được thi công; gần đó là dự án khu biệt thự vườn đồi Thanh Trúc chiếm diện tích 9 ha.
 
Các dự án trên núi Chín Khúc làm các khu dân cư ở xã Vĩnh Thái bị ngập nặng sau mỗi trận mưa. Ảnh: Kỳ Nam
Họa dưới dân núi
Khu vực núi Chín Khúc nằm ở phía Tây Nam TP Nha Trang, trải dài qua các xã Phước Đồng, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung cũng đang bị "xẻ thịt" bởi khá nhiều dự án. Trên núi này có dự án làng biệt thự sinh thái Giáng Hương (xã Vĩnh Thái) quy mô 15 ha, phía dưới là nhiều nhà dân hư hỏng, bỏ hoang do sạt lở đất đá. Cách dự án này không xa là một dự án khác đang đào núi, cắt thành từng vết ngang. Đợt mưa lớn trong bão số 9 vừa qua khiến nước từ trên núi nơi thi công dự án này đổ xuống như thác làm cả khu dân cư Phong Châu nằm bên dưới ngập nặng. Hai ngày qua, căn nhà của gia đình ông Trần Thanh Hùng ở số 51 đường Phong Châu vẫn còn ngập sâu trong nước. "Từ khi các dự án triển khai trên núi, cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn" - ông Hùng lo lắng.
Cũng ở khu vực đồi núi Chín Khúc là sự hiện diện của dự án khu dân cư Đất Lành. Trận mưa lớn ngày 25-11 khiến nước từ khu vực dự án chảy xuống đường số 4 như thác, buộc chính quyền phải cắm biển cấm vào vì sạt lở. Bà Đinh Thị Lượm, một người dân ở đây, bức xúc: "Tôi sống hơn 20 năm nay mới chứng kiến cảnh tượng như vậy. Nước dâng vào nhà lênh láng, người dân quá khổ rồi".
Trong khi đó, tại xã Vĩnh Ngọc, bà Trần Thị Xá, một người dân cạnh dự án biệt thự Đồi Xanh - Marina Hill Nha Trang, cho biết sau trận mưa ngày 18-11, nước từ chân bờ tường chảy ra ngập cả nhà dân, nhiều nhà phải dùng máy bơm để hút nước. Công trình xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nhiều điểm bờ kè dự án đã bắt đầu nứt toác. "Bờ kè này có những nơi cao 20 m, chỉ cách nhà dân chừng 1 m. Từ khi xảy ra vụ sạt lở bờ kè, đêm nào mưa là chúng tôi ngủ không yên vì sợ" - bà Xá lo âu.
Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, cho biết thường xuyên đến kiểm tra dự án này. Chính quyền xã đã yêu cầu chủ đầu tư phải hỗ trợ người dân 5 triệu đồng/tháng để di dời gần 20 hộ dân sống cạnh dự án khi trời mưa để tránh thiệt hại về người.
Còn tại xã Phước Đồng, người dân cũng phản ánh khu biệt thự Nha Trang - Sea Park xây dựng trên triền đồi cao đã làm hẹp con suối từ 8 m còn lại khoảng 3 m. Trong bão số 8 và số 9 vừa qua, do lượng nước từ khu vực hồ nước của dự án đổ xuống quá lớn đã làm nhiều ngôi nhà hư hỏng nặng. Ông Đặng Lợi, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho biết trên địa bàn xã có 6 dự án lớn như thế đang treo trên đầu dân. 
Người dân phản đối quyết liệt

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa Trần Văn Đông cho rằng các dự án trên đồi núi ở phường này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân, nhất là tại dự án Hoàng Phú và dự án Đông Dương đang triển khai. "Người dân dọc các dự án ai cũng bày tỏ sự lo lắng. Các cấp thẩm quyền cần có sự đánh giá, quy hoạch lại để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân" - ông Đông kiến nghị.

Kỳ tới: Ẩn họa khó lường
 Kỳ Nam (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Xét trong làng múa lân thế giới, lân đến từ VN luôn trong nhóm đầu (top 3). Nghề lân vào nước ta từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nay phát triển rực rỡ, nhưng cũng có nhiều thay đổi khi du nhập thêm kỹ pháp mới để hòa hợp thị hiếu hiện đại. Các đoàn lân nở rộ, nhưng nghề chế tác đầu lân thì hãn hữu, nhất là những dòng lân truyền thống.

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Chuyến đi Nhật lần này, tôi được thực hành trà đạo. Nghệ thuật uống trà thì nhiều nước có mà đầu tiên phải nhắc tới Trung Quốc. Tuy nhiên, phải thấy là mặc dù chỉ là người tiếp thu nghệ thuật đó từ người Hoa nhưng người Nhật phát triển nó cao xa thêm nhiều khiến chỉ ở họ mới có Trà Đạo.

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, trưởng đoàn thanh tra của ngân hàng đã nhận hối lộ lên đến 5,2 triệu USD đã khiến những thế hệ cán bộ thanh tra một thời sống thanh liêm thấy nhói lòng. Ông Trần Cao Minh, sinh năm 1929, từng là thư ký Đoàn thanh tra của Chính phủ nhớ lại những năm tháng ấy.

Người mê mắm

Người mê mắm

Đường xa vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Một mình anh nghĩ, anh nhớ và đi tìm từ cái dầm gỗ chèo thúng, đến loại cây đập ra lấy nhựa trét đèn, từ đôi bầu gánh mắm đến cái ghim tre vá lưới... anh đi tìm, sưu tầm và tẩn mẩn bày ra. Một bảo tàng nghề cá bắt đầu manh nha.

Mù u ra phố

Mù u ra phố

Rong ruổi qua các đường thành phố, nhất là những khu đô thị mới, nếu quan sát sẽ nhận ra những hàng cây xanh bản địa gắn bó với quê hương.

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Tôi ngược đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng. Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng.