(GLO)- Sáng 26-2, Trung đoàn Bộ binh 52, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (27-2-1947 - 27-2-2017). Tham dự buổi lễ có Đại tá Bùi Huy Biết-Phó Chính ủy, Đại tá Trần Quốc Thái-Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng quân đoàn. Tham dự buổi lễ còn có các tướng lĩnh, sỹ quan nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn và trung đoàn qua các thời kỳ, cùng lãnh đạo, chính quyền các địa phương nơi đơn vị đóng quân.
Ảnh: V.H |
Diễn văn tại buổi lễ nhấn mạnh: Ngày 27-2-1947 tại huyện Mai Châu (Hòa Bình) Trung đoàn Tây Tiến được thành lập gồm 4 tiểu đoàn. Tiếp đó ngày 16 tháng 5 năm 1947 thừa lệnh Tổng chỉ huy, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái ra mệnh lệnh đổi số hiệu Trung đoàn Tây Tiến thành Trung đoàn 52. Trải qua gần 4 năm chiến đấu trên địa bàn tỉnh Hoà Bình và miền tây Bắc bộ, trung đoàn cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Tây Bắc lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Năm 1951, trung đoàn nhập vào đội hình Sư đoàn 320, cũng giai đoạn này, trung đoàn đã chiến đấu anh dũng làm nên những chiến thắng vang dội như: tiêu diệt Đại đội Hổ Xám ở Nam Định, trận Vạn Lý, Xương Điền và Cụm cứ điểm Đông Biên thuộc huyện Hải Hậu. Những chiến công vang dội của Trung đoàn 52 đã góp phần làm nên chiến thắn Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Tháng 2 năm 1968, Trung đoàn nằm trong đội hình Sư đoàn 320 tiến vào chiến trường Quảng Trị. Trong thời gian này, trung đoàn tham gia chiến đấu ở cửa Việt, Trị Thiên cùng với các đơn vị trong Sư đoàn 320 và lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt địch ở Phú An, Cam Lộ, Tân Lâm, Đông Hà, Gio Linh… Trung đoàn đã tiêu diệt 2.960 tên địch trong đó có 360 tên Mỹ, phá hủy 5 xe tăng, bắn chìm 4 tàu chiến, bắn rơi 1 máy bay.
Ảnh: V.H |
Tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 52 tham gia chiến dịch Huế - Đà Nẵng tạo thế cài then vững chắc, đơn vị đánh thắng 5 đợt phản kích, diệt 31 chốt, điểm, giữ vững trận địa, đánh thiệt hại Trung đoàn 5 - Sư đoàn 2 của Ngụy, phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây thị xã Tam Kỳ, giải phóng căn cứ Chu Lai, thị xã Quảng Ngãi góp phần giải phóng thị xã Qui Nhơn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 52 được tăng cường cho Quân đoàn 4 làm lực lượng dự bị với nhiệm vụ sẳn sàng tiêu diệt các mục tiêu quan trọng như: Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải Quân Ngụy, nhà Quốc hội, Ngân hàng thành phố, trung đoàn đã đánh chiếm 13 mục tiêu quân sự và 4 mục tiêu dân sự, tiếp quản Bộ tư lệnh biệt động Ngụy quân.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn 52 tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, rồi hành quân ra miền Bắc sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1988, trung đoàn trở lại Tây Nguyên, năm 1989 trung đoàn chuyển thành đơn vị khung thường trực, huấn luyện dự bị động viên. Gần 30 năm ở Tây Nguyên Trung đoàn 52 đã tập trung xây dựng Đảng trong sạch, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, làm tốt công tác dân vận trên địa bàn đóng quân.
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Trung đoàn 52 đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2 tập thể và 3 cán nhân cũng được tuyên dương danh hiệu này; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 8 Huân chương quân công, 32 Huân chương chiến công và 3.646 huân, huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Vĩnh Hoàng