Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần khẳng định giá trị nông sản địa phương trên thị trường trong và ngoài nước. Năm 2025, hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tiếp tục là bước đệm quan trọng giúp các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước hướng tới phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.
Cơ hội lớn cho sản phẩm địa phương
Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã họp, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt và cấp giấy chứng nhận cho 15 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2025. Đây vừa là sự ghi nhận chất lượng, vừa là cánh cửa mở ra những cơ hội mới về thương mại và phát triển thương hiệu.
Nổi bật trong số này là sản phẩm Gạo hữu cơ Ân Tín của HTX Nông nghiệp Ân Tín (huyện Hoài Ân). Sau 4 năm kiên trì theo đuổi mô hình canh tác lúa hữu cơ, lần đầu tiên sản phẩm gạo sạch này tham gia phân hạng OCOP cấp tỉnh. Không phụ kỳ vọng, Gạo hữu cơ Ân Tín được giới chuyên môn đánh giá cao, mở ra cơ hội phát triển vượt bậc trong tương lai.
![]() |
Sản phẩm Gạo hữu cơ Ân Tín của HTX Nông nghiệp Ân Tín (huyện Hoài Ân). Ảnh: TRỌNG LỢI |
Ông Bùi Long Xuân, Chủ tịch - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Tín, chia sẻ: “Chúng tôi canh tác gần 6 ha lúa hữu cơ giống Đài Thơm 8, sản lượng thương phẩm bán ra gần 14 tấn mỗi năm. Gạo sạch, cơm dẻo thơm tự nhiên nên nhiều thời điểm chúng tôi không đủ hàng để cung ứng cho thị trường”.
Theo ông Trương Quang Phong - Phó Giám đốc Sở KH&CN, thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, việc HTX Nông nghiệp Ân Tín tham gia OCOP không chỉ góp phần khẳng định chất lượng, mà còn là minh chứng cho tinh thần nông nghiệp đổi mới. Đồng thời, ông cũng góp ý sản phẩm gạo này cần được hoàn thiện nhãn mác, bao bì để đáp ứng yêu cầu thị trường và pháp lý, từ đó mở rộng hơn cơ hội kết nối thương mại trong và ngoài nước.
Một điểm sáng khác trong đợt đánh giá năm nay là Công ty CP IPP Sachi (TX Hoài Nhơn), với 13 sản phẩm bánh tráng và snack được đề nghị cấp chứng nhận OCOP 4 sao, trong đó có nhiều sản phẩm đạt trên 90 điểm. Đây là kết quả của hành trình đầu tư bài bản vào công nghệ chế biến, chất lượng và sáng tạo trong sản phẩm.
![]() |
Sản phẩm Rượu Đông trùng hạ thảo BIDIR Hoàng Long của Công ty TNHH BIDIR Hoàng Long (TX An Nhơn) được đề nghị cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty CP IPP Sachi, bày tỏ: “Việc 13 sản phẩm được đề nghị cấp chứng nhận 4 sao là dấu mốc quan trọng. Chúng tôi tự tin mang hương vị Việt ra thế giới. Vừa qua, công ty cũng đã hoàn tất chuyến xuất khẩu chính ngạch thứ hai sang Mỹ với số lượng lớn hơn gấp đôi so với lần đầu, gồm bánh tráng cuốn và snack bánh tráng”. Ông Vinh cũng cho hay, Hội đồng đánh giá đang phối hợp với DN để lựa chọn 2 - 3 sản phẩm tiêu biểu, đủ điều kiện trình cấp trung ương công nhận OCOP 5 sao, mức cao nhất trong hệ thống xếp hạng.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về việc “tham sản phẩm” có thể dẫn tới đầu tư dàn trải. Ông Trương Quang Phong cho rằng: “DN nên tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng, hướng đến phát triển bền vững. Chất lượng phải là yếu tố trung tâm thay vì chạy theo số lượng”.
![]() |
13 sản phẩm bánh tráng và snack của Công ty CP IPP Sachi (TX Hoài Nhơn) được đề nghị cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Sức lan tỏa sau hơn 6 năm triển khai
Theo Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 535 sản phẩm được công nhận OCOP đến từ 343 chủ thể; trong đó có 43 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Các địa phương dẫn đầu là TX Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân và TX An Nhơn.
Bà Nguyễn Thị Thế Vy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, nhấn mạnh: “Chương trình OCOP không chỉ là cơ chế đánh giá sản phẩm, còn là cam kết lâu dài về trách nhiệm, uy tín và phát triển bền vững. Đây là công cụ xây dựng thương hiệu địa phương gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế nông thôn hiện đại”.
Đáng chú ý, tỉnh đã chủ động đưa 100% sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, đồng thời xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP Quy Nhơn và các địa phương khác. Những hoạt động này đang góp phần từng bước mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy khởi nghiệp tại nông thôn. Chia sẻ về định hướng thời gian tới, ông Phan Thanh Tùng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới tỉnh, cho biết: Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các chủ thể xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, hoàn thiện bao bì - nhãn mác, mã số mã vạch, đăng ký sở hữu trí tuệ, cải tiến công nghệ… Đồng thời, sẽ lồng ghép các hoạt động OCOP vào chương trình xúc tiến du lịch - văn hóa để lan tỏa sản phẩm tỉnh nhà đến với du khách.
Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình OCOP của tỉnh đã cho thấy sự chuyển mình rõ rệt ở chất lượng sản phẩm và cả tư duy sản xuất, kinh doanh của nông dân, HTX và DN. Việc đánh giá, phân hạng năm 2025 được xem là cột mốc mới, giúp khẳng định vị thế sản phẩm địa phương trên bản đồ hàng hóa Việt Nam và quốc tế.
TRỌNG LỢI