Mơ Hra-Đáp phấn đấu trở thành làng du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với lợi thế về vị trí địa lý và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Bahnar, làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng) được huyện Kbang chọn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Mục tiêu đề ra là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Cách trung tâm huyện Kbang 20 km và cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 80 km, làng Mơ Hra-Đáp hiện có 226 hộ, đồng bào dân tộc Bahnar chiếm 96% dân số.

Theo thống kê, làng còn 8 bộ cồng chiêng tập thể và 26 bộ cồng chiêng của các gia đình. Cồng chiêng được dân làng sử dụng trong các lễ hội quan trọng như: bỏ mả, cưới hỏi; các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các làng và tham gia trình diễn cồng chiêng tại các sự kiện văn hóa-văn nghệ do xã, huyện tổ chức.

Làng thành lập 4 đội cồng chiêng với 200 thành viên độ tuổi từ 9 đến 75, duy trì hoạt động nhiều năm nay. Làng có 2 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và 3 già làng có khả năng truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng.

Nhiều người gìn giữ, duy trì nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ, làm nhà sàn truyền thống, ủ rượu ghè và các món ăn như: cơm lam, gà nướng, bánh củ mì...

doi-cong-chieng-lang-mo-hra-dap-trinh-dien-cho-khach-du-lich-tham-quan.jpg
Đội cồng chiêng làng Mơ Hra-Đáp trình diễn cho khách du lịch tham quan. Ảnh: M.N

Hàng năm, làng duy trì tổ chức lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho để cầu mong những điều tốt lành và truyền đạt lại nghi thức, nghi lễ dân gian cho thế hệ trẻ.

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành, mỗi năm, làng phục dựng 1 đến 2 lễ hội truyền thống quy mô cộng đồng để phục vụ các sự kiện du lịch.

Bên cạnh đó, làng Mơ Hra-Đáp là điểm sáng của huyện Kbang khi là nơi ra đời đội chiêng thanh-thiếu niên đầu tiên của tỉnh; đồng thời, có vai trò quan trọng trong giới thiệu, quảng bá không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

ngminh1.jpg
Nhà rông truyền thống làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) là nơi diễn ra nhiều hoạt động lễ hội văn hóa quan trọng. Ảnh: M.N

Xây dựng Mơ Hra-Đáp thành điểm du lịch hấp dẫn

Thực hiện Kế hoạch số 1103/KH-UBND ngày 10-5-2024 của UBND tỉnh về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 gắn với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Kbang đã chọn làng Mơ Hra-Đáp để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Từ năm 2023 đến nay, huyện Kbang đầu tư 14,5 tỷ đồng triển khai thực hiện Dự án “Mô hình phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng làng Mơ Hra-Đáp” với các hạng mục công trình như: đường giao thông, nhà rông truyền thống, khu trung tâm văn hóa, bãi đậu xe cũng như phục dựng các lễ hội truyền thống, tập huấn du lịch cho người dân và bảo tồn nghề truyền thống như đan lát, dệt vải, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Bahnar.

huyen-kbang-tap-trung-xay-dung-mo-hra-dap-thanh-lang-du-lich-cong-dong-gan-voi-bao-ton-van-hoa.jpg
Huyện Kbang tập trung xây dựng Mơ Hra-Đáp thành làng du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa. Ảnh: M.N

Nhằm cụ thể hóa dự án, UBND huyện Kbang giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phối hợp với Công ty TNHH Du lịch SACO (TP. Hồ Chí Minh) tiến hành triển khai một số hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ.

Theo đó, từ tháng 11-2024, Công ty TNHH Du lịch SACO cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kbang đã tiến hành khảo sát xây dựng tour, tuyến; thiết kế và lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch.

Nằm trong hạng mục của dự án, ngày 21 và 22-12-2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kbang phối hợp với xã Kông Lơng Khơng tổ chức chương trình quảng bá, giới thiệu mô hình phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng làng Mơ Hra-Đáp với các hoạt động như: tổ chức chợ phiên trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản địa phương phục vụ khách tham quan, mua sắm; công bố sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch; trình diễn cồng chiêng. Xuyên suốt chương trình còn có hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, ẩm thực của người Bahnar.

ngminh2.jpg
Nghệ nhân làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) trình diễn nghề đan lát truyền thống. Ảnh: M.N

Theo kế hoạch, sau khi các tour du lịch đi vào ổn định, hiệu quả, Công ty TNHH Du lịch SACO tiếp tục mở tour, tuyến mới kết nối nhiều danh lam, thắng cảnh, làng du lịch cộng đồng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Bahnar tại làng Mơ Hra-Đáp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cũng như thúc đẩy ngành du lịch huyện Kbang ngày càng phát triển.

Tại chương trình, Ban tổ chức đã công bố trang web giới thiệu làng văn hóa, du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp và huyện Kbang tại địa chỉ: dulichkbang.vn; đại diện Công ty TNHH Du lịch SACO giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch, tour, tuyến du lịch đặc trưng được hình thành, đưa vào khai thác nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của người Bahnar.

Công ty TNHH Du lịch SACO sẽ tổ chức các tour tham quan, du lịch như: tour xuất phát từ làng Mơ Hra-Đáp đến làng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) về làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) với thời gian 2 ngày, 1 đêm; tour xuất phát từ TP. Pleiku đến thác K50-làng Mơ Hra-Đáp, đi huyện Ia Grai, cuối cùng đến TP. Kon Tum, thời gian 3 ngày, 2 đêm.

Ngoài ra, tour xuất phát từ Làng kháng chiến Stơr đi thác Kon Bông đến làng Mơ Hra-Đáp, thời gian 1 ngày, 1 đêm; tour xuất phát từ Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak đi thác Hang Dơi đến di tích Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu, làng Mơ Hra-Đáp và điểm cuối là Làng kháng chiến Stơr, thời gian 2 ngày, 1 đêm; tour từ thác K50 đi Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, làng Mơ Hra-Đáp và kết thúc tại Làng kháng chiến Stơr, thời gian 2 ngày, 2 đêm.

Có thể bạn quan tâm

Ẩm thực truyền thống của người Bahnar đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Văn hóa "chắp cánh" cho du lịch Gia Lai

(GLO)- Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch là dịp hội ngộ của những nghệ nhân giỏi tay nghề toàn tỉnh Gia Lai, đồng thời là hành trình khơi dậy kho tàng văn hóa, kết tinh thành sản phẩm quà tặng mang dấu ấn riêng của vùng đất cao nguyên.  

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Không chỉ bạn trẻ ở TP.HCM, những người trẻ ở tỉnh, thành khác cũng về thành phố để hòa mình vào các hoạt động kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Tranh thủ ngày cận kề 30.4, không muốn bỏ lỡ cơ hội nên từ sáng sớm hôm nay dòng người nao nức check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.