Linh vật Tết Ất Tỵ 2025 được làm ra thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến hẹn lại lên, cứ gần đến Tết Nguyên đán là nhiều người lại háo hức chờ đợi linh vật có hình dáng ra sao, biểu cảm thế nào.

Tại một xưởng chuyên làm linh vật, tượng trang trí ở xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn (TP.HCM), người viết đã tìm hiểu quá trình hoàn thiện linh vật rắn sẽ xuất hiện vào dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Xưởng sản xuất nhộn nhịp từ tháng 9

Anh Ngô Quang Cảnh (36 tuổi) là chủ cơ sở này với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tạo hình điêu khắc tượng, linh vật. Ngoài kinh doanh, anh Cảnh đang tham gia giảng dạy chuyên ngành điêu khắc tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Anh cho biết năm nay thị trường yêu cầu linh vật rắn được tạo hình cách điệu, có nét dễ thương và hiền hòa.

Anh Chung tỉ mỉ sơn từng đường nét trên linh vật rắn
Anh Chung tỉ mỉ sơn từng đường nét trên linh vật rắn

"Người ta thường thấy loài rắn ngoài tự nhiên khá hung dữ và nguy hiểm. Nếu mô phỏng hình dáng của loài rắn ngoài tự nhiên vào thiết kế linh vật trang trí sẽ không phù hợp. Người thiết kế sẽ cho linh vật rắn ngậm miệng, đôi mắt trông long lanh và kết hợp thêm một số phụ kiện như khăn rằn, nón lá, nơ, hoa… Việc này vừa tạo được điểm nhấn, vừa khiến cho linh vật rắn trông dễ thương, thân thiện hơn", anh Cảnh chia sẻ.

Cơ sở sản xuất của anh Cảnh thường xuyên nhận đơn hàng từ các khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại tại Q.1 và Q.3 (TP.HCM)... Đặc biệt, anh Cảnh cho biết năm nay có thực hiện linh vật trưng bày tại đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1). Linh vật do cơ sở của anh Cảnh sản xuất có chiều dài từ 6 - 50 m, giá dao động từ 3 triệu - 300 triệu đồng, tùy vào kích thước, chi tiết.

Theo anh Cảnh, các sản phẩm linh vật chủ yếu được làm từ 2 loại chất liệu là xốp và nhựa composite. Quy trình làm ra một linh vật bao gồm: vẽ file 3D, chia cắt file trên máy tính, sau đó chạy máy CNC (máy gia công vật liệu hoạt động dưới sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử được số hóa). Sau đó là hoàn thiện linh vật bằng chất liệu xốp. Với những linh vật có kích thước lớn, máy in 3D sẽ tạo ra từng bộ phận, sau đó dán lại thành tổng thể.

Anh Cảnh cho biết đối với chất liệu nhựa composite, sẽ có thêm các bước chia cắt các mảnh xốp, sau đó đổ khuôn thạch cao, khuôn silicon. Từ những mảnh thạch cao thu được, người thợ sẽ lắp ráp thành hình dạng hoàn chỉnh của linh vật, sau đó xử lý bề mặt như trét thêm bột chuyên dụng và chà giấy nhám; và cuối cùng là sơn, vẽ thêm chi tiết.

"Tùy thuộc vào kích thước và độ phức tạp, việc hoàn thiện một linh vật có thể mất từ 2 - 7 ngày. Năm nay, xưởng bắt đầu nhộn nhịp từ tháng 9 (dương lịch)", anh Cảnh nói.

Những người trẻ yêu nghệ thuật

Phạm Hồng Huy (25 tuổi) là người trực tiếp thiết kế các bản vẽ 3D cho linh vật. Công việc của Huy bắt đầu bằng việc tiếp nhận ý kiến và yêu cầu từ khách hàng, bao gồm loài vật và hình dáng mà họ mong muốn. Dựa trên những yêu cầu này, Huy tiến hành vẽ 3D chi tiết và chỉ khi khách hàng hoàn toàn hài lòng mới tiếp tục các bước tiếp theo.

Anh Hạ dùng giấy nhám chà láng bề mặt của linh vật sau khi được đắp bột.
Anh Hạ dùng giấy nhám chà láng bề mặt của linh vật sau khi được đắp bột.

Sau khi bản vẽ 3D được duyệt, Huy bắt đầu chuyển sang công đoạn tạo hình sản phẩm. Đây là giai đoạn quan trọng để biến những ý tưởng trên bản vẽ thành sản phẩm thực tế, đảm bảo tính chính xác và sự hoàn thiện như mong đợi từ khách hàng. "Đây là bước đầu tiên để có được linh vật rắn vào dịp Tết Nguyên đán 2025", Huy nói.

Vào trong xưởng, không khí tại đây vô cùng nhộn nhịp, người trét bột, số khác chà nhám. Không khí làm việc sôi nổi nhờ trong xưởng có để một chiếc loa mở nhạc xuân cho công nhân nghe. Bên trong phòng kín, một máy hay còn gọi là cánh tay robot đang cắt tỉa khối xốp để tạo ra một linh vật với kích thước nhỏ. Bên trong một căn phòng khác, Ngô Xuân Phương (23 tuổi), làm việc tại xưởng được 4 năm, đang quan sát file 3D; nếu có sai sót trong quá trình in, cắt gọt thì Phương sẽ chỉnh sửa kịp thời.

Luân trét bột chuyên dụng để bề mặt của linh vật được nhẵn bóng. ẢNH: NGUYỄN ĐIỀN
Luân trét bột chuyên dụng để bề mặt của linh vật được nhẵn bóng. ẢNH: NGUYỄN ĐIỀN

"Nhiệm vụ của mình là quan sát file in 3D trên máy tính, giúp quá trình cắt gọt, in linh vật được diễn ra trơn tru, ít sai sót", Phương nói.

Sơn màu là bước cuối cùng để hoàn thiện linh vật, anh Nguyễn Văn Chung (34 tuổi, quê Đắk Lắk), từng tốt nghiệp ngành hội họa tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, là thợ vẽ có hơn 10 năm kinh nghiệm. Anh Chung cho rằng yếu tố quyết định thành công trong nghề là khả năng nhạy bén và tư duy phối hợp màu sắc, đặc biệt là việc chọn lựa tông màu phù hợp, cân bằng sáng tối.

"Các tác phẩm lớn thường vẽ bằng máy, giúp chuyển màu mượt mà. Trong khi những chi tiết nhỏ vẫn cần được hoàn thiện bằng phương pháp sơn thủ công", anh Chung nói.

Với tay nghề điêu luyện, anh Chung ước tính 70% công đoạn sơn được thực hiện bằng máy, còn 30% hoàn thiện thủ công. Công việc tiếp xúc trực tiếp với sơn, nên anh Chung luôn đeo mặt nạ bảo hộ bảo vệ sức khỏe. Thu nhập hằng tháng của anh Chung dao động từ 12 - 15 triệu đồng, mang lại cuộc sống ổn định.

Những công nhân tại xưởng của anh Cảnh làm việc từ 7 giờ 30 - 18 giờ mỗi ngày. Trước đây là thợ sơn nhà ở tỉnh Bình Định, hơn 1 năm trước Nguyễn Đình Luân (24 tuổi) vào làm việc tại xưởng làm tượng và linh vật của anh Cảnh. Theo Luân, linh vật sau khi lắp ráp thì bề mặt sẽ có những bọt khí, khoảng hở. Nhiệm vụ của Luân là trét bột chuyên dụng, sau đó dùng giấy nhám chà thêm một lần nữa để bề mặt của linh vật được nhẵn bóng, không còn nhiều khuyết điểm. Mỗi ngày Luân được trả 350.000 đồng.

Trước đây anh Lê Đông Hạ (30 tuổi) làm công nhân cho một công ty may. Hơn 1 năm trước, công ty này không có đơn hàng nên đã sa thải nhiều công nhân, trong đó có anh Hạ. Vất vả đi tìm việc, anh Hạ xin vào xưởng của anh Cảnh để làm công việc chà giấy nhám.

Phần mô phỏng vảy của linh vật rắn năm nay có nhiều chi tiết khó, đòi hỏi những công nhân như anh Hạ phải chà hết bề mặt. Những vị trí dễ xử lý, anh Hạ sử dụng máy; còn các khe hở thì anh dùng tay chà. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo vì phải chà cho lớp bột mỏng ra, nhưng vẫn giữ được độ che phủ bề mặt tốt.

"Thu nhập mỗi ngày của mình là 430.000 đồng. Với thu nhập này, mình phấn khởi vì sẽ có cái tết no đủ khi về quê ở tỉnh Khánh Hòa", anh Hạ chia sẻ.

Theo Nguyễn Điền (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.