Nguy cơ tai nạn giao thông từ thói quen đi ngược chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tình trạng đi ngược chiều trên các tuyến đường có dải phân cách cứng còn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Theo quy tắc giao thông, tại ngã rẽ từ đường Tô Hiệu ra đường Lý Thái Tổ (TP. Pleiku), các phương tiện đều phải rẽ phải đi theo hướng về đường Lê Thánh Tôn. Tuy nhiên, nhiều người bất chấp quy định pháp luật và nguy hiểm cho bản thân khi chọn rẽ trái, đi ngược chiều đến lối mở giữa dải phân cách gần đó. Đây là ngã ba giao nhau với đường Lê Thị Hồng Gấm, người tham gia giao thông có thể quẹo qua đường này hoặc đổi hướng đi đường Lê Đại Hành ra ngã tư Biển Hồ.

Trong khi đó, nếu đi đúng chiều thì các phương tiện từ đường Tô Hiệu đi ra phải rẽ phải rồi chạy lên một đoạn hơn 100 m rồi quay ngược lại.

Một người tham gia giao thông từ đường Tô Hiệu đi ngược đường Lý Thái Tổ để rẽ qua đường Lê Thị Hồng Gấm. Ảnh: M.P

Một người tham gia giao thông từ đường Tô Hiệu đi ngược đường Lý Thái Tổ để rẽ qua đường Lê Thị Hồng Gấm. Ảnh: M.P

Đáng chú ý, không chỉ có người điều khiển xe máy mà cả người điều khiển xe ô tô, máy cày cũng thường xuyên đi ngược chiều. Vào thời điểm mùa gặt lúa có rất nhiều xe máy cày từ các làng Brel, làng Jút 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đi ngược chiều để băng qua đường Lê Thị Hồng Gấm đến làng Pleiku Roh, bất chấp lưu lượng xe trên tuyến đường rất lớn và di chuyển với tốc độ cao.

Nguy hiểm hơn, các xe đi ngược chiều còn ngang nhiên lấn làn xe máy chạy đúng chiều, bắt buộc các phương tiện này phải lấn sang làn đường xe ô tô để tránh hoặc dừng lại chờ xe đi ngược chiều đi qua nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Lý giải nguyên nhân của việc đi ngược chiều, anh Rơ Châm Mươl (làng Brel) cho biết: “Nhà tôi có ruộng bên làng Pleiku Roh. Từ đường Tô Hiệu đi ra thì gặp dải phân cách khá dài, nếu đi đúng quy tắc phải chạy một đoạn hơn 100 m rồi quay đầu xe lại nên tôi chọn đi ngược chiều chỉ gần 20 m để qua đường Lê Thị Hồng Gấm cho tiện.

Tuy biết đoạn này xe cộ qua lại đông đúc nhưng mình cứ đi từ từ thì các phương tiện khác nhìn thấy sẽ giảm tốc độ hoặc né tránh. Mình chú ý quan sát lúc không có nhiều xe qua lại thì đi là được”.

Trong khi đó, Trường THCS Lý Thường Kiệt (số 1045 Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) nằm sát quốc lộ 14. Trước cổng trường là phần đường một chiều, có dải phân cách ở giữa nhưng không có lối qua đường dành cho người đi bộ. Nhiều phụ huynh ngại đi vòng nên dừng xe bên kia đường để con đi bộ leo qua dải phân cách để vào trường.

Thậm chí, để thuận tiện, một số phụ huynh và học sinh chạy xe ngược chiều trên đoạn quốc lộ dài gần 1 km để đến trường. Nguy hiểm hơn là khu vực này chưa có gờ giảm tốc, xe ô tô thường chạy qua với vận tốc 70-80 km/giờ nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.

Nhiều phụ huynh, học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều để đến trường gần hơn. Ảnh: M.P

Nhiều phụ huynh, học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều để đến trường gần hơn. Ảnh: M.P

Cô Trần Thị Hạnh-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm nay. Nhà trường cũng nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành xem xét mở lối đi bộ qua đường nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Toàn trường có hơn 750 học sinh thường xuyên đi học bằng xe đạp, xe đạp điện. Trong số này, nhiều em chọn cách lưu thông ngược chiều để có thể đến trường và về nhà nhanh nhất, tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn giao thông ở khu vực cổng trường.

“Mặc dù Ban Giám hiệu nhà trường đã cảnh báo về hành vi này nhưng nhiều phụ huynh lẫn học sinh vì ngại đi vòng thêm một đoạn đường nên vẫn thường xuyên đi ngược chiều”-Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt nhấn mạnh.

Thay vì đi đúng chiều quy định, sang đường ở những nơi có lối mở giữa dải phân cách thì nhiều người bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của mình vẫn cố tình đi ngược chiều cho nhanh, cho tiện.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đối với người dân; đồng thời, có giải pháp quyết liệt hơn để chấm dứt tình trạng này, không để xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc từ một thói quen xấu.

Có thể bạn quan tâm

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

(GLO)- Tại khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, công tác chỉnh trang đô thị đang được khẩn trương thực hiện, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Kbang: Làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới

(GLO)- Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, cơ quan chức năng và người dân huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đang khẩn trương chỉnh trang đô thị, làm đẹp các tuyến đường góp phần tạo diện mạo phố xá sáng-xanh-sạch-đẹp đón mừng Xuân mới.

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.