Chuyện bí ẩn cứu người ở đảo Phú Quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu năm 2023, báo chí liên tục đặt câu hỏi vì sao vùng biển đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận liên tục xảy ra đắm tàu? Những kình ngư ở Phú Quý ngạc nhiên và nói “Tại sao đến bây giờ người ta vẫn chưa biết gì về núi ngầm dưới biển khiến từ tàu cổ, đến tàu thời hiện đại đều gặp nạn?”.
Ngư dân ở đảo Phú Quý giờ đây đã không còn quá lo lắng chuyện rạn Lớn, vì tàu có thiết bị định vị và công suất máy lớn. Ảnh: Văn Chương.

Ngư dân ở đảo Phú Quý giờ đây đã không còn quá lo lắng chuyện rạn Lớn, vì tàu có thiết bị định vị và công suất máy lớn. Ảnh: Văn Chương.

Một thời hiểm nguy

Mờ sáng, đảo Phú Quý le lói ánh đèn ở khắp khu vực âu tàu cùng với âm thanh xình xịch của hàng ngàn chiếc thuyền nhỏ như ca nô sau một đêm len lỏi khắp các ngóc ngách, rạn ngầm và trở về trước lúc mặt trời mọc. Tiếng người lao xao nhiều nhất là ở phía chiếc tàu vận tải mang biển số BTh 97686 TS đang bốc dỡ hàng xuống cảng. Dù đang vào mùa vắng khách du lịch, nhưng mía vẫn chất hàng trăm bó trên dưới cầu cảng.

Nhìn mía chở ra đảo vào mùa đông, tôi liên tưởng ngay đến rổ mía do anh Huỳnh Văn Thuận bê tới Đại Môn Mộ Thầy - một địa chỉ tâm linh nổi tiếng trên đảo Phú Quý vào buổi chiều hôm trước. Rổ mía khoảng 30 khúc và được cắt ngắn để đặt lên bàn thờ. Anh Thuận cho biết, ngư dân hay mang mía, cháo tới cúng vị Thầy hiển linh nhất ở đảo. Ông Huỳnh Do, 81 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý tâm sự, thời trước, vì hòn đảo này cách quá xa đất liền, gian nan hiểm trở, vì vậy người dân phải dựa vào sự linh thiêng để an lòng.

Tò mò về câu chuyện rạn Lớn và đống mía cúng thầy Sài Nại, một hình thức để trấn an ngư dân khi đi hành nghề ở vùng biển nổi tiếng hiểm trở, tôi tìm đến ông Trần Phước Hiền, chủ tàu vận tải BTh 97686 TS và là người có thâm niên hơn 30 năm làm dịch vụ vận tải giữa thành phố Phan Thiết ra đảo Phú Quý. Ông Hiền diễn tả, từ đảo Phú Quý cứ nhắm thẳng một mạch đi vô đất liền, khi cách đảo 20 hải lý thì độ sâu đáy biển từ 40-50 mét đột nhiên chỉ còn khoảng 7 mét. Có một dãy rạn ngầm dài tới 12 hải lý gọi là rạn Lớn. Thời trước ở đảo toàn là thuyền nhỏ, máy yếu, nên rất lo ngại rạn Lớn.

Ông Trần Phước Hòa, người từng ra tay cứu nhiều ngư dân ở vùng rạn Lớn. Ảnh: Văn Chương.

Ông Trần Phước Hòa, người từng ra tay cứu nhiều ngư dân ở vùng rạn Lớn. Ảnh: Văn Chương.

Cứu người ở rạn Lớn

Ông Trần Phước Hòa, sinh năm 1963, quê ở huyện đảo Phú Quý, mấy chục năm cầm lái tàu vận tải tuyến đất liền ra đảo, bao lần đối mặt với rủi ro, sống chết khi cho tàu cắt ngang rạn Lớn. Ông Hòa cho biết đặc điểm của rạn Lớn và sự nguy hiểm khi ngư dân đi thuyền nhỏ, máy yếu: “khi lỡ lọt vô rạn Lớn vào thời điểm sóng lớn thì tàu đi tới hay đi lui cũng không xong!”.

Trong ký ức của ông Hòa không bao giờ quên chuyến đi rùng rợn ra đảo vào cuối năm 1991. Thời đó ra đảo thường khởi hành ban đêm, các ngư dân lo lắng nên đi thành đoàn 4 chiếc, trong đó có 1 chiếc chở chiến sĩ ra đảo làm nhiệm vụ. Chiếc tàu của ông Hòa đi sau và nghe điện đàm từ một chiếc tàu chạy sau cùng thông báo về việc “hầm tàu bị ngập nước, đề nghị tàu 0018 và anh Hòa chạy sau hỗ trợ”.

Ba tàu chạy trước lao thục mạng cho tới đảo và không dám quay đầu trở lại. Còn chiếc tàu của ông Hòa thì chạy chậm, chở hàng nặng và ông Hòa cho tàu hướng về khu vực góc rạn Lớn. Bỗng trong bộ đàm vang lên tiếng “bơm nước không…!”. Sau đó là im bặt. Mọi người gào lên trong Icom nhưng không hề có tiếng trả lời. Ông Hòa đoán chắc chắn có chuyện dữ, vì người điện đàm và nói chữ “không” chắc phải gắn với chữ “được”, có nghĩa là bơm nước không được.

Con tàu của ông Hòa lao tới tọa độ nguy hiểm. Ông luôn suy nghĩ về một người đàn ông tội nghiệp định đi nhờ trên tàu của ông, nhưng giờ chót lại xin sang tàu bị chìm với lý do “bên đó đông người, sang đi vui hơn”. Trong bóng đêm, những bao than mà tàu đi trước chở và khi tàu chìm thì trôi nổi bập bềnh giống như người lang thang trên biển, cứ chạm vào thành tàu và phát ra âm thanh lộp cộp. Anh em trên tàu tìm kiếm cứ thấy một bao than thì lại thốt lên tuyệt vọng.

Giữa sóng gió dữ dội của vùng nước rạn ngầm, ông Hòa cho tàu chạy bao quanh rạn Lớn hai vòng, tính ra là tới gần 50 hải lý. Khi không tìm thấy nạn nhân trôi dạt, ông quyết định cho tàu ra đảo mà trong lòng cảm thấy rưng rưng thương cảm.

Sáu năm sau, cũng tại vùng rạn Lớn, một thủy thủ là người quen của ông Hòa đi trên tàu Quang Minh điện thoại trực tiếp với tiếng la thất thanh “cứu…cứu…chìm tàu ở rạn Lớn!”. Ông Hòa nhớ lại và nhận xét, “anh em trên tàu Quang Minh quá may mắn, vì lúc tàu gần chìm thì không hiểu sao, sóng điện thoại chập chờn lại gọi được”.

Thời điểm đó, chiếc tàu vận tải của ông Hòa đã được nâng cấp mới, máy công suất 800 mã lực, tải trọng 25 tấn nên năng lực cứu nạn và chịu sóng gió ở vùng rạn Lớn tốt hơn. Trên đường chạy ra cứu người, ông Hòa chạy kiểu dò hướng, vì sau tiếng kêu cứu thì điện thoại mất luôn tín hiệu. Các ngư dân đi cứu nạn lên nóc tàu, cố nhướng người thật cao để quan sát 4 phía. Từ lúc 16 giờ đến 18 giờ, anh em ông Hòa đã vớt được 9 thủy thủ đang trôi nổi khắp vùng rạn Lớn.

Tàu Đại Lãnh tham gia trục vớt cổ vật vào năm 2002.

Tàu Đại Lãnh tham gia trục vớt cổ vật vào năm 2002.

Rạn Lớn và số phận

Ngành du lịch ở đảo Phú Quý đang trên đà phát triển, những đội tàu cao tốc hiện đại, công suất lên đến 3.000 mã lực, chạy tốc độ 25-27 hải lý/giờ đã giúp khoảng cách giữa đảo và đất liền đã được rút ngắn. Đi từ đất liền ra đảo chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ. Ông Huỳnh Do ngồi nhớ lại thời trước đi từ đảo về bờ là 9 tiếng đồng hồ, còn thời xa hơn nữa thì đi mất 1 ngày 1 đêm, có hôm kéo buồm nhưng biển đứng gió nên 4 mái chèo khua nước và mất 2 ngày 2 đêm từ bờ ra và mới nhìn thấy đảo.

Thời đi thuyền thô sơ, rạn Lớn là nỗi sợ của người dân chài. Còn hiện nay các tàu lớn, hiện đại, có thể dễ dàng tránh né những vùng biển nguy hiểm, nên nỗi lo rạn Lớn cũng đã dần trôi qua.

Đầu năm 2023, trước hàng loạt vụ tàu bị nạn khi đi qua vùng biển gần đảo Phú Quý, báo chí đã giật tít “Tại sao vùng biển Phú Quý liên tục xảy ra tai nạn, chìm tàu?”. Tọa độ tai nạn nằm khá gần bờ, cách xa rạn Lớn. Thời điểm đó, câu chuyện về những chuyến tàu chở cổ vật từ trăm năm trước bị chìm đắm ở vùng biển Bình Thuận bắt đầu được nhắc lại. Những người lớn tuổi trên đảo Phú Quý chợt nhớ lại những năm tháng gian khổ, vì thông thương giữa đất liền và đảo còn hạn chế, vì vậy nguồn lương thực hàng ngày chủ yếu là củ lang, bắp và đậu mèo.

Ông Huỳnh Do kể những câu chuyện mang sắc màu huyền bí và cho rằng, ở đảo có rất nhiều linh thiêng, nếu tàu nào không né rạn Lớn, cứ băng qua và gặp lúc thời tiết xấu thì ngư dân cứ khấn nguyện “Thầy Sài Nại, chúa Thầy tới cứu con!”.

Đảo Phú Quý nằm cách đất liền hơn 56 hải lý, vì vậy tuyến đường hàng hải quan trọng nằm giữa bờ và đảo đã có từ rất lâu đời. Giáo sư Misugi Takatoshi (Nhật Bản) từng đề cập về con đường gốm sứ mậu dịch trên biển Đông hình thành từ đầu Công nguyên. Tháng 1/2007, tại Amsterdam (Hà Lan), cái tên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam liên tục được giới chơi cổ vật nhắc đến, vì diễn ra phiên đấu giá lô cổ vật trục vớt ở vùng đảo này. Vậy số cổ vật được trục vớt tại vùng biển đảo Phú Quý và bán đấu giá ở Hà Lan và Úc từ gần 20 năm trước và những con tàu buôn chở cổ vật có thể đều từng gặp nạn bởi rạn Lớn.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...