Rcom H’Sáu vượt khó làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến làng Blang 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) hỏi thăm chị Rcom H’Sáu thì ai cũng biết. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, chị H’Sáu còn thường xuyên giúp đỡ bà con trong làng đẩy mạnh sản xuất để cùng phát triển.

Năm 2005, sau khi lập gia đình, vợ chồng chị H’Sáu được bố mẹ cho hơn 4 sào đất sản xuất. Do chưa có vốn, vợ chồng chị xin vào làm công nhân cạo mủ cho Nông trường Ia Phú (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh). Có tiền tích cóp, vợ chồng chị đầu tư trồng cà phê. Thời điểm cà phê chưa cho thu hoạch, gia đình chị rất khó khăn, lương cạo mủ cao su của vợ chồng chỉ đủ để chi tiêu. Rồi 3 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng khó khăn hơn.

Không cam chịu cảnh nghèo khó, vợ chồng chị bàn nhau vay vốn mở tiệm làm cửa sắt, nuôi thêm heo để cải thiện thu nhập. “Hồi đó, vợ chồng tôi làm quần quật cả ngày đêm. Tờ mờ sáng, vợ chồng đi cạo mủ cao su. Ban ngày, chồng nhận làm cửa sắt cho người dân trong làng, còn tôi chăm sóc vườn cà phê, nuôi heo. Mỗi năm, tôi nuôi 20-30 con heo nái. Cứ có thu nhập, vợ chồng tôi tích góp mua thêm đất sản xuất. Đến nay, gia đình có 3 ha cà phê và 1 ha cây ăn quả. Trong đó, 1 ha cây ăn quả mới trồng chưa có thu, 3 ha cà phê do có một số mới cho thu bói nên mỗi năm chỉ được khoảng 10 tấn nhân, bán được khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm, gia đình thu hơn 50 triệu đồng từ bán heo con”-chị H’Sáu cho hay.

Chị Rcom H’Sáu mở đại lý bán thức ăn gia súc, gia cầm cho người dân trong làng. Ảnh: Nhật Hào

Chị Rcom H’Sáu mở đại lý bán thức ăn gia súc, gia cầm cho người dân trong làng. Ảnh: Nhật Hào

Năm 2015, khi chồng nghỉ làm cửa sắt, chị H’Sáu vay vốn kinh doanh thêm thức ăn gia súc, gia cầm để có thu nhập. Với những hộ khó khăn trong làng, chị cho mua nợ thức ăn gia súc không tính lãi. “Trước đây, gia đình tôi và các hộ dân trong làng rất khó khăn. Mỗi lần mua nợ thức ăn cho gia súc đều phải trả giá cao do bị tính thêm tiền lãi. Do đó, tôi rất ủng hộ ý kiến của vợ. Từ đó, vợ chồng cầm cố các sổ đỏ để vay tiền nhập hàng về bán. Có thời điểm, khách hàng quá đông nhưng tất cả đều mua nợ đến khi bán sản phẩm mới trả nên vợ chồng “đuối” về nguồn vốn. Nhiều lần, vợ chồng tôi đã tính dừng không kinh doanh nữa. Nhưng rồi nghĩ tới cảnh bà con phải đi mua nợ thức ăn chăn nuôi với giá cao như gia đình mình ngày trước, chúng tôi lại cố gắng. Hiện nay, mỗi năm, vợ chồng tôi bán nợ cho người dân hơn 500 tấn cám. Tuy lãi thấp nhưng trừ chi phí cũng thu hơn 200 triệu đồng/năm”-anh Puih Huy chia sẻ thông tin.

Là người được vợ chồng chị H’Sáu bán nợ thức ăn gia súc không tính lãi, ông Puih Soan (làng Blang 1) bày tỏ: “Từ khi gia đình chị H’Sáu kinh doanh thêm mặt hàng thức ăn gia súc, gia cầm, bà con chúng tôi chăn nuôi hiệu quả hơn vì được mua nợ không tính lãi. Chị H’Sáu cũng thường xuyên chia sẻ nên chúng tôi có thêm kinh nghiệm chăn nuôi”.

Chị H’Sáu cho biết thêm, năm 2016, gia đình chị còn mở thêm cơ sở xay xát. Theo đó, chị thu mua lúa của các hộ trong làng để xát lấy gạo bán và lấy cám làm thức ăn cho đàn heo. Tuy lợi nhuận không nhiều nhưng gia đình cũng có thêm nguồn thu nhập. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị lãi gần 500 triệu đồng từ trồng cà phê, nuôi heo, xay xát lúa, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Vài năm trở lại đây, mỗi năm, vợ chồng chị quyên góp 1-2 tạ gạo để hỗ trợ các hộ bị bệnh phong trong huyện.

Chị Sáu kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi để có thu nhập và giúp bà con mua nợ không tính lãi. Ảnh: Nhật Hào

Chị Sáu kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi để có thu nhập và giúp bà con mua nợ không tính lãi. Ảnh: Nhật Hào

Ông Puih Tuyên-Phó Trưởng thôn Blang 1-cho hay: “Gia đình chị H’Sáu không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn có tấm lòng thơm thảo, hay góp gạo để giúp đỡ người nghèo, khó khăn; giúp đỡ người dân mua thức ăn cho gia súc không tính lãi. Việc này giúp bà con tránh bớt vay nặng lãi mà chăn nuôi cũng hiệu quả hơn. Vì thế, dân làng rất quý mến gia đình chị”.

Trao đổi với P.V, bà Ksor Kríu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dêr-nhận xét: Chị Rcom H’Sáu là tấm gương điển hình trong sản xuất kinh doanh tại làng Blang 1 nói riêng, xã Ia Dêr nói chung. Hiện nay, gia đình chị có thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chị còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, cho người dân mua nợ thức ăn gia súc, gia cầm không tính lãi. Hội Nông dân xã thường xuyên biểu dương gia đình chị để cán bộ, hội viên học tập, noi theo. Năm 2022, chị H’Sáu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.