Về với đất mẹ Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi đặt chân đến Trường Sa, chúng tôi thấy mình như đang trở về một nơi thân thuộc. Có lẽ đất mẹ cũng chính là đây, ở giữa biển Đông mênh mông này.

Chín ngày lênh đênh trên hải trình, chiếc tàu đã đưa chúng tôi qua 10 điểm đảo và Nhà giàn DK1. Hành trình đó cho chúng tôi những trải nghiệm quý giá nhất của đời quân ngũ.

"Chạm" vào giấc mơ

Như bao người con đất Việt, chúng tôi biết tới Trường Sa, Hoàng Sa qua sách báo, thơ ca; qua những câu chuyện kể từ người thân, đồng đội là lính đảo trở về.

Với tôi - một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, Trường Sa, Hoàng Sa thân thuộc, gần gũi, yêu thương hơn qua những lời ca, tiếng hát. Những ca khúc "Nơi đảo xa", "Tổ quốc gọi tên mình", "Gần lắm Trường Sa"... đã khắc sâu vào tâm khảm chúng tôi. Cứ thế, Trường Sa trở thành một địa danh đặc biệt, đã gắn bó và ở trong tiềm thức chúng tôi từ lúc nào không biết nữa.

Hẳn là trong bất cứ trái tim yêu Tổ quốc nào cũng đều có một khát vọng về Trường Sa, một giấc mơ được "chạm" vào Trường Sa bằng những bước chân hiện hữu.

Rồi một ngày tháng 4, tôi nhận quyết định triệu tập, trở thành thành viên trong đoàn công tác của Tổng cục Chính trị ra kiểm tra, thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Lúc ấy, tôi biết giấc mơ của mình đã thành hiện thực. Tôi sẽ được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, chứ không phải chỉ tưởng tượng qua lời ca, tiếng hát.

Sau gần 2 ngày lênh đênh trên biển, tới khi tôi bắt đầu quen với những con sóng dập dềnh thì cũng là lúc con tàu đưa đoàn chúng tôi tới đảo đầu tiên trong chuyến hải trình.

Khi tín hiệu "gây thương nhớ" cất lên "Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!" thì ở phía mũi tàu đã nhộn nhịp, râm ran bởi những câu chuyện đầy háo hức về mảnh đất thiêng liêng mà chúng tôi sắp được đặt chân đến. Rồi một vệt nhỏ mờ mờ, thấp thoáng trên mặt biển ở phía xa, mà chúng tôi biết chắc đó là đảo. Vệt đó cứ lớn dần, lớn dần... rồi đảo hiện ra cùng ngọn hải đăng cứng cỏi, vươn cao trên bầu trời xanh.

Tôi bất chợt có một cảm giác rất lạ. Cảm giác ấy đang rõ dần, lớn dần, dâng trào lên từ sâu thẳm trong mình.

Không khí ở mũi tàu chợt lặng dần. Những hồ hởi, vui mừng nhường chỗ cho sự xúc động từ thẳm sâu trái tim mỗi người. Tất cả đều đang lặng đi để cảm nhận trọn vẹn. Tôi định hát mà cổ họng cứ nghẹn lại: "Không xa đâu Trường Sa ơi...". Chúng tôi đã đến gần, rất gần rồi! Đây là phên dậu, là máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc tôi!

Trường Sa luôn trong tim mỗi người con đất Việt. Ảnh: Phương Dung

Trường Sa luôn trong tim mỗi người con đất Việt. Ảnh: Phương Dung

Trải nghiệm đáng nhớ

Tôi may mắn được lựa chọn là 1 trong 2 người phát thanh trên chuyến hải trình của đoàn công tác. Dù đã có nhiều năm làm phát thanh ở đơn vị, cũng cộng tác nhiều chương trình ở ngoài, nhưng chưa khi nào tôi làm việc lại đặc biệt như lần này.

Thời tiết thay đổi, chưa kịp quen với nắng gió biển đảo nên bước lên tàu buổi sáng thì đến chiều là tôi thấy đau họng, âm thanh cứ bạt đi dần. Tôi nhận nhiệm vụ được giao đột xuất mà đầy hoang mang. Nhưng tôi vẫn quyết tâm, quyết tâm được làm việc và được cống hiến.

Ngày nào tổ phát tin của chúng tôi cũng hành quân theo kế hoạch của đoàn, mỗi ngày 2 điểm đảo. Dù vậy, đúng 17 giờ 30 phút hằng ngày, chúng tôi phải biên tập xong nội dung chương trình phát thanh và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Mỗi ngày về đến tàu là chúng tôi ngay lập tức có mặt trên cabin, cùng nhau chụm đầu lại trước màn hình máy tính, nhanh chóng, kịp thời...

"Xin kính chào các thủ trưởng cùng toàn thể các đồng chí! Đây là chương trình phát thanh nội bộ trên tàu của đoàn công tác đi thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1..."; "Xin được nồng nhiệt chào mừng các thủ trưởng, các đồng chí đại biểu, khách quý của đoàn công tác Trường Sa trên tàu..."… Chúng tôi đã đọc phát thanh qua bộ đàm điện thoại trên cabin tàu; được đứng nói trên "sân khấu lưu động" của tàu như thế. Mỗi nhịp đọc bồng bềnh, lắc lư theo từng con sóng. Đó là một trải nghiệm về phát thanh dã chiến đáng nhớ vô cùng.

Tôi thầm mong đồng chí, đồng đội của tôi trên các đảo sẽ nhớ những giọng đọc thân quen trong hành trình đẹp của đời quân ngũ ấy. Tôi cũng ước ao trên các hòn đảo ở Trường Sa, những "sân khấu lưu động" ấy luôn đong đầy cảm xúc, ngập tràn tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội.

Tác giả tham gia phát thanh dã chiến trên tàu. Ảnh: Quang Khôi

Tác giả tham gia phát thanh dã chiến trên tàu. Ảnh: Quang Khôi

Đồng vọng đất liền - Trường Sa

Một cảm giác thật kỳ lạ là khi đặt chân lên Trường Sa, chúng tôi lại thấy mình như đang trở về một nơi thân thuộc biết nhường nào. Bởi, đất mẹ cũng chính là đây, ở giữa biển Đông mênh mông này.

Đất mẹ với cờ Tổ quốc, thấp thoáng mái nhà, ngôi chùa, cuộc sống người dân bình dị… Giữa biển cả mênh mông vẫn có đất đai của người Việt, có dáng hình người dân Việt Nam cần cù lao động và những tiếng cười nói của con trẻ, có tán bàng vuông - quốc hoa của Trường Sa - vẫn ngày ngày che chở cho đảo trước sóng gió khắc nghiệt của biển. Hình ảnh những người con của Trường Sa, những chiến sĩ Trường Sa cũng giống như cây bàng vuông, cây phong ba. Họ là những bông hoa của biển, lặng lẽ nhưng bền bỉ, kiên gan trước muôn trùng sóng gió.

Ở nơi này, mỗi con người, mỗi cảnh vật... là những câu chuyện đáng để chúng ta phải suy ngẫm và trân trọng. Trân trọng những con người ở đây và rồi trân trọng hơn những gì mình đang có trong cuộc sống ở đất liền.

Bởi vậy, chúng tôi luôn muốn nhắn gửi tới cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc rằng: Các anh luôn có một bến bờ bình yên, luôn có một nguồn sức mạnh vô tận, niềm tin và tình yêu thương nơi đất liền. Đó là sức mạnh cộng sinh để các anh đạp sóng gió, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng: Bảo vệ máu thịt của Tổ quốc ở biển Đông.

Đất liền luôn đùm bọc, yêu thương và hướng về những người con nơi đầu sóng ngọn gió. Và họ, những chiến sĩ Trường Sa, cũng luôn hướng về đất mẹ. Đó là sự đồng vọng của đất liền và Trường Sa, là nguồn sức mạnh vô tận để cùng nhau quyết tâm gìn giữ biển trời của Tổ quốc.

Lần đầu tiên đến với quần đảo máu thịt của Tổ quốc ở biển Đông, với tôi, đó giống như hành trình trở về, về với một nơi rất thiêng liêng, ở ngay trong tim mình. Trường Sa gần lắm, ở ngay trong tim mỗi người dân Việt Nam!

Hiệu triệu những trái tim yêu Tổ quốc

Dẫu có say sóng, đuối sức trong hải trình thì mọi người vẫn "cháy" hết mình với mỗi chương trình văn nghệ. Từ trước khi bước lên tàu đến lúc rời bến về lại phố thị, các thành viên đoàn công tác đều thuộc làu "Khúc quân ca Trường Sa".

Ở bất cứ góc nào đó của con tàu, chúng tôi đều có thể nghe những thanh âm vang lên sôi nổi, hào hùng: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta...". Lên các đảo, từ những em bé mẫu giáo đến những người lính hải quân, ai cũng thuộc nằm lòng và sẵn sàng cất cao tiếng hát, hòa chung vào sự kết nối, hiệu triệu những trái tim yêu Tổ quốc cùng hướng về biển đảo quê hương.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.