Hoa văn trên nóc nhà mồ Jrai Arap

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Đến với khu nhà mồ Jrai Arap (chủ yếu tập trung ở huyện Chư Păh), chúng ta không chỉ choáng ngợp trước “rừng tượng” với đủ mọi tư thế, kiểu dáng từ tĩnh đến động mà còn được chiêm ngắm những hoa văn đa dạng ngay trên nóc nhà mồ.

Nhà mồ là kiến trúc độc đáo trong văn hóa của người Jrai và nhiều dân tộc khác ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Nếu nhà rông được ví như trái tim của buôn làng, là nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng thì nhà mồ được xem là nơi hội tụ đầy đủ các sắc màu cuộc sống, là nơi biểu thị những giá trị nổi bật về nghệ thuật điêu khắc, âm nhạc, hội họa, thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân và những giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống cũng như trong quan niệm tâm linh.

Nhà mồ làm ra để phục vụ người đã khuất. Sau lễ bỏ mả, ngôi nhà mồ với bao công phu không còn được người nhà chăm lo bảo dưỡng, bỏ mặc cho mưa nắng cho đến khi toàn thể kiến trúc đó tiêu tan theo năm tháng. Phần lớn nhà mồ của người Jrai Arap được bố trí theo trục Bắc-Nam, 2 mái lợp ở hai phía Đông, Tây không trang trí hoa văn (trước đây mái được lợp bằng tranh, nay phần lớn được thay thế bằng tôn). Đường nóc là nơi tập trung nhiều nhất họa tiết hoa văn được chạm khắc thủ công thuần túy, lột tả cảnh quan, đời sống sinh hoạt và những đặc trưng trong văn hóa truyền thống vô cùng sinh động dưới bàn tay tài hoa của nghệ sĩ buôn làng.

Khi nói về tác phẩm “Tượng gỗ Tây Nguyên” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong, Giáo sư Nguyễn Từ Chi cho rằng, chỗ tập trung nhiều hoa văn nhất trên nhà ma cả Bahnar và Jrai là đường nóc (kok).

Nhà mồ người Jrai Arap ở làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) với điểm nhấn họa tiết trên nóc. Ảnh: Xuân Toản

Nhà mồ người Jrai Arap ở làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) với điểm nhấn họa tiết trên nóc. Ảnh: Xuân Toản

Đường hoa văn gắn trên nóc nhà mồ (gọi là đường nóc) được làm bằng một thanh gỗ bản dẹp hoặc tôn có chiều cao khoảng 30-35 cm tùy theo quy mô của ngôi nhà mồ, chiều dài kéo từ đầu hồi phía Bắc đến đầu hồi phía Nam. Ở 2 đầu đường nóc, có nơi thì người ta chạm khắc 2 vòng tròn đục thủng ở giữa (tượng trưng cho mặt trời), bao quanh là những tia nhỏ (tượng trưng cho tia mặt trời).

Cũng có nhiều nhà mồ tạo hình ở 2 đầu đường nóc bằng biểu tượng uốn cong một đầu như những cánh tay vươn lên mạnh mẽ, biểu tượng này nhiều người cho rằng đó là hình tượng của ngọn cây rau dớn (kơtoanh), loại cây mọc nhiều ở các khe suối vùng Trường Sơn-Tây Nguyên và là loại nguyên liệu gắn liền với bữa ăn hàng ngày của các dân tộc ở Tây Nguyên. Còn có ý kiến cho rằng, biểu tượng đó là cánh tay của thần (Yàng) mang lại nhiều nguồn sức mạnh cho cộng đồng.

Trên đường nóc, hoa văn được bố trí theo dải với nhiều cụm có chủ đề khác nhau. Thông thường được bố trí theo số lẻ, 15 hoặc 17 cụm. Theo quan niệm của người Jrai, số lẻ là số may mắn, cũng như trong việc làm cầu thang nhà sàn, số lượng các bậc cầu thang thường là số lẻ. Hai cụm ở 2 đầu hồi khắc họa 2 cành lá sum suê uốn cong đối xứng nhau.

Trung tâm của dải hoa văn trên đường nóc là đồ án hoa văn miêu tả cảnh sinh hoạt với người đủ mọi tư thế: người đánh cồng chiêng, uống rượu cần, phụ nữ mang bầu, người địu con, đôi nam nữ đang trong tư thế giao hoan để lộ sinh thực khí, cảnh lao động sản xuất và đặc biệt là hoa văn 2 người cưỡi trên lưng 2 con voi quay mặt về hai hướng khác nhau, đây được xem là biểu tượng sức mạnh của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên.

Ngoài ra, trên đường nóc nhà mồ còn chạm khắc các họa tiết hoa văn hình tam giác, hình hoa 4 cánh, hoa 8 cánh. Một chi tiết khá mới đó là việc chạm khắc ngày tháng năm dựng nhà mồ lên trên đường nóc. Qua tư liệu hình ảnh trước những năm 2000 cho thấy, chi tiết này trước đây hầu như không được đề cập đến thì nay lại xuất hiện khá phổ biến trong các khu nhà mồ người Jrai Arap.

Tất cả họa tiết chạm khắc trên đường nóc nhà mồ đều mang tính ước lệ, giản lược, không đi vào miêu tả chi tiết, cặn kẽ thể hiện sự phóng khoáng và mang tính biểu tượng sâu sắc. Đây được coi là nơi tập trung tinh hoa và tài trí nghệ thuật điêu khắc của dân làng và thể hiện triết lý nhân văn sâu sắc trong quan niệm về sự sống và cái chết của người Jrai. Không chỉ là nơi thể hiện nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc, đường nóc gắn liền với không gian nhà mồ, với lễ bỏ mả còn phô diễn những giá trị đặc trưng khác về âm nhạc, múa, ẩm thực và những quan niệm về nhân sinh trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

(GLO)- Trường ca Xing Chơ Niếp của dân tộc Ê Đê được sưu tầm ở vùng Krông Pa (cũng có người cho rằng đây là trường ca của người Bahnar Chăm ở Krông Pa) từ những năm 80 của thế kỷ trước, cùng thời với H’mon Đăm Noi của người Bahnar được sưu tầm ở vùng Kông Chro ngày nay.
Thương lắm, nhà Rông…

Thương lắm, nhà Rông…

Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.
Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Nhưng báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật pháp không phải là sa đà cầu cúng, đốt vàng mã theo kiểu “trần sao âm vậy” như tục lệ dân gian.
Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

(GLO)- Hiện nay, cộng đồng người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn giữ được nhiều nghi lễ độc đáo. Trong đó, lễ cúng kết nghĩa buôn làng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Lập lại “trật tự âm thanh” cồng chiêng

Lập lại “trật tự âm thanh” cồng chiêng

(GLO)- Đó là mong muốn của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) khi tham gia đứng lớp truyền dạy cách thức gò chỉnh chiêng cho hơn 80 nghệ nhân Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ ngày 26-7 đến 28-8.
Thêm không gian cho cồng chiêng

Thêm không gian cho cồng chiêng

(GLO)- Dự án phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hoàn thiện và đưa vào sử dụng, ngoài mục tiêu tôn vinh di sản sẽ tạo sức hút đáng kể cho du lịch địa phương.