Thương lắm, nhà Rông…

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.

Cứu lấy nhà Rông

“Lũ làng ơi! Cứu! Nhà Rông cháy! Cứu!”. Tiếng gọi thảng thốt của già làng A Yôl vang lên hoảng hốt, khản đặc trong buổi sáng đầu tháng. Nghe tiếng gọi đầy đau đớn và day dứt, người làng lũ lượt đổ ra. “Cứu nhà Rông! Cứu làng!”. Tiếng gọi nhau rầm rập như tiếng hàng chục con voi rừng. Tiếng chân người chạy, tiếng kêu than kinh động cả Yang Trời, Yang Đất. Hơn một trăm con người, già có, trẻ có, người nam có, có cả người nữ chạy mải miết về phía nhà Rông của làng. Nhưng rồi những bước chân chậm dần, chậm dần mà rưng rức trước ngọn lửa.

Nhà Rông làng Kon Băh bốc cháy sáng ngày 1/6.

Nhà Rông làng Kon Băh bốc cháy sáng ngày 1/6.

Nhà rông của làng Kon Băh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah, Gia Lai) bùng cháy dữ dội vào thời điểm gần 9h sáng ngày 1/6/2024. Nhà Rông của làng bị cháy. Cháy từ những ký ức nhà rông với nỗi nhớ trăm tuổi, cháy trong sự bất lực của con người. Cơn gió xoáy oan nghiệt lại như trêu ngươi, cứ cuốn tàn lửa đỏ ối màu tang thương giữa một sáng trời xanh ngăn ngắt. Lũ trai làng người chạy đi lấy nước, người tất tưởi dùng cành cây, số khác chạy khắp làng huy động mọi bình chữa cháy. Họ chiến đấu với lửa từng phút, từng giây, trong từng giọt nước mắt và mồ hôi mặn chát một sáng như thế. Nhưng rồi, sức lực của lũ làng không thể chống lại ngọn lửa hung hãn. Già làng A Yôl, cả lũ làng cũng bất lực đứng nhìn ngọn lửa hung bạo thiêu rụi từng kèo cột, từng tấm ván, từng kỷ niệm của nhà Rông.

“Cháy hết rồi! Còn gì của cha ông nữa!”, già làng A Yôl lẩn thẩn một mình nói, một mình nghe. Lũ làng Ba Na làng Kon Băh cũng khuỵu xuống, thảng thốt. Trời không mưa nhưng trên mặt ai cũng đầy nước. Già A Yôl đau đáu nhìn từng thanh kèo, từng tấm tranh, từng chiếc cột nhà đỏ ối màu lửa dần đổ xuống. Già và lũ làng giữ chặt ngực mình, không còn sức để nói.

Đó là ngôi làng với nhà Rông được coi là một trong những nhà Rông đẹp nhất Tây Nguyên. Trong ký ức già A Yôl, trong nỗi nhớ của người làng Kon Băh thì nhà Rông chính là nơi chốn đi về của mình, với cột gỗ, sàn gỗ, vách gỗ, mái lợp tranh săng. Quần tụ quanh nhà Rông vẫn là những ngôi nhà sàn của người Ba Na không kém phần bề thế. Từng chi tiết của ngôi nhà Rông đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng. Đó là ngôi nhà Rông Ba Na thâm nghiêm, vững chãi được trai tráng trong làng dựng lên với bề ngang hơn chục mét, mái tranh dày cả gang tay. Vậy mà! Nhà Rông làm bằng chất liệu nứa, gỗ, cỏ tranh xếp lớp dày, cao, cộng hưởng gió lớn nên bùng phát dữ dội và nhanh chóng bao trùm lên toàn bộ nhà Rông. Đám cháy đã làm toàn bộ kết cấu của nhà Rông bị sụp đổ, vật dụng bị hư hỏng nặng nề.

Có rất nhiều làng ở Tây Nguyên, chiêm ngưỡng những ngôi nhà Rông bề thế, mái tranh cao vút và sừng sững như những người khổng lồ giữa rừng xanh. Huyện Chư Pah này có 71 nhà Rông, tập trung nhiều nhất ở các xã: Ia Phí, Hà Tây, Ia Khươl, Ia Mơ Nông. Thời gian qua, chính quyền các cấp rất quan tâm bảo tồn, lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Còn ít lắm những ngôi nhà Rông làm bằng tranh tre nứa lá như thế với công sức của toàn bộ dân làng. Nhà Rông này đã có từ lâu, được tu sửa 3 lần vào năm 1983, 2009 và cuối năm 2023 vừa qua. Người làng Kon Băh luôn tự hào về ngôi nhà Rông là một trong những biểu tượng to và đẹp nhất vùng, bề dài đến 13 sải tay, bề rộng là 7 sải tay và bề cao chừng 15 sải tay. Nhà Rông cùng dân làng đã trải qua mấy chục năm yên bình.

Nhà Rông làng Kon Băh là một trong những nhà rông đẹp nhất Tây Nguyên

Nhà Rông làng Kon Băh là một trong những nhà rông đẹp nhất Tây Nguyên

Những người già trong làng kể lại, để làm được ngôi nhà Rông này, toàn bộ dân làng phải mất 3 năm chuẩn bị. Trước khi dựng nhà Rông, những người già trong làng nhẩm tính hết lượng tranh, tre rồi phân công cho mọi người trong làng cùng nhau chuẩn bị. Đàn bà, con gái trong làng tranh thủ buổi chiều khi đi rẫy về thì gùi theo một gùi tranh. Trai làng lo chuẩn bị cho đủ số tre, số gỗ. Rồi những ngày nhàn rỗi sau mùa vụ, dân làng lại tập trung cùng chẻ tre, mây, đan lát, dựng trụ. Hiếm ai vắng mặt, bởi chung sức dựng nhà Rông là niềm tự hào của người dân trong làng. Năm 1983, dân làng đều đặn tổ chức đi khắp các núi đồi trong vùng như Sơ Lăng, Đắk Blu, Tur Bơ Ngang hay suối Mẽ Not, Ơ Drang… để tìm cho đủ những vật liệu như cột, kèo gỗ quý, dây mây già, tranh, tre, nứa. Rồi sau đó, người làng lại phải bỏ ra thêm 3 tháng ròng rã liên tục cất dựng, đến đầu năm 1986 mới hoàn thành.

Đến năm 2009, vì thời tiết và mưa gió nên nhà Rông Kon Băh được sửa chữa lại rất to, rộng 10m, cao 15m và dài 17,5m. Xà, kèo, rui là hàng trăm thanh gỗ đường kính 10cm, dài 13m, mái được lợp 3 lớp cỏ tranh. Điều đặc biệt là hệ thống 8 cây cột tròn, to một người ôm, dài 5 sải tay và 8 cây kèo vuông dài gần 6 sải, đều được làm bằng gỗ trắc quý hiếm. Nhiều đầu nậu buôn gỗ đã từng nhiều lần đến trả giá rất cao để mua lại những cây cột này nhưng người làng vẫn giữ lại. Đến cuối năm 2023, nhà Rông một lần nữa được tu sửa phần mái, thay những kèo đã hư hỏng, mối mọt.

Già làng A Yôl cho biết: “Làng Kon Băh có nhà Rông to và đẹp bậc nhất xứ này. Tại nhà Rông, các hoạt động hay sự kiện trong làng như văn nghệ, thể thao, học hành, truyền dạy cồng chiêng, các lễ hội, bầu các chức danh... đều được tổ chức. Ngoài ra, vào ban đêm, làng có tổ tự quản an ninh túc trực để giữ gìn an ninh trật tự đảm bảo cho người làng”.

Thương chốn đi về

Kon Băh đã nuôi người Ba Na lớn, đã làm cho tâm hồn người Ba Na thấm đẫm văn hóa dân tộc mình. Những người làng vẫn thủy chung với nhà Rông có lẽ vì trong sâu thẳm, họ tìm thấy ở đó những gì thiết thân nhất, gần gũi nhất. Những đêm lễ hội, hàng chục ghè rượu xếp thẳng từ đầu đến cuối nhà rông. Những mâm lá đầy thịt trâu, thịt lợn, thịt gà nướng trên bếp lửa than đỏ hồng thơm nức. Từ người già cho tới những em bé còn địu trên lưng mẹ đều quây quần trong nhà rông, rộn ràng với ching chiêng, với điệu xoang và rừng rực lửa đêm đại ngàn hùng vĩ.

Nhà Rông làng Kon Băh là nơi gắn bó với biết bao thế hệ người Ba Na ở nơi này

Nhà Rông làng Kon Băh là nơi gắn bó với biết bao thế hệ người Ba Na ở nơi này

Già A Yôl dẫn đám trẻ, dẫn lũ làng đi nhặt từng thân cột nhà Rông, từng miếng phên nứa của những ngôi nhà sàn trong đám tro tàn của trận hỏa hoạn hôm trước. Nhiều đêm qua, người làng không ngủ nổi. Lũ trẻ cũng loay hoay nhặt nhạnh trong đống đổ nát một cái gì đó gần gũi nhất với mình. Góc bên kia, những người con trai, những người con gái, cả những bà mẹ bồng con cũng cặm cụi nhặt nhạnh từng thanh gỗ, từng mẩu tre. Tất cả lặng im, lặng im đến nao lòng. Lũ làng cần mẫn như con kiến, tìm chút gì của ký ức đặng tha về tổ; chút ký ức loang lổ như đám cháy. Một người làng tên Y Khâm thẫn thờ nhặt một miếng gỗ còn bốc khói nghi ngút, dấu tích cuối cùng của ngôi nhà Rông cả trăm năm tuổi, lặng nhìn mãi.

“Ngôi nhà Rông gắn bó bao nhiêu năm, chứa đựng biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp giờ không còn nữa. Nhà Rông là tài sản quý giá của ông cha xưa để lại cho bà con dân làng mình. Nhìn nhà Rông cháy như cháy từng khúc ruột của làng, ngôi làng thân yêu của tôi. Và buồn hơn là dân làng Kon Băh cũng vừa mới tu sửa lại nhà cách đây vài tháng và sang tuần sau uống mừng. Vậy mà giờ chỉ trong vài phút cháy rụi toàn bộ nhà Rông. Sáng dậy mà thấy lòng đau lắm!”, Y Khâm thổn thức.

Nhà Rông được xem như trái tim, nơi thực thi các luật tục, tiếp khách, diễn ra các sự kiện lớn của làng. Trong ký ức mỗi đời người, những trải nghiệm đầu đời là thứ rất khó quên, huống gì Kon Băh này là nơi không chỉ của già A Yôl, mà của tất cả lũ làng với khoảng 115 hộ dân, và hàng nghìn người làng trước đó được nuôi lớn, đã sống và đã về với A Tâu ở đất này. Nhà Rông của làng chẳng còn lại gì sau vụ cháy. Những tranh tre nứa lá đã bị thiêu rụi trở về tro bụi nhưng có đến cả ngàn nỗi nhớ, sự khắc khoải đến tê tái của lớp người đi trước, của lớp người bây giờ, của cả lớp trẻ sau này nữa.

Tôi hỏi già A Yôl, già lặng im không nói. Rồi già chỉ vào ngực mình, bảo đau, đau lắm. Đau đúng chỗ này! Tôi đã từng nhiều lần đến thăm những làng Ba Na, biết cái bụng của người Ba Na thương nhà Rông lắm. Không chỉ riêng người già, mà cả lũ trẻ cũng vậy. Những năm trước, khi nhiều người đi du lịch đến chụp ảnh, lũ trẻ nhao nhao chỉ cái nhà đẹp nhất của làng, đó là nhà Rông. Hóa ra, ngay cả với lũ trẻ, cái đẹp của làng là nhà Rông cũng đã in đậm trong tâm trí chúng.

Những người già trong làng tỉ mẩn lau vết tro trên một khúc gỗ, rồi bảo nhau rằng đây là cái cột chính của nhà Rông. Nhà Rông chỉ còn một chút này thôi. Mấy cái trụ gỗ này mà hư thì chẳng biết phải làm sao nữa. Mấy năm trước vào rừng sâu còn kiếm được, chứ bây giờ thì chịu, hết hẳn rồi. Rừng cứ lùi mãi thế này thì nhà Rông cũng khó mà dựng lại được. Đứa trẻ bên cạnh cất một tràng tiếng Ba Na, mấy người già xoa đầu không đáp, rồi lặng lẽ nhìn mông lung ra phía trước, nơi mới mấy ngày hôm trước còn ngôi nhà Rông vững chãi, lừng lững giữa trời. Có lẽ, trong trí nhớ của những người già này lại thấp thoáng hiện về cái khung cảnh đêm xoang rừng rực lửa, tiếng chiêng, tiếng cồng rộn cả các làng bên, điệu xoang vui thâu đêm suốt sáng, trai gái Ba Na ngả nghiêng say men rượu cần. Những người già trầm ngâm, nhìn mãi ra phía trước làng. Tôi cũng nhìn theo, nơi ấy đã từng sống động những vòng xoang duyên dáng của các thiếu nữ, tiếng cồng, chiêng trầm hùng của các chàng trai, những ghè rượu uống mãi không bao giờ cạn mùa lễ hội... Giờ nhà Rông đã cháy, còn lại gì níu giữ với cha ông?

Ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy UBND xã Hà Tây cho biết, đây là nơi người dân làng Kon Băh, xã Hà Tây tổ chức các lễ hội truyền thống, những việc quan trọng của cộng đồng. Nhà Rông Kon Băh cũng là một trong những nhà Rông truyền thống đẹp, thường được nhiều du khách, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên đến tham quan, nghiên cứu bảo tồn văn hóa. Với những giá trị cả vật chất và tinh thần, cộng đồng làng Kon Băh coi nhà Rông là tài sản vô giá, là báu vật của làng.

Xã Hà Tây (Chư Pah, Gia Lai) có 9 ngôi làng là nơi định cư lâu đời của người dân tộc Ba Na. Tất cả các làng đều có nhà Rông truyền thống, trong đó có 4 ngôi nhà Rông cổ được giữ nguyên vẹn qua mấy chục năm với hệ thống cột, kèo làm bằng gỗ trắc quý hiếm, giá trị kinh tế hiện nay có thể bằng tổng thu nhập trong 1 năm đến 4 năm của các làng. Cách nhà Rông làng Kon Băh không xa, nhà Rông của các làng Kon Sơ Lăl, Kon Măh, Kon Hơngleh… cũng có mái tranh cao vút, mềm mại.

Cách đây chừng 10 năm, ngôi nhà Rông của làng Kon Sơ Lăl cũ được coi là một trong những ngôi nhà Rông cổ đẹp nhất Tây Nguyên cũng bốc cháy, kéo theo 12 căn nhà khác cháy rụi. Nỗi đau ấy của những người Tây Nguyên, yêu văn hóa Tây Nguyên chắc chắn chẳng dễ gì nguôi ngoai được. Nhà Rông - trái tim của các buôn làng Ba Na vẫn đang thao thức những nhịp đập của bao thế hệ, truyền đi một thông điệp về tình đoàn kết, cổ vũ cả cộng đồng bước tới khẳng định giá trị nền văn hóa của dân tộc mình.

Theo Tiêu Dao - Bảo Anh (cand)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.