Lễ cúng thần rừng của người Mạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lễ cúng thần rừng của người Mạ ở tỉnh Ðắk Nông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc Mạ.

Lễ cúng thần rừng (Yang Brê) của người Mạ ở thành phố Gia Nghĩa và huyện Ðắk Glong (tỉnh Ðắk Nông) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cuối tháng 2 vừa qua. Ðây là nghi lễ truyền thống quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh của dân tộc Mạ, mang ý nghĩa phồn thực của cộng đồng cư dân nông nghiệp sinh sống tại những vùng mà rừng luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.

Nghi lễ trong lễ cúng thần rừng của người Mạ.

Nghi lễ trong lễ cúng thần rừng của người Mạ.

Với nền văn hóa truyền thống đa dạng, nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú và những tri thức dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, người Mạ ở Ðắk Nông cùng với các dân tộc khác trên địa bàn đã làm nên sự phong phú của vốn di sản văn hóa truyền thống vùng đất này.

Cuộc sống của người Mạ từ xa xưa luôn gắn bó với đại ngàn, sống dựa vào tự nhiên, với quan niệm vạn vật hữu linh nên có tín ngưỡng đa thần. Lễ cúng thần rừng là một trong những lễ nghi quan trọng nhất trong năm. Khi mùa mưa đến, các loại cây, rau rừng, mạ non bắt đầu đâm chồi mơn mởn, những đọt măng rừng, rau nhíp nhú lên; khi nước về đầy con suối, muông thú về với đại ngàn, đó là thời điểm người Mạ làm lễ tạ ơn Yang Brê.

Vào lúc nửa đêm, chủ nhà lấy một tô rượu cần nhỏ, một ít gạo và thức ăn đặt lên Yang ông, Yang bà để xin đi vào rừng lấy rau. Phụ nữ người Mạ mang về những đọt mây, rau nhíp và những ngọn măng tươi. Một đống lửa to được đốt lên trước sân nhà, bếp lửa hồng trong căn nhà dài cũng được cháy lên. Người phụ nữ ngâm gạo cho vào ống lồ ô nướng cơm lam, họ giã bột gạo, chuẩn bị lá nhíp với cá suối để nấu canh thụt, nướng đọt mây. Ðàn ông trong nhà nướng thịt trên đống lửa, chặt nhỏ cây lồ ô vót nhọn xiên thành từng xiên dài.

Các lễ vật gồm 3 chén đất đựng cơm lam, tim gan con vật hiến tế và rượu cần được đặt lên giữa hai Yang. Chuẩn bị xong lễ vật, người chủ cúng sẽ gọi con trai, con gái đứng chung quanh ngôi nhà dài và cúng. Cúng xong, người chủ cúng bôi máu gà lên Yang ông, Yang bà, cây nêu, bôi lên chiêng, cột nhà, chóe rượu. Khi hoàn thành nghi lễ, người chủ cúng châm nước vào chóe rượu, mời Yang uống rượu rồi đến già làng, người được tôn trọng nhất uống rượu cần.

Sau khi cúng xong, chủ cúng lấy chiêng treo trên giá phát cho các chàng trai, lúc này giai điệu bài chiêng vang lên. Phụ nữ trình diễn xoang, những điệu múa mô phỏng những động tác đang hái rau, tỉa lúa... Ðàn ông đánh chiêng, chơi kèn m’buốt; già làng mời mọi người tiến lại cây nêu và uống rượu.

Thông qua lễ cúng, người Mạ mong muốn Yang Brê che chở, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cho nước về đầy suối để sản xuất, cho cây để làm nhà, bảo vệ cho dân làng được an toàn. Ðây là một nghi thức nông nghiệp độc đáo và đặc sắc. Nghi lễ chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần trong sinh hoạt, ứng xử, lao động, ẩm thực truyền thống. Nghi lễ còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, đó là văn hóa ứng xử của con người với môi trường thiên nhiên, giáo dục lối sống biết bằng lòng với cuộc sống thường nhật mà không tham lam chiếm hữu. Họ biết ơn và trân trọng những gì thiên nhiên đã ban tặng.

Theo Bài và ảnh: CHẤN HƯNG (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.