Nguyễn Văn Dũng: Người thổi hồn vào gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với niềm đam mê nghệ thuật, anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1986, làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã thổi hồn vào gỗ để tạo nên những tác phẩm điêu khắc giá trị, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Đam mê với điêu khắc

Ngay từ nhỏ, chàng trai Nguyễn Văn Dũng đã lớn lên cùng xưởng mộc của cha ở quê nhà huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. “Máu” nghệ thuật như cũng chảy trong huyết quản của cậu trai làng với từng nét chạm khắc của người cha. Bởi vậy, cậu đã khăn gói đi học nghề đục tượng ở làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Anh Dũng chia sẻ: “Dù bố tôi làm nghề mộc song điêu khắc gỗ nghệ thuật khó hơn rất nhiều. Nghề này khá kén người, không chỉ yêu cầu có năng khiếu nghệ thuật, tư duy hình ảnh, sự kiên trì, tỉ mỉ trong từng nhát đục mà hơn cả là niềm đam mê.

Để hoàn thành 1 bức tượng mất hàng tháng trời, có khi vài tháng, nhưng nếu không được công nhận cũng là hoài phí. Do đó, nhiều người quyết tâm đi học nhưng sau thì nản chí hoặc không đủ đam mê để theo đuổi”.

Anh Nguyễn Văn Dũng được đánh giá là có nhiều triển vọng trong lĩnh vực điêu khắc. Ảnh: L.V.N

Anh Nguyễn Văn Dũng được đánh giá là có nhiều triển vọng trong lĩnh vực điêu khắc. Ảnh: L.V.N

Sau 3 năm gắn bó với làng nghề nổi tiếng, anh Dũng hăm hở theo nghề cùng bao hoài bão. Tuy nhiên, trong những bước đi đầu tiên, anh phải đối mặt với bao khó khăn, trở ngại. Anh rong ruổi tới các tỉnh, thành như: Bắc Ninh, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh… song rất khó trụ lại với nghề. Đôi lần, anh muốn buông bỏ đam mê, rời xa những tấm gỗ bụi bặm để thử thách với việc buôn bán. Nhưng sau tất cả, anh lại quay về, bám trụ với nghề.

“Ban đầu, tôi đi làm thuê. Tay nghề có đó nhưng suy nghĩ nông nổi tuổi trẻ khiến tôi bị chê, lương thấp dù làm ngày đêm. Sau bao trải nghiệm mưu sinh, tôi thấy mình không sao quên được nghề. Tôi thấy mình chỉ thực sự thoải mái, hào hứng khi được cầm đục chế tác những sản phẩm từ gỗ. Vì vậy, tôi quyết tâm làm lại từ đầu dù chẳng mấy dễ dàng”-anh Dũng trải lòng.

Năm 2012, trong một lần đến Gia Lai thăm bạn bè, anh Dũng cảm thấy yêu mến vùng đất cao nguyên này. Khí hậu mát mẻ, phong cảnh hữu tình cho đến sự niềm nở của người phố núi đã níu chân chàng trai đất Bắc. Anh quyết định mở xưởng chạm khắc gỗ trên địa bàn phường Yên Thế (TP. Pleiku).

Nặng lòng với Tây Nguyên

Năm 2013, anh Dũng lập gia đình với mong muốn an cư lạc nghiệp trên quê hương thứ hai. Ngày nối ngày, anh miệt mài khám phá buôn làng ở Gia Lai để làm chất liệu đưa vào tác phẩm của mình. Với chiếc máy ảnh trong tay, anh đi rất nhiều nơi để chụp lại khung cảnh, đời sống và con người Jrai, Bahnar.

Mỗi khi hay tin ở đâu tổ chức lễ hội, anh lại lập tức lên đường. Không chỉ có một bộ sưu tập ảnh về con người Tây Nguyên, thứ anh thu về còn là những trải nghiệm thực tế, những tư liệu quý giá. Càng khám phá, anh càng cảm thấy yêu mến vùng đất, con người bởi bản sắc đậm đà và phong phú cùng lịch sử, truyền thống lâu đời.

Ngoài những mẫu tượng truyền thống, anh mày mò lên ý tưởng thể hiện tượng nhà mồ-nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Khi thấy một cụ bà đang hút tẩu, anh liền lấy mẫu điêu khắc lên thân gỗ trong xưởng.

Với bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, khúc gỗ vô tri trở nên có hồn với tạo hình đơn giản nhưng thẩm mỹ cao. Sau khi hoàn thành, bức tượng đã được đấu giá khá cao trong một buổi giao lưu của các nhà điêu khắc gỗ tại khu vực phía Bắc. Nhiều người bày tỏ sự thích thú khi chiêm ngắm tác phẩm.

Tác phẩm "Thẩm âm" về đề tài tiếp nối di sản cồng chiêng Tây Nguyên của anh Dũng được đánh giá cao. Ảnh: Văn Ngọc

Tác phẩm "Thẩm âm" về đề tài tiếp nối di sản cồng chiêng Tây Nguyên của anh Dũng được đánh giá cao. Ảnh: Văn Ngọc

Thành công càng thôi thúc anh Dũng nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo tác phẩm theo phong cách riêng về Tây Nguyên. Đầu năm 2024, anh hoàn thành tác phẩm “Thẩm âm” bằng chất liệu gỗ muồng vàng.

Đây là bức tượng mô tả hình ảnh một bà lão ôm ấp, vỗ về một cháu trai đang đánh chiêng, miệng nở nụ cười hồn nhiên rạng rỡ. Tác phẩm sau đó được chọn trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật khu vực V-Nam miền Trung-Tây Nguyên lần thứ 29 tại tỉnh Khánh Hòa.

“Văn hóa của người dân tộc thiểu số nói chung và cồng chiêng nói riêng đang bị mai một. Do đó, tôi mong muốn thông qua tác phẩm này gửi gắm một thông điệp về sự kết nối giữa các thế hệ để lưu truyền nét đẹp truyền thống.

Đây là lần đầu tiên tôi gửi tác phẩm đi triển lãm và may mắn được chọn trưng bày. Điều này khiến tôi rất tự hào, tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục hành trình sáng tạo”-anh Dũng bày tỏ.

Gần đây, anh Dũng gửi tác phẩm “Chung một niềm tin” tham gia cuộc thi Mỹ thuật tỉnh Gia Lai. Đây là bộ 3 tượng gỗ khắc họa hình tượng Anh hùng Núp trong tư thế hiên ngang, sẵn sàng đánh giặc. Làm nền cho hình tượng chủ đạo là hậu phương với người mẹ giã gạo, người vợ ẵm con. Đây là tác phẩm anh Dũng dành nhiều tâm huyết tái hiện đề tài người Tây Nguyên một lòng theo Đảng làm cách mạng, quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm.

Tác phẩm "Chung một niềm tin" về đề tài người Tây Nguyên làm cách mạng của anh Dũng. Ảnh: Văn Ngọc

Tác phẩm "Chung một niềm tin" về đề tài người Tây Nguyên làm cách mạng của anh Dũng. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với P.V, họa sĩ Mai Quý Ngọc-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Gia Lai-cho hay: “Anh Nguyễn Văn Dũng là nhà điêu khắc trẻ có nhiều triển vọng. Mảng đề tài về Tây Nguyên mà anh theo đuổi được đánh giá cao về trình độ, tâm huyết.

Tác phẩm của anh trên tượng gỗ rất có hồn, có chiều sâu và mang thông điệp ý nghĩa. Chúng tôi khuyến khích những nghệ sĩ trẻ sống với đam mê và tâm huyết của mình. Họ sẽ là lớp kế cận trong lĩnh vực nghệ thuật này”.

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

(GLO)- Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và đúng đắn khi quyết định gắn bó đời mình với mảnh đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Không chỉ là nơi đầy nắng và gió mà Krông Pa còn có nhiều trầm tích văn hóa của người bản địa Jrai, được thể hiện rõ rệt nhất qua các lễ hội.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.