Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp: Đòn bẩy phát triển kinh tế bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, từ các nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai) phối hợp với các địa phương xây dựng một số mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi giúp người dân từng bước đưa vào sản xuất, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững” với diện tích 14 ha tại 2 xã Nam Yang và Hải Yang (huyện Đak Đoa). Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ dân được hỗ trợ một phần phân bón, vật tư nông nghiệp; được tập huấn kỹ thuật canh tác và kết nối với doanh nghiệp thu mua sản phẩm hồ tiêu sạch. Đến nay, mô hình đã kết thúc và được nhân rộng lên hơn 30 ha.
Theo ông Nguyễn Đình Vững (thôn 1, xã Nam Yang), qua mô hình này, người dân không còn lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, các hộ tham gia mô hình được Hội Nông dân xã và Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết nối với doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg.
Người dân tham quan mô hình trồng tiêu bèn vững tại xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân tham quan mô hình trồng hồ tiêu bền vững tại xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững” mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân địa phương tiếp cận kỹ thuật thâm canh hồ tiêu bền vững. “Đây là một trong những mục tiêu mà Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đặt ra từ nay đến năm 2030. Cụ thể, huyện ưu tiên phát triển cây trồng chủ lực theo chuỗi giá trị liên kết gắn các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic… để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình này”-ông Hùng thông tin.
Mô hình sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Chư Prông cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Ông Vũ Văn Chiến (thôn Hoàng Tiên, xã Ia Phìn) cho hay: “Thời gian qua, 15 hộ tham gia mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, tem truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được tham gia hội thảo liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm chanh dây của chúng tôi được hợp tác xã xây dựng mã vùng trồng, cam kết thu mua. Đây là bước đi mới giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất theo hướng bền vững”.
Mô hình liên kết sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Ảnh: Nguyễn Diệp
Mô hình liên kết sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Ảnh: Nguyễn Diệp
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các nguồn vốn khác, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng một số mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân như: nuôi cá thác lác cườm, lăng đuôi đỏ, diêu hồng trong lồng hồ thủy điện, thủy lợi tại 3 huyện Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa; sản xuất hồ tiêu thâm canh bền vững; sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất giống gia cầm tại chỗ; sản xuất giống mì sạch kháng bệnh khảm lá vi rút… Cùng với các mô hình, Trung tâm còn đẩy mạnh tập huấn về cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân tiếp cận sản xuất theo hướng phù hợp với thị trường tiêu thụ hiện nay.
Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: Năm 2023, chúng tôi tiếp tục phối hợp với một số đơn vị triển khai mô hình sản xuất cà phê hữu cơ; nhân rộng mô hình sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm, trồng dổi ăn hạt… Đặc biệt, Trung tâm sẽ xã hội hóa hoạt động khuyến nông bằng hình thức mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng chung sức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân sản xuất những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao như TBR39, TĐ25… tại các vùng trọng điểm lúa nước. Trong đó, doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và cam kết thu mua sản phẩm của người dân”-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin thêm.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.