Pờ Chừ Lủng - vùng đất bị lãng quên: Người gieo chữ kiên cường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là 3 thầy cô giáo cắm bản tại điểm trường liên cấp Pờ Chừ Lủng (xã Ngam La, H.Yên Minh, Hà Giang). Họ gửi gia đình lại dưới xuôi, lên đỉnh núi tận cùng lãng quên, gieo chữ cho gần 100 học sinh người Mông.
Học sinh tiểu học Pờ Chừ Lủng học trong lớp học tạm bợ
Học sinh tiểu học Pờ Chừ Lủng học trong lớp học tạm bợ
5 năm bám bản
Thầy giáo tiểu học Hò Văn Lợi (35 tuổi, người dân tộc Giáy) nói: “Tính cả năm học 2018 - 2019 là tròn 5 năm em dạy ở bản này. Cô quạnh, có việc gì đâu mà không nằm nhớ” và lẩn mẩn: Mãi 2009, sau khi đã cưới vợ là cô giáo mầm non cùng tuổi Hoàng Thị Vấn, Lợi mới bỏ nghề sơn đi học cao đẳng sư phạm và năm 2011 ra trường, dạy hợp đồng ở xã Đường Thượng với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Năm 2015, Lợi chuyển về trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ngam La và được điều thẳng lên điểm bản Pờ Chừ Lủng, mỗi tuần may ra được xuống núi về gặp vợ con một lần.
Hồi Lợi lên bản, tổ 1 được coi là “trung tâm” bởi đường cấp phối mới làm cho xe máy lên, tiện cho cán bộ xã lên làm việc với trưởng bản. Học sinh (HS) tiểu học của cả 3 tổ dồn về học tại tổ 1. Được mấy tháng, số đến lớp vắng hẳn. Hỏi ra mới biết: Đi lại xa xôi khó khăn, nên HS tổ 2 và 3 bỏ hết, chỉ còn hơn chục HS tổ 1. Thấy vậy, nhà trường xin xã cho dựng lớp tiểu học mới tại tổ 2 để dạy hết HS tổ 2, 3 và thầy Lợi lại gồng gánh ba lô chăn chiếu sang căn nhà gỗ, nền đất, vừa được dân bản dựng lên vội vàng.
Bé Lù Thị Say được mẹ cõng và địu em đi 2 tiếng đồng hồ đến trường
Bé Lù Thị Say được mẹ cõng và địu em đi 2 tiếng đồng hồ đến trường
Lớp mới dựng cạnh điểm mầm non lập từ 2012, nên hai cô giáo mầm non rất mừng khi có hàng xóm. Lợi thành “anh cả” lo hết mọi chuyện từ sửa nhà, xách nước cho đến mang vác đồ đạc khi xuống núi. “Hằng tuần, chúng em tự mang gạo từ nhà. Thức ăn, mắm muối, hành mỡ... giao
một người mua, mang lên ăn cả tuần. Cuối tháng chia chừng 700.000 đồng/người”, thầy Lợi kể và cười: “2 kg thịt lợn, kho với ớt ăn trong 2 - 3 ngày đầu. Hết thì cá khô rim ớt và lạc rang mặn. Những ngày nào chị em ốm mệt, cả bọn mới chi 50.000 đồng mua con chim bồ câu khoảng 3 lạng của dân về nấu canh gừng”.
7 ngày mới được rửa bát
Hoàng Thị Luy (35 tuổi, người dân tộc Tày ở H.Quang Bình) đã dạy mầm non Pờ Chừ Lủng 3 năm liền, kể: “Trước em, đã có 2 cô giáo không chịu nổi khó khăn trên đây, phải bỏ nghề” và ngân ngấn nước mắt: “Con trai đầu 13 tuổi, con gái sau 10 tuổi ở H.Vị Xuyên với chồng làm nghề chở tôn thuê, nên hồi mới vào, chiều nào cũng như điên dại vì không có sóng điện thoại gọi về. Giờ, khóc mãi cũng thành quen”. Luy bảo: Nhà cách điểm dạy gần 200 km, đi về mất cả ngày nên mỗi tháng về thăm nhà một lần. “Không về ngay được anh ơi! Xuống núi mệt lắm. Mùa đông cả tháng không xuống núi vì sương mù đường trơn, em ngã có khi tím bầm khắp người. Vừa đi vừa khóc, hỏi sao đời mình khổ vậy”, Luy thành thật.
Ở Pờ Chừ Lủng, khó khăn nhất vẫn là thiếu nước. Người dân thì có đất để đào hố trữ nước và quen dùng nước tù đọng. Giáo viên uống nước không quen sẽ đau bụng, nằm bẹp nguyên tuần. Ban đầu, nhà trường cấp cho 2 thùng nhựa to trữ nước. Mùa khô, mỗi ngày chỉ chia nhau 1 ca để lau mặt, đánh răng, còn tắm gội giặt quần áo phải đợi khi xuống núi. Nồi niêu bát đũa nấu ăn, xong cũng lấy giấy lau qua, đợi cuối tuần mới xuất nước rửa. Giữa năm 2017, có đoàn từ thiện đến trao quà nhưng không lên nổi Pờ Chừ Lủng, họ hỏi và khi biết nhu cầu chỉ là “téc đựng nước ngọt” ai cũng lặng người, mua ngay téc 1.000 lít. “Có đồ trữ, mỗi ngày được thêm 1 ca nữa. Sợ nhất là "những ngày phụ nữ", phải hạn chế đi lại vì không có nước tắm, ra nhiều mồ hôi”, Luy kể.
Hai cô giáo mầm non Pờ Chừ Lủng: Hoàng Thị Luy (trái), Hoàng Thị Răng
Hai cô giáo mầm non Pờ Chừ Lủng: Hoàng Thị Luy (trái), Hoàng Thị Răng
“Năm trước em lên dạy thay một chị trên Pờ Chừ Lủng, 9 tuần mới xuống được và nghe tiếng người”, Hoàng Thị Răng (32 tuổi) là em út trong nhóm 3 giáo viên đang cắm bản ở điểm trường liên cấp Pờ Chừ Lủng kể. Mùa hè trên này lạnh, đêm phải đắp chăn. Mùa đông thì liên tục băng tuyết và sương mù đặc quánh. Đi ngủ đắp 5 cái chăn bông, sáng dậy chiếc trên cùng ướt sũng vì sương luồn qua khe gỗ. Buổi sáng, giáo viên chia nhau đi cạy các tảng băng dày 2 - 3 cm như tấm kính, về đun thành nước uống, rửa mặt. Năm trước Răng lên tăng cường gần 2 tháng. Năm học 2018 - 2019 này được phân công lên dạy chính thức lớp mầm non, nên việc chăm sóc cậu con trai Nguyễn Hoàng Anh 5 tuổi giao hết cho chồng. Mỗi lần về, cậu con lại ùa ra đón mẹ và trách: “Mẹ đi đâu trong huyện mà cả tuần không về, điện thoại cũng không gọi cho con”, khiến nước mắt mẹ cứ chảy vòng quanh.
Đi lên và đi xuống mất khoảng 8 tiếng nhưng mỗi tuần các thầy cô đều góp tiền mua chục gói mì tôm, đến bữa trưa HS mang mèn mén từ nhà ra ăn, lại cặm cụi nấu nồi mì tôm nhiều nước, chan đều cho từng đứa trẻ làm canh. Đám nhỏ, các thầy cô sẻ cơm cho chúng và mình ăn kèm mèn mén, vừa ăn vừa ho sặc sụa không quen.
Thầy giáo Hò Văn Lợi đi vận động HS đến trường, trên tay là chai nước lá rừng
Thầy giáo Hò Văn Lợi đi vận động HS đến trường, trên tay là chai nước lá rừng
Học sinh mầm non Pờ Chừ Lủng ăn cơm do giáo viên san sẻ, cùng với mèn mén mang đi từ nhà ẢNH: M.T.H
Học sinh mầm non Pờ Chừ Lủng ăn cơm do giáo viên san sẻ, cùng với mèn mén mang đi từ nhà ẢNH: M.T.H
Cõng con đi học
Lù Thị Say, 4 tuổi, năm nay học lớp mầm non, điểm trường liên cấp Pờ Chừ Lủng. Nhà Say ở tổ 1 của bản, cách lớp học 2 tiếng đi bộ qua 3 ngọn núi, 3 khu rừng, 2 thung lũng, nên cô bé không thể tự đi. Cứ 6 giờ sáng, mẹ là Sùng Thị Mua lại địu em Lù Mí Chư mới 1 tuổi sau lưng, cho Say ngồi trên cổ, đưa cả 2 đứa đang gật gù ngủ, vén lá rừng ướt đẫm, đạp lên đá trơn trợt, đến lớp. 8 giờ kịp vào lớp, Say ngồi học, mẹ địu em đứng ngoài sân thoăn thoắt xe vỏ cây lanh thành sợi, dệt vải. Buổi trưa, mẹ lấy mèn mén bọc trong lá chuối mang từ nhà, 3 mẹ con múc ăn. Xong, mẹ lại ru 2 chị em ngủ trên mặt bàn học và lại đan sợi, chờ Say học xong, cõng địu 2 chị em về đến nhà, cũng vừa sập tối.
Năm học 2018 - 2019, có 24 HS của tổ 1 học lớp ghép 3, 4, 5 tuổi của điểm trường mầm non Pờ Chừ Lủng đặt bên tổ 2. Đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên mỗi HS đến lớp phải kèm 1 người lớn chuyên lo việc đưa đi đón về. Đấy là chuyện mùa khô. Vào mùa đông băng tuyết phủ khắp núi, số HS mầm non của điểm 1 sang học chỉ đếm trên đầu ngón tay, HS của tổ 2 và 3 có đến lớp cũng run lẩy bẩy, giáo viên phải đốt cây ngô để sưởi và dạy bên đống lửa vì bàn ghế, bảng đen ướt nhẹp, không viết nổi. Những hôm rét quá, thầy cô sợ HS cảm lạnh, lại phải đưa chúng về tận nhà.
Tôi nhìn 2 phòng ở của ba thầy cô chỉ là mấy miếng ván đặt trên thân cây, bên trên là đống chăn và xung quanh ghép bạt chống rắn, côn trùng, hỏi: “Buổi tối thì làm gì?”. Cả ba cùng cười: “Ăn xong thì phòng nào phòng nấy lên giường nằm ngủ. Có chuyện gì thì gọi ới sang nhau”.
Thầy Lợi bảo: “Năm 2016, dân bản sau mấy chục năm đề nghị không được, đành bán lợn, gà góp mỗi nhà gần 10 triệu mua dây điện kéo từ bản Sủng Hòa lên. Hôm rồi, trường cho 1 cái ti vi nhưng dân gùi lên va vào đá, hỏng không xem được. Giờ chúng em cứ để điện cả đêm cho biết là đang sống”.
Ở điểm trường liên cấp này, không có một cái gương. Hỏi, cô Răng rơm rớm: “Làm đẹp cho ai xem?”, khiến cô Luy cười như khóc: “Khi nào xuống với chồng con, tụi em soi nhờ”. Hôm ấy tôi về, xuống núi rồi cũng chẳng dám soi gương vì thấy xấu hổ với những con người bám trụ trên đỉnh núi mù sương, hình như bị quên lãng...
Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.