Pleiku khẩn trương truy vết, xét nghiệm diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 25-10, TP. Pleiku ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại phường Ia Kring (1 ca) và phường Yên Đổ (2 mẹ con). Trong đó, liên quan đến trường hợp F0 Đ.T.P. (SN 1990, hẻm 218 Trần Quý Cáp, phường Yên Đổ) có lịch trình di chuyển phức tạp, lực lượng chức năng phải khẩn cấp khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để phòng-chống dịch.
Trong sáng 25-10, hơn chục địa điểm dịch tễ liên quan đến 3 ca mắc Covid-19 nói trên đã được ngành chức năng địa phương tiến hành phong tỏa tạm thời và triển khai các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định. Trường hợp F0 Đ.T.P. là nhân viên y tế Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) trong lịch trình di chuyển có một số mốc dịch tễ đáng lưu ý như: Ngày 14-10-2021, chị P. tham gia hội nghị viên chức và người lao động tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. Trong 2 ngày 14 và 15-10, chị này có mặt tại UBND phường Yên Đổ để hỗ trợ đo huyết áp cho các đối tượng đến tiêm vắc xin phòng Covid-19...
Ông Đặng Ngọc Thắng-Chủ tịch UBND phường Yên Đổ-cho biết: Sau khi có thông tin ca mắc Covid-19 cộng đồng trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 phường đã báo cáo nhanh về Ban Chỉ đạo thành phố, đồng thời họp khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng-chống dịch. “Chúng tôi lập tức khoanh vùng các địa điểm dịch tễ liên quan trên địa bàn, phối hợp với lực lượng chức năng nhanh chóng truy vết F1, F2 và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan. Chị Đ.T.P. tham gia hỗ trợ phường khám sàng lọc tiêm vắc xin phòng Covid-19 nên chúng tôi đề xuất lấy mẫu xét nghiệm cho gần 1.300 người đến tiêm phòng vắc xin trong 2 ngày đó. Trong sáng 25-10, lực lượng chức năng và các tổ Covid cộng đồng trên địa bàn đã phổ biến đến tất cả người dân biết địa điểm lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K để phòng-chống dịch. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm mẫu, Ban Chỉ đạo phường sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp phòng-chống dịch phù hợp theo quy định”-ông Thắng thông tin.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn phường Yên Đổ (TP. Pleiku) sáng 25-10. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn phường Yên Đổ (TP. Pleiku) sáng 25-10. Ảnh: Như Nguyện
Tại tổ 6 (phường Yên Đổ), ngay trong sáng 25-10, bà Đỗ Thị Bốn-Tổ trưởng kiêm Tổ trưởng tổ Covid cộng đồng cùng các thành viên đã nhanh chóng thông tin đến người dân về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. “Tổ 6 có khoảng 100 công dân đến tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong 2 ngày 14 và 15-10. Sau khi được thông báo, ngay trong sáng 25-10, người dân đã đến khu vực lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc theo quy định”-bà Bốn nói.
Trước tình hình xuất hiện ca F0 trong cộng đồng, Trung tâm Y tế TP. Pleiku phối hợp chặt chẽ với các lực lượng triển khai phòng-chống dịch theo quy định, nhanh chóng khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng để kịp thời phát hiện và bóc tách F0  ra khỏi cộng đồng (nếu có), không để dịch bệnh lây lan. Ông Phạm Thanh Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố-cho hay: “Ca F0 là nhân viên y tế học đường có lịch trình di chuyển dày đặc và tiếp xúc với nhiều người, tham gia khám sàng lọc trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại phường Yên Đổ dẫn đến công tác truy vết hết sức khó khăn. Hiện tại, ca F0 này chưa xác định được nguồn lây”.
Trao đổi về công tác triển khai phòng-chống dịch trong tình hình mới, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Sáng 25-10, sau khi nhận thông tin về các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch thành phố đã chỉ đạo các phường có ca mắc cộng đồng triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định. Trong đó, lực lượng chức năng tập trung các biện pháp khoanh vùng, tiếp tục rà soát, truy vết nhanh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan đến các F0, thực hiện biện pháp cách ly theo quy định. Chủ tịch UBND TP. Pleiku khuyến cáo: “Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị người dân không hoang mang, không lơ là, chủ quan mà luôn cảnh giác và tích cực phối hợp trong công tác phòng-chống dịch. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, khi phát hiện có trường hợp đi từ vùng dịch về, có biểu hiện ho, sốt, khó thở ở địa phương mình thì báo ngay cho chính quyền và ngành chức năng để kiểm tra, xử lý kịp thời”.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?