Pleiku chỉnh trang đô thị đón xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian này, chính quyền và các ngành chức năng của TP. Pleiku đang gấp rút chỉnh trang đô thị, giúp phố phường thêm khang trang, sạch đẹp để người dân vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Đường thông, hè thoáng

Năm 2023, từ nguồn ngân sách và sự chung tay đóng góp của người dân, TP. Pleiku đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng đô thị. Cụ thể, triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3-11-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku khóa XII về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, năm qua, thành phố đã đầu tư hơn 648 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng 14 tuyến đường giao thông.

Đến nay, 8 tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện trong dịp Tết, đồng thời góp phần tạo bộ mặt khang trang cho đô thị.

Diện mạo đường Phạm Văn Đồng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: T.D

Diện mạo đường Phạm Văn Đồng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: T.D

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Lê Đại Hành (đoạn từ ngã ba Vạn Kiếp đến ngã tư Biển Hồ) có chiều dài 3,61 km với tổng kinh phí đầu tư 124 tỷ đồng. Đến nay, tuyến đường này cơ bản đã hoàn thành các hạng mục như: nâng cấp, mở rộng mặt đường lên 21 m; dải phân cách, bó vỉa, vỉa hè, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng…

Ông Tô Văn Quý (tổ 2, phường Yên Thế) chia sẻ: “Đến nay, bộ mặt đô thị Pleiku được chỉnh trang sạch đẹp. Các tuyến đường trên địa bàn như: Tôn Đức Thắng, Lê Đại Hành trở nên thông thoáng, sạch đẹp. Cùng với đó, hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo giao thông, cờ hoa, đèn led… được bài trí hợp lý, đẹp mắt. Nhà tôi cũng trang hoàng phía trước sân thật rực rỡ với cây xanh, hoa mai, hoa đào… để đón Tết”.

Cùng với đó, trong năm 2023, UBND thành phố đã triển khai giải tỏa 11 vị trí “nút thắt cổ chai” trên các tuyến đường gồm: Chi Lăng (4 vị trí), Nguyễn Hữu Huân (6 vị trí), Nguyễn Tri Phương (1 vị trí) và đang tiếp tục trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng các vị trí thuộc dự án mở rộng chỉnh trang đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, thành phố đẩy mạnh xã hội hóa công tác cải tạo và xây dựng vỉa hè 9 tuyến đường với tổng kinh phí gần 71,7 tỷ đồng. Cụ thể, đã làm vỉa hè các tuyến đường: Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ, Lê Duẩn, Quang Trung, Phan Bội Châu, Trường Chinh, Nguyễn Tất Thành, Yên Đỗ, Thống Nhất (đoạn trước Nhà lao Pleiku) và cải tạo vỉa hè một số khu vực công cộng.

Ông Nguyễn Văn Tư (tổ 3, phường Hoa Lư) cho hay: Thời gian qua, thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường, góp phần tạo bộ mặt đô thị khang trang. Người dân chúng tôi đồng thuận đóng góp tiền để làm vỉa hè các tuyến đường (người dân đóng góp 25%, Nhà nước 75%), chung sức xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

“Hàng loạt vòng xoay trên địa bàn thành phố cũng được cải tạo bồn kiểng, cắt tỉa tạo dáng cây xanh trong các công viên, tăng cường cây hoa với các chủng loại có màu sắc đẹp, tươi sáng để tăng cường cảnh quan thẩm mỹ trong dịp Tết Giáp Thìn”-ông Tư phấn khởi nói.

Còn bà Trần Thị Oanh (tổ 4, phường Trà Bá) thì cho biết: “Các tuyến phố sầm uất như: Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… ngày thường đã nhộn nhịp, dịp giáp Tết càng thêm rực rỡ cờ hoa, lộng lẫy đèn màu, cùng nhiều pa nô, khẩu hiệu chào đón xuân mới.

Cây xanh được chăm chút, cắt tỉa gọn gàng, đẹp mắt. Chúng tôi cũng ngóng chờ đường hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết sớm hoàn thành để đến thưởng lãm, vui xuân”.

Năm 2023, thành phố cũng đã tiến hành thay thế 1.566 cây xanh đường phố và 16.510 cây phân tán phù hợp với đề án trồng cây xanh của Chính phủ, hình thành các thảm cây xanh và vành đai cây xanh đô thị; đồng thời, tiếp tục phát động phong trào trồng cây xanh, hoa, cây cảnh trong khuôn viên cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học và nhà dân.

Qua đó, từng bước cải tạo chỉnh trang hoàn chỉnh các công viên, hoa viên, đảo giao thông, dải phân cách, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị, hướng đến mỗi xã, phường có ít nhất 1 hoa viên, công viên.

Công nhân khẩn trương làm đường hoa Tết tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Tấn

Công nhân khẩn trương làm đường hoa Tết tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Tấn

Làm mới đô thị đón Tết

Theo ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, nhằm tạo bộ mặt đô thị khang trang, tươi mới trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, thành phố đã và đang đẩy mạnh chỉnh trang đô thị. Trong đó, tập trung vệ sinh đường phố và các điểm công cộng.

Đồng thời, tiến hành sơn lại vạch tim đường, vạch bộ hành, vạch dừng tín hiệu giao thông các tuyến đường nội thành; sơn sửa các dải phân cách; sửa chữa và sơn lại các đảo giao thông (Diệp Kính, Lê Lợi-Quang Trung, Hoa Lư, Trường Sơn-Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo-Nguyễn Văn Trỗi, Quang Trung-Phan Bội Châu, Quang Trung-Hai Bà Trưng, Hùng Vương-Trần Hưng Đạo, Hùng Vương-Lê Lai).

Chỉnh trang, chăm sóc hệ thống cây xanh, hoa, cây lá màu, thảm xanh các công viên, hoa viên nội thành, các đảo giao thông, dải phân cách; xây các hố cây xanh bằng các vật liệu như đá bazan, đá granite trên các đường chính nội thành.

Cùng với đó, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai dọn vệ sinh tại khu vực chợ, trung tâm thương mại, nhất là tăng cường nhân lực để dọn vệ sinh trong đêm Giao thừa tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng của thành phố đang gấp rút lắp đặt hệ thống điện trang trí tại một số tuyến đường; cải tạo một số đảo giao thông, xếp đặt 430 chậu hoa trang trí trên các tuyến đường trung tâm, công sở và một số điểm công cộng; xếp 350 m2 hoa trang trí các loại tại 8 nút giao thông; nhất là xếp giàn hoa trang trí khung chữ “Mừng Đảng, mừng Xuân năm 2024” trước trụ sở liên cơ quan (đường Trần Hưng Đạo).

“Đặc biệt, với mục tiêu phát triển TP. Pleiku theo hướng vừa hợp lý, hài hòa, đồng bộ, vừa phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, năm nay, thành phố lên ý tưởng thiết kế đường hoa Tết Nguyên đán 2024 với chủ đề “Cao nguyên xanh-Khát vọng vươn xa” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Tổng kinh phí thực hiện hạng mục công trình này 1,7 tỷ đồng.

Trong đó, tập trung xây dựng những hình tượng văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên Gia Lai kết hợp với linh vật của năm 2024.

Theo đó, đường hoa gồm 1 cổng chào bố trí phía đường Trần Hưng Đạo, sử dụng hình ảnh cồng chiêng Tây Nguyên và linh vật của năm cách điệu thành điểm nhấn cho trục đường Trần Hưng Đạo và 1 cổng phía Bảo tàng tỉnh, tổ chức không gian đi bộ dưới khung vòm với hình ảnh linh vật truyền thống.

Đồng thời, tổ chức 2 cụm hoa chính đối xứng, dùng hình tượng linh vật rồng uốn lượn giữa nước, khát vọng vươn lên từ hình ảnh truyền thống “cá chép hóa rồng” và bố trí 1 cụm hoa phụ kết nối các không gian hoa liên tiếp trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Đường hoa hứa hẹn sẽ là điểm vui xuân thú vị của người dân Phố núi và du khách”-Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố thông tin.

Khẩn trương làm đường hoa Tết tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Q.T

Khẩn trương làm đường hoa Tết tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Q.T

Theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố: “Chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng-chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; nhất là không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo nổ trái pháp luật”.

Nhằm tạo mỹ quan đô thị khang trang, sạch đẹp, UBND các xã, phường cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cam kết và thực hiện có hiệu quả kế hoạch đảm bảo trật tự đô thị gắn với việc thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND phường Hoa Lư-chia sẻ: “Phường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Đồng thời, huy động đoàn viên, thanh niên tổ chức tháo dỡ các bảng hiệu quảng cáo, rao vặt sai quy định trên thân cây, cột điện, tường rào, tường nhà; các làng, tổ dân phố chủ động tổng vệ sinh làm sạch đẹp đường hẻm và các khu vực bị ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, chúng tôi cũng đã phát động phong trào toàn dân tham gia dọn vệ sinh, chỉnh trang tường rào, sân vườn, khu vực nhà ở, đường hẻm khu dân cư và ở các khu vực công cộng nhằm tạo bộ mặt khang trang, sạch đẹp trong dịp Tết đến, xuân về”.

Có thể bạn quan tâm

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.

Xu hướng thiết kế nhà ở Gia Lai: Không gian sống hiện đại, thân thiện môi trường

Xu hướng thiết kế nhà ở Gia Lai: Không gian sống hiện đại, thân thiện môi trường

(GLO)-

"Nhà là nơi để trở về" điều này không chỉ phản ánh ý nghĩa tinh thần mà còn gợi nhắc tầm quan trọng của việc thiết kế nhà ở nhằm nâng cao chất lượng sống. Nhà ở hiện đại được bố trí không gian xanh thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng tại Gia Lai.

Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...
Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Hơn 1 triệu người dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên ngày đêm bức xúc, mong ngóng các bộ, ngành khắc phục "sai lầm thế kỷ" khi quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak, trả lại nước cho sông Ba.