Pleiku cần đánh giá nguy cơ để triển khai phù hợp các biện pháp phòng-chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 24-8, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai có Công văn số 310/CV-BCĐ về việc triển khai một số biện pháp khẩn cấp liên quan đến các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn TP. Pleiku.

Theo đó, để kiểm soát, khoanh vùng hiệu quả, hạn chế thấp nhất khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, đảm bảo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống dịch, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; UBND-Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai khẩn cấp các nội dung trọng tâm.

Cụ thể, yêu cầu UBND-Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch TP. Pleiku trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế để triển khai thực hiện phong tỏa các nhà F0: số nhà 242 Trần Phú, tổ 5, phường Diên Hồng và số nhà 27 Vạn Kiếp, phường Thống Nhất; khoanh vùng tạm thời xung quanh các mốc dịch tễ có liên quan; đánh giá lại các mốc dịch tễ của các trường hợp dương tính; tiếp tục truy vết, phân loại đối với các trường hợp tiếp xúc; chủ động áp dụng các biện pháp phòng-chống dịch phù hợp.

Nhân viên y tế điều tra thông tin y tế trước khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế điều tra thông tin y tế trước khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: Như Nguyện


Cử các lực lượng liên quan phối hợp với Đội phản ứng nhanh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thực hiện truy vết khẩn cấp, khoanh vùng rà soát kỹ để phát hiện kịp thời, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và cách ly tập trung đối với tất cả các đối tượng F1; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức cách ly tại nhà đối với các trường hợp F2 và tự theo dõi sức khỏe tại nhà đối với các trường hợp F3, F4 liên quan đến các ca bệnh tại địa chỉ 242 Trần Phú; 27 Vạn Kiếp; khu vực vựa rau cô Linh Vy tại xã An Phú.

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo, hiện nay, trên địa bàn TP. Pleiku có ca F0 lây nhiễm trong cộng đồng; đang tích cực khoanh vùng và kiểm soát. Yêu cầu UBND-Ban Chỉ đạo TP. Pleiku tăng cường công tác kiểm tra, không lơ là, chủ quan, đánh giá nguy cơ để triển khai phù hợp các biện pháp phòng-chống dịch trên địa bàn quản lý; thực hiện tạm dừng các hoạt động không thiết yếu, các hoạt động tập trung đông người để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định trong phòng-chống dịch, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; tiếp tục tăng cường hoạt động hiệu quả của tổ Covid cộng đồng; đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và hỗ trợ cho người dân trong khu vực khoanh vùng, cách ly.

Tiến hành phun khử khuẩn tại nhà của các ca bệnh dương tính nói trên, các địa điểm có ca dương tính đã đi qua. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trọng điểm sau 72 giờ, rà soát, đánh giá kỹ về chùm ca bệnh liên quan đến khu vực vựa rau Cô Linh Vy tại xã An Phú và các vùng lân cận: Đak Đoa, Mang Yang, chợ đêm Pleiku.

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Triển khai Đội phản ứng nhanh, các lực lượng truy vết phối hợp với UBND-Ban Chỉ đạo TP. Pleiku thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và xử lý môi trường để đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tiếp tục khẩn trương mở rộng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đối với các đối tượng F1, tuyệt đối không để bỏ sót các đối tượng nguy cơ cao và các mốc dịch tễ liên quan. Rà soát, điều tra dịch tễ đối với trường hợp ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai và chùm ca bệnh có liên quan đến tài xế xe tải chạy tuyến Gia Lai-Đà Nẵng chở rau cho chợ đầu mối Hòa Cường, TP. Đà Nẵng.

Chuẩn bị nội dung triển khai công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại cuộc họp trực tuyến từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn để triển khai cấp bách các biện pháp phòng-chống dịch trong thời gian tới. Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 phù hợp trong tình hình mới; điều chỉnh nội dung Công văn số 226/CV-BCĐ ngày 30-7-2021 của Ban Chỉ đạo tỉnh về hướng dẫn tạm thời áp dụng các hình thức cách ly y tế để phòng-chống dịch Covid-19.

Yêu cầu Sở Y tế chấn chỉnh lại các đơn vị cử nhân viên y tế kiểm soát tại các chốt phải đáp ứng năng lực chuyên môn, có trách nhiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định; triển khai tổ chức xét nghiệm tại các chốt để kịp thời sàng lọc, phát hiện các trường hợp có nguy cơ cao tại các chốt kiểm dịch. Yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức xét nghiệm trọng điểm tại các yếu tố nguy cơ sau 72 giờ. Kích hoạt Bệnh viện Đức Cơ để điều trị bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh khi phát hiện dương tính.

Về việc xử lý đối với chùm ca bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai: Giao Sở Y tế cử đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 của Bệnh viện để đánh giá lại công tác phòng-chống dịch; tổng hợp danh sách bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện từ ngày 13-8 đến ngày 17-8, kể cả nhân viên y tế có liên quan và giao Bệnh viện có kế hoạch phân loại, tổ chức xét nghiệm để ngăn chặn mầm bệnh lây lan trên diện rộng.

Thông báo cho các cơ quan, đơn vị, địa phương biết danh sách các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lưu trú tại bệnh viện trong thời gian nêu trên để tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định. Yêu cầu Bệnh viện xây dựng phương án "Bệnh viện xanh", phân luồng khám, điều trị chặt chẽ đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Sở Y tế kiểm tra, đánh giá lại các điều kiện cách ly của Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai, nếu đảm bảo thì tiếp tục thực hiện cách ly tại chỗ; xác định lại tất cả các trường hợp F1, F2 và ban hành Quyết định cách ly theo quy định.

Đối với chùm ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Giao Sở Y tế cử đoàn công tác làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh để đánh giá lại công tác phòng-chống dịch Covid-19 của bệnh viện; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp, rà soát, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các trường hợp liên quan đến các ca bệnh đang chạy thận, tại Khoa Lão và Khoa Hồi sức tích cực chống độc trong thời gian ca bệnh lưu trú. Yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh vận hành Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch của đơn vị chủ động, hiệu quả; lên phương án phân luồng, đón tiếp, điều trị bệnh nhân đảm bảo các tiêu chí bệnh viện an toàn. Chỉ đạo đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tự rà soát, đánh giá nguy cơ để chủ động xây dựng các phương án phòng-chống dịch tiếp theo.

 

PHAN KIỀU

 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?