Phục thiện giang hồ: Nữ trưởng công an thôn quả cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù đã nghỉ hưu, nhưng uy danh của bà Trần Thị Minh vẫn để lại sự kính nể trong lòng người dân và chính quyền địa phương. Họ kính nể vì người phụ nữ này từng thu phục nhiều 'dân xã hội', trong đó có cả trùm giang hồ.

Đến thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, H.Núi Thành, Quảng Nam, hỏi bà Trần Thị Minh (sinh năm 1959), ai cũng nói cựu trưởng công an thôn này là "người đàn bà thép" ở đây. Chuyện bà Minh dẹp loạn "dân xã hội" và bắt trùm giang hồ khiến nhiều người ngả mũ.

Mặc lại chiếc áo khi còn làm công an thôn, bà Minh hồi tưởng về thời gian đã qua. Ảnh: Quang Viên
Mặc lại chiếc áo khi còn làm công an thôn, bà Minh hồi tưởng về thời gian đã qua. Ảnh: Quang Viên

Làm trưởng công an thôn vì cái... tướng

Gặp bà Minh, hỏi về chiến công ngày còn làm trưởng công an thôn, bà nói đặc sệt chất giọng Quảng Nam: "Thành tích có chi mô. Thời thế bắt mình phải rứa. Mình là trưởng công an thôn, quản lý địa bàn ni quá phức tạp thì mình ra tay để giữ sự bình yên cho bà con. Có chi to tát lắm đâu".

Bà Minh nói "có thành tích chi mô", nhưng khi tôi thấy tấm bằng khen của Bộ Công an tặng, nên hỏi bà được Bộ Công an tặng bằng khen chắc phải có những đóng góp xuất sắc lắm. "Khêu" như vậy thì bà Minh mới kể: "Tui làm trưởng công an thôn cũng bởi vì cái... tướng". Theo đó, bà Minh xuất thân trong gia đình rất nghèo. Ngay từ nhỏ, bà đã mê những bộ phim hành động bắt cướp nên rất muốn làm nghề cảnh sát hình sự. Nhưng vì nghèo, bà chỉ học đến lớp 2 đã phải nghỉ học, nên đâu dám mơ mình sẽ có công việc gì trong chính quyền thôn, huống hồ gì làm trưởng công an thôn.

Bà Minh giới thiệu bằng khen của Bộ Công an. Ảnh: Quang Viên
Bà Minh giới thiệu bằng khen của Bộ Công an. Ảnh: Quang Viên

Những năm sau giải phóng, khu vực bà Minh sinh sống tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, với 8.000 người dân thì đã có 500 đối tượng thuộc "thành phần xã hội". "Năm 1976, mấy cán bộ trên huyện đến động viên tui rằng con gái có tướng cao to, oai phong ri mà không làm công an thì uổng lắm. Họ đề nghị tui làm công an viên của thôn. Lúc đầu tui cũng ngại, nhưng sau thấy đúng điều mình mong ước nên đồng ý", bà Minh tâm tình.

Nhận nhiệm vụ phải đối diện với những đối tượng nguy hiểm mới ở tuổi đôi mươi, thế nhưng cô công an thôn Trần Thị Minh không thoái chí. Chị đạp xe, lội bộ đi đến các địa bàn hoạt động của "dân xã hội" để tìm hiểu. Nhiều đêm một mình chị nằm ở núi rừng hoang vắng để theo dõi các thành phần bất hảo. Một số kẻ cướp biết cô công an thôn đang theo dõi mình nên đã hăm dọa sẽ xử cô và cả nhà. "Có khi tui cũng thấy cái nghề ni nguy hiểm quá, nhưng nghĩ đến việc cần phải đem lại bình yên cho người dân nên tui quyết tâm theo nghề", bà Minh thổ lộ.

Chiến công đầu tiên ấn tượng nhất là cô công an Minh cùng đồng đội đã tóm gọn một băng cướp sau 5 tháng tìm hiểu, và đã nếm trải "cảm giác mạnh" bằng cuộc đọ súng quyết liệt với bọn cướp.

Tuy nhiều bệnh, bà Minh vẫn không chịu ở không. Ảnh: Quang Viên
Tuy nhiều bệnh, bà Minh vẫn không chịu ở không. Ảnh: Quang Viên

Những chiến tích quả cảm

Người dân trong H.Núi Thành kể lại những câu chuyện về sự gan dạ của bà Trần Thị Minh khi đối mặt với tội phạm mà theo họ "người uống thuốc liều" cũng không dám. Đó là chuyện bà Minh đạp cửa xông vào đoạt dao của một người đàn ông vì ghen tuông mà chém chết vợ. Hỏi thực hư chuyện này, bà Minh nói nhẹ hều: "Lúc nớ tới nhà thấy ông N.H còn lăm lăm cầm con dao trên tay, mặt đằng đằng sát khí, tui sợ ổng sẽ manh động gây họa tiếp. Nên tui nhảy vô chụp lấy con dao và còng tay ổng luôn".

Tuổi xế chiều của cựu trưởng công an thôn

Sau bao nhiêu năm thầm lặng cống hiến cho xã hội, bây giờ ở tuổi ngoài 60, bà Trần Thị Minh vẫn sống một mình trong căn nhà cấp 4 do một người cháu xây tặng. Không còn sức lao động để kiếm sống, mỗi tháng bà chỉ nhận được 700.000 đồng trợ cấp xã hội. Các cháu bà Minh thỉnh thoảng mua thực phẩm đến giúp hoặc mời bà về nhà ăn cơm. Bà Minh cho biết hiện đang mang nhiều bệnh như huyết áp cao, tiểu đường, cần có tiền để chữa trị, nhưng cũng không biết xoay xở như thế nào. Trong khi đó dù ở trong hoàn cảnh nào, bà Minh vẫn cố gắng sống mạnh mẽ, cương trực, không muốn phiền người khác.

Một vụ án khác bà Minh nhanh trí ra tay để tránh những hậu quả khôn lường, cũng khiến người dân sửng sốt. Đó là vụ một người dùng súng bắn chết một thanh niên chỉ vì va chạm nhỏ trong đêm văn nghệ ở sân vận động. Hàng ngàn người đi xem văn nghệ nháo nhào tìm đường thoát thân vì thấy người gây ra cái chết của chàng thanh niên xấu số kia vẫn còn lăm lăm khẩu súng trên tay. Ngay lúc đó, bà Minh nhanh trí lấy khăn che mặt nạn nhân lại, rồi nói chỉ bị thương nhẹ thôi, và thuyết phục người vừa gây án mạng đưa súng. Lấy được khẩu súng, bà ôm xác nạn nhân chạy ra đường chặn xe nhờ giúp đưa đi cấp cứu. "Tui cũng không biết tại sao lúc đó mình quyết đoán và liều vậy. Nhưng cái nghề như mình nếu không làm như vậy sẽ khó hoàn thành công việc lắm", bà Minh bày tỏ.

"Xử đẹp" những vụ như vậy, uy danh của bà Minh lên cao. Nhiều băng nhóm tội phạm, thanh niên hư hỏng rất sợ bà. "Hồi đó, nghe tiếng cô Minh "ho", bọn trẻ hay quậy phá, đánh lộn, phạm tội đã "chạy mất dép" rồi", một người dân thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc, cho biết.

Gần 45 năm công tác trong vai trò nữ công an, bà Minh suy nghĩ cái nghề đối diện tội phạm, trong đó có những tội phạm nguy hiểm, cần phải gan dạ, nhanh trí, cứng rắn, quyết đoán để trấn áp. Nhưng mặt khác, có những đối tượng không cần đến vũ lực mà phải kiên trì thuyết phục để họ quy hàng, quay đầu làm người tốt. "Nhiều đối tượng xã hội đen cũng vì hoàn cảnh, vì thiếu hiểu biết pháp luật nên mới sa vào con đường tội lỗi, nên mình cũng phải biết mềm dẻo cảm hóa họ. Có khi phải dùng "chiêu hay" để khuất phục những tội phạm cứng đầu", bà Minh nói.

Tôi hỏi: "Trong suốt thời gian làm công an thôn, bà nhớ nhất "chiêu hay" nào để khuất phục tội phạm nguy hiểm?". Đôi mắt bà Minh bỗng sáng lên, hào hứng hồi tưởng: "Đó là chiêu tui thuyết phục được Phước "ổi", một tội phạm bị truy nã ra đầu thú". Theo lời bà Minh, khi đó Phước "ổi" là một tay giang hồ có số má ở vùng này, nhiều tay anh chị nghe đến tên Phước "ổi" cũng run sợ. Sau nhiều ngày theo dõi, bà trưởng công an thôn tiếp cận được Phước trong quán nước. Tên tội phạm đang bị truy nã này biết không thể thoát thân nên dụ bà Minh nhậu với âm mưu chuốc cho bà Minh say rồi tẩu thoát. Bà Minh nhận lời ngồi nhậu. Uống xong thùng bia thì Phước khai hết tội và tỏ ra ăn năn hối cải. "Tôi nói với Phước nếu em biết ăn năn hối cải thì ngày mai cùng chị lên huyện để đầu thú. Tự đầu thú tội sẽ nhẹ hơn, còn nếu em cứng đầu không tự đầu thú thì chị sẽ bắt em. Em không thể nào thoát lưới pháp luật đâu. Rứa là mai Phước lên công an huyện đầu thú", bà Minh thuật lại.

Sau nhiều năm cống hiến cả tuổi thanh xuân để đem lại sự bình yên cho người dân, giờ đây bà Minh trở về với cuộc sống bình dị trong căn nhà đơn sơ. Hằng ngày, bà vẫn dành thời gian đọc sách báo và lưu tâm nhiều đến những bài báo viết về tình hình an ninh trật tự. "Cô em luôn được người dân thương yêu. Cô xem đó là động lực, là niềm vui của mình", chị Trần Thị Oanh, cháu gọi bà Minh bằng cô, chia sẻ.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.