Phú Quý xa mà gần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các bạn tôi ra đảo Phú Quý là cứ say mê chụp ảnh đá. Tôi thì cứ mân mê từng mõm, cảm giác như được chạm vào quá khứ Hỏa Diệm Sơn còn nóng hổi, bất kể thời gian nguội lạnh
Mấy năm gần đây, nhóm bạn làm báo của chúng tôi ở miền Trung vẫn thường hẹn nhau tranh thủ khám phá những đảo xa trên mọi miền đất nước. Rồi cũng không hiểu từ lúc nào, sổ tay của tôi ngày một đầy hơn những trang ghi chép về đảo Phú Quý. Và rồi tôi hiểu chính hòn đảo này đã níu kéo bước chân tôi không chỉ một lần, mà nhiều lần, mỗi lần đến là mỗi lần khám phá ra những điều thú vị.
Ân tứ của thiên nhiên
Nhớ lần đầu xuống đảo, loanh quanh một hồi tôi vẫn không hết ngạc nhiên trước màu đất đỏ bazan tươi thắm giữa trùng khơi biển xanh sóng vỗ, cát trắng, hòa sắc tươi rói trong bức tranh hùng vĩ và sống động của Hóa Công. Thấy tôi thích thú, anh bạn công tác ở huyện đảo là Đỗ Châu Thọ bật mí: "Xưa đây là núi lửa nên mới có đất đỏ đặc trưng. Nhưng chưa hết đâu, cứ đi tiếp sẽ biết".
Thì ra đây như là ân tứ của thiên nhiên ban tặng con người. Phú Quý từng là đảo núi lửa, là nơi sau cùng núi lửa trào phun trên đất nước Việt Nam (năm 1923). Sự kiện này được các nhà hàng hải và khoa học phương Tây ghi nhận. Trong các hòn đảo nhỏ của quần đảo Phú Quý, có một đảo mang tên Hòn Tro, chính là nơi thoát thai núi lửa, cất giấu nhiều bí ẩn vào lòng đại dương xanh thẳm. Rồi tôi cũng từ đó mà biết trong hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ của Việt Nam, chỉ có 2 địa chỉ núi lửa lưu dấu, đó là Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Phú Quý.
Tôi theo chân Thọ đi bộ khắp đảo suốt mấy ngày trời để thỏa lòng hưởng thụ những gì của thiên nhiên hoang sơ và kỳ thú. Ngoài màu đất đỏ tươi ngỡ như núi lửa vừa phun thì còn đá nữa, cũng mách bảo nhiều sự lạ khiến tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Nhớ một đêm trò chuyện về đất và đá nơi này, lão ngư Trần Quang Đắc nói một câu ngắn gọn: "Anh cứ nhìn kỹ đất và nhất là đá ở đây để hiểu rõ hơn về đảo Phú Quý".
Đúng là đảo có vô vàn khối đá lớn nhỏ trơ gan cùng năm tháng và đều có dạng xoáy trôn ốc, cứ như là trò tinh nghịch tạo hóa. Không! Đấy là những kiệt tác điêu khắc muôn hình vạn trạng mới đúng. Nắng, mưa, bão tố, thời gian đã kỳ công chạm khắc vào muôn vàn khối đá, tạo nên một công viên địa chất hiếm có. Thảo nào các bạn tôi ra Phú Quý là cứ say mê chụp ảnh đá. Tôi thì cứ mân mê từng mõm, cảm giác như được chạm vào quá khứ Hỏa Diệm Sơn còn nóng hổi, bất kể thời gian nguội lạnh.

Tàu thuyền tấp nập quanh đảo Phú Quý
Tàu thuyền tấp nập quanh đảo Phú Quý

Một chuyến tàu mang hàng hóa từ đất liền ra đảo Phú Quý
Một chuyến tàu mang hàng hóa từ đất liền ra đảo Phú Quý
Giàu chất truyền kỳ
Rồi khi nghe người dân địa phương trò chuyện, tôi ngẩn tò te. Đã từng nghe tiếng Việt cổ ở đất Hà Tây (cũ), giọng biển Cảnh Dương, Lý Hòa (Quảng Bình), rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... nhưng giọng biển Phú Quý thì đúng là có một không hai.
Nhớ trên chuyến tàu ra đảo lần đầu, bạn tôi nói "tiếng dân Phú Quý nói cũng là đặc sản đó nghen". Tưởng anh đùa, ra đến đảo tôi mới biết là chuyện thực 100%.
Thật khó mô tả chất giọng của người dân Phú Quý. Không phải là ngữ điệu dân biển miền Nam hay miền Bắc thì hẵn rồi, nhưng ngay cả với giọng miền Trung thì cũng không giống một nơi nào cụ thể. Nghe thoáng như có giọng Quảng Ngãi, có khi là giọng Hội An (Quảng Nam), lại cả một chút giọng Cảnh Dương (Quảng Bình), rốt cuộc vẫn không lẫn vào đâu được và cũng không dễ gì hiểu.
Tất nhiên là tôi phải cậy đến người dân địa phương như Đỗ Châu Thọ để phiên dịch những biến âm không dễ cắt nghĩa. Ví như trên đảo, nổi tiếng sau Bàn Tranh Công Chúa và thầy Sài Nại là ông chánh tổng tên Bùi Quang Diệu, có công dám kiện cả thực dân Pháp đòi công lý, được dân tôn thờ và họ đọc tên ông nghe như là Deo - ông Tổng Deo, nghe rất thú vị.
Lạ nữa là Phú Quý đã hình thành lâu đời với 3 xã, 9 làng nên còn gọi là đảo Chín Làng và giọng nói của 9 làng này cũng khác nhau, dù rất hiểu nhau. Tôi hỏi thì cụ Nguyễn Lãn, nguyên là thủ từ đền thờ Bàn Tranh Công Chúa trên đảo. Cụ trả lời: "Giọng nói các làng khác nhau vì họ đến từ những địa phương khác nhau, thậm chí cách xa nhau nên con cháu nói theo giọng của cha ông, dù có pha loãng nhưng vẫn giữ phần nào gốc rễ". Nhưng lạ là qua bao đời chung sống giữa trùng khơi mà bản sắc giọng nói các làng vẫn không pha lẫn, không tạo nên một giọng nói chung của hòn đảo giàu chất truyền kỳ.
Trông một đêm vui Xuân trên đảo Phú Quý, một đồng nghiệp ở đài tiếp phát truyền thanh - truyền hình trên đảo tếu táo: "Nhân nói chuyện chất giọng đảo Phú Quý, tôi kể anh nghe. Huyện Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận thì ai cũng biết. Nhưng có lần, đài tỉnh về Phú Quý thực hiện một phóng sự, đến các đoạn phỏng vấn người dân địa phương thì phải thêm phụ đề trên màn hình, nếu không thì đến cả khán giả tỉnh nhà cũng... chịu".
Tôi ồ lên. Thú vị quá chừng! 
Hội tụ nhiều luồng dân di cư
Phú Quý (còn gọi là Cù lao Thu hay Cù lao Khoai Xứ, là một huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận) có diện tích chỉ 16 km², cách TP Phan Thiết 120 km về hướng Đông Nam. Hiện đảo chia làm 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh.
Theo tư liệu lịch sử của địa phương này, tuy là một hòn đảo nằm biệt lập giữa trùng dương nhưng dấu tích phát hiện được cho thấy đảo đã được khai phá tạo nên cuộc sống ở đảo từ rất sớm. Trong quá trình khai thác đá quánh, nhân dân tìm thấy những mộ vò lớn có chôn theo một số công cụ lao động như rìu, bôn và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo. Điều này phù hợp với những giai thoại lưu truyền rằng trước khi có sự khai phá thiên nhiên của những con người từ lục địa, ở đây đã có một giống người sinh sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý hội tụ nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Trong đó, người Kinh đóng vai trò chủ thể. Khi bắt đầu phát triển mạnh kỹ thuật đóng thuyền buồm với những chiếc thuyền ra được khơi xa thì cũng là lúc có nhiều người từ lục địa đặt chân lên đảo. Trong một thời gian dài, dân cư ở đây sống trong điều kiện khép kín tự cung tự cấp với những hoạt động kinh tế như trồng trọt, đánh bắt hải sản, một số ngành nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu... Trong đó, ngư nghiệp đóng vai trò chủ đạo.
B.T.C
Bài và ảnh: Phạm Xuân Dũng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.