Phố nhà giàu cũng... nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Covid-19 đã có gần 1 năm hiện diện ở Việt Nam, “thấm đòn” vì dịch này, chắc chắn không chỉ có đối tượng người lao động nghèo, thu nhập thấp.
Cảnh đìu hiu tại phố nhà giàu Phú Mỹ Hưng, khi hàng loạt nhà hàng trả mặt bằng ẢNH: THÚY HẰNG
Cảnh đìu hiu tại phố nhà giàu Phú Mỹ Hưng, khi hàng loạt nhà hàng trả mặt bằng ẢNH: THÚY HẰNG
Suốt buổi sáng đầu năm mới 2021, Hiền, nhân viên chạy bàn một nhà hàng đồ ăn Hàn Quốc ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM ngồi chơi game rồi ngáp dài. Ở thành phố, quán xá sạch sẽ lại gắn máy lạnh nên cũng chẳng có ruồi để đuổi...
Covid-19 đã có gần 1 năm hiện diện ở Việt Nam, “thấm đòn” vì dịch này, chắc chắn không chỉ có đối tượng người lao động nghèo, thu nhập thấp. Phú Mỹ Hưng, Q.7, nơi được mệnh danh là “phố nhà giàu” hay “phố Hàn Quốc” vì tại đây đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ người Hàn sống ở TP.HCM. Song ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều người Hàn Quốc không sang Việt Nam, nên dù Tết Nguyên đán đã cận kề, việc bán buôn, làm ăn ở nơi này vẫn hết sức ảm đạm.

Quỳnh Anh tại gian hàng bán hoa hồng của mình tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ
Quỳnh Anh tại gian hàng bán hoa hồng của mình tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ
Hàng loạt tiệm treo biển cho thuê nhà
Những ngày trước Giáng sinh 2020, thời điểm đáng lẽ kinh doanh vào mùa “hốt bạc” nhất, chúng tôi dạo quanh các con đường như nội khu Hưng Gia 4, Phan Khiêm Ích, Hưng Gia 2, Cao Triều Phát... đếm được hàng chục điểm trả mặt bằng. Đó là nhà hàng, quán ăn, tiệm spa, cà phê... từ nhỏ cho tới diện tích lớn bằng cả căn biệt thự còn chưa dẹp hết bàn ghế, tủ ly và đã treo biển cho thuê nhà. Tiệm cà phê ở đường Phan Khiêm Ích, có thời điểm cả quán chỉ có 1 khách ngồi, chủ ngồi chơi game, nhân viên ngồi ngáp dài.
Trên đường Hưng Gia 4, một người dân chỉ cho chúng tôi quán cà phê trong 1 năm qua mà đổi chủ tới 4 lần, hiện tại khách cũng èo uột. Ông Xuân, người bán cà phê, nước giải khát dạo trên xe máy quanh khu vực tòa nhà Sky Garden hơn 10 năm nay cho biết, chi phí thuê mặt bằng ở đây rất cao, có thể từ 1.500 USD (khoảng 35 triệu đồng) tới 2.400 USD (hơn 55 triệu đồng) trở lên, nếu không kinh doanh hiệu quả thì sớm dẹp tiệm. “Khách bây giờ vắng đi nhiều. Trước tôi bán cả ngày trên dưới 200 ly cà phê, giờ chỉ hơn 100 ly”, ông Xuân nói.
Chị Nguyễn Thu Nga, 34 tuổi, công nhân một công ty may ở TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, mới gia nhập hội những người bán dạo nước giải khát ở các con đường trong nội khu Phú Mỹ Hưng hơn 2 tháng nay. Công ty may ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không có hàng gia công, lương thấp nên chị Nga xin nghỉ việc, lên TP.HCM tìm việc. Một chiếc xe máy, với đủ các loại nước, cà phê, sữa đậu nành, chanh muối, cam... ngày nhiều thu được khoảng 200.000 đồng, ngày ít được hơn 100.000 đồng. “Chủ yếu tôi bán cho những người lao động làm thuê trong các nhà hàng, quán ăn, nhưng dạo này ở đây vắng khách, nhân viên làm được ít tiền thì mua nước của mình cũng ít hơn”, chị Nga chia sẻ.

Tiệm Cà phê 68 vắng khách
Tiệm Cà phê 68 vắng khách
Sụt giảm tới 70% doanh thu
Những ngày đầu năm mới 2021, những ngày được dự đoán nhà hàng, quán cà phê sẽ đông khách khi có nhiều gia đình được nghỉ lễ sẽ đi chơi, ăn uống... thì ở Phú Mỹ Hưng, không khí trầm lắng vẫn vây quanh.
Chị Dương Thị Thu Định, 30 tuổi, người sáng lập lớp học tiếng Việt cho người Hàn Quốc GotoViki (số 22 Hưng Gia 4) nêu một minh chứng rõ ràng cho thấy tình hình ảm đạm của kinh tế năm Covid-19: “Đường phố đều vắng vẻ. Trước đây, tiệm đồ ăn Hàn đối diện công ty không đủ chỗ cho khách ngồi, người ra người vào nườm nượp. Bây giờ thì chỉ có một lúc buổi tối là có khách. Khách phải giảm tới 70% so với trước khi có dịch”.
“Quanh khu này chỉ còn khoảng 4 - 5 nhà hàng là đông khách, còn lại tình cảnh chung là vắng. Các tiệm karaoke, quán nhậu, tiệm làm đẹp, spa... cũng ít khách không kém. Các lớp học tiếng Việt của chúng tôi giảm đi khoảng 30% số lượng học viên. Tôi cố gắng không giảm lương cho giáo viên để giữ chân mọi người, còn mình chắc chắn là lỗ rồi”, chị Thu Định chia sẻ.
Ở tiệm đồ ăn chuyên các món Hàn Quốc, Hiền, một nam nhân viên phục vụ mở điện thoại chơi game suốt buổi sáng và ngồi ngáp vặt. Quán quá sạch sẽ (chắc bởi... ít khách quá) tới ruồi cũng chẳng có để đuổi.
Chúng tôi ghé tiệm đồ ăn Hàn có tên dịch ra tiếng Việt là “Ngôi nhà Sài Gòn”, nằm ở số 74 Phan Khiêm Ích, bạn Phạm Thị Tường Vy, 23 tuổi, quản lý nhà hàng, cho hay mình làm ở đây 5 năm nhưng đây là năm đầu tiên gặp khó khăn như thế. “Trước đây 1 ngày bán hàng thu về được 60 - 70 triệu đồng, bây giờ chỉ được khoảng 20 triệu đồng. Quán chủ yếu phục vụ khách Hàn nhưng bây giờ người Hàn còn ở đây ít lắm. Ông chủ người Hàn còn một tiệm đồ ăn dưới TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương nữa nhưng ở đây đã vắng, chỗ đó còn vắng hơn”, Tường Vy thở dài.
Niềm an ủi Tường Vy duy nhất, đó là “mình vẫn có việc để làm, ngoài kia nhiều người thất nghiệp lắm”. Cô bộc bạch: “Nơi nào cũng khó khăn, lúc này chủ tiệm có giảm lương, thưởng cũng phải thông cảm”. Đối diện với tiệm ăn Tường Vy đang làm, quán Cà phê 68 (số 71 Phan Khiêm Ích) cũng không đông hơn là bao. Trong suốt 3 tiếng buổi sáng 3.1, chúng tôi đếm được chưa tới 10 khách vào dùng đồ uống.
“Khách ghé lai rai. Chủ yếu là khách quen, người Việt. Chúng tôi cố gắng giữ tinh thần phục vụ tốt nhất, đảm bảo cà phê ngon. May là năm rồi, chủ nhà thông cảm nên cho hạ giá thuê mặt bằng. Bình thường là 1.500 USD một tháng, riêng tháng 4.2020 thì được miễn phí bởi tháng đó cách ly xã hội, còn lại mỗi tháng được giảm 20%”, chị Thanh Ngọc, quản lý quán giãi bày.
Kiếm tiền khó, lo tết sốt vó
Không chỉ phố nhà giàu, phố Hàn Quốc “thấm đòn” vì Covid-19, ở những khu vực vốn kinh doanh buôn bán sầm uất khác của TP.HCM, tình hình cũng ảm đạm. Còn hơn 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán nhưng những lao động đang chật vật kiếm tiền càng đối diện muôn ngàn nỗi lo.
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Q.10, TP.HCM, một trong những địa điểm buôn bán sầm uất nhất của TP.HCM, nhất là dịp cuối năm, nhưng tình thế đã hoàn toàn thay đổi vào năm Covid-19 này. Anh Lương Đức Nghĩa, người thầu bãi trông xe vào chợ (đường Lý Thái Tổ) mô tả: “Cuối năm trước thì xe gửi tràn hết cái vỉa hè này, gửi kín cả sân Nhà văn hóa P.1, Q.10. Hai người trông xe một ca, không có thời gian xỉa răng. Năm nay 1 người trông mà ngồi uống trà dài. Hơn 10 tháng nay tôi phải lấy tiền nhà bù lỗ”.
Ở gian hàng bán hoa hồng Đà Lạt lớn nhất chợ, Trần Quỳnh Anh, 20 tuổi, cho biết chưa năm nào hoa ế, phải bỏ đi nhiều như năm nay. “Mọi năm du khách trong và ngoài nước đi thăm thú, mua bán nườm nượp. Năm nay, lúc ế nhất, một ngày em và mẹ bán được 5 bó hồng”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Để xoay xở bán được thêm hàng, Quỳnh Anh mở trang “Hoa tươi Minh Tâm” trên Facebook, tự học cách gói hoa, ai đặt gì sẽ làm như ý và giao tận nơi. Song, số hoa bán được chưa nhiều. “Em chỉ ước sao từ giờ đến Tết Nguyên đán không còn ca Covid-19 nào mới, để bà con trồng hoa hay bán hoa như tụi em có tết”, cô gái buồn rầu nhìn những bó hồng, đồng tiền, cúc héo rũ nơi góc chợ. Đêm nay, người dọn rác sẽ quăng chúng lên xe...
Theo Thúy Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.