Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Sẵn sàng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 15-11, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai có thông báo số 241/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 của tỉnh tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh với các địa phương vừa qua.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở, sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ y tế, công an, quân đội nơi tuyến đầu phòng-chống dịch đã góp phần kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn và đẩy mạnh công tác tiêm chủng, bao phủ nhanh vắc xin. Nhất là trong hơn một tháng qua, khi cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng triển thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các hoạt động dần trở về trạng thái “bình thường mới”.

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Bá Bính
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Bá Bính


Để giữ vững thành quả phòng-chống dịch thời gian qua; quyết tâm phấn đấu kiểm soát, khống chế dịch, tập trung ưu tiên cho công tác tiêm chủng, bao phủ vắc xin nhanh nhất trong 2 tuần tới, UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh; UBND các địa phương, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch các cấp, người đứng đầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai về tiếp tục triển khai cấp bách công tác phòng-chống dịch gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Các ngành, các địa phương chủ động tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án, biện pháp phòng-chống dịch cụ thể, linh hoạt, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.

Các huyện, thị xã, nhất là TP. Pleiku và một số địa phương đang có dịch tập trung triển khai đợt cao điểm phòng-chống dịch Covid-19 trong 2 tuần tới với mục tiêu kiềm chế, kiểm soát không để dịch lây lan, bùng phát. Kiên định các nguyên tắc phòng-chống dịch: “5K + Vắc xin + Công nghệ”; khẩn trương, chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” từ tỉnh đến địa phương và tới từng thôn, làng, tổ dân phố; tuân thủ nghiêm các nguyên tắc: “Khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, truy vết nhanh, xét nghiệm kịp thời, cách ly triệt để và đúng đối tượng, điều trị hiệu quả” gắn với thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả trong phòng-chống dịch; chủ động chuyển dần chiến lược phòng-chống dịch theo hướng mở khi tỷ lệ bao phủ vắc xin đảm bảo.

Ban Chỉ đạo các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai khẩn trương điều tra các mốc dịch tễ liên quan ngay khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, lấy mẫu xét nghiệm để bóc tách các F0 và các F1 ra khỏi cộng đồng sớm nhất có thể, không bỏ sót đối tượng; đánh giá nhanh tình hình dịch và quyết định các phương án phòng-chống dịch kịp thời, chủ động và hiệu quả.

Đối với các địa bàn khoanh vùng, phong tỏa: phải thực hiện nghiêm túc và quản lý thật chặt với phương châm “ai ở đâu, ở yên đó”, đảm bảo công tác y tế, an sinh xã hội và an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, công tác thông tin tuyên truyền.

Các Giám đốc Trung tâm Y tế phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham mưu và chịu sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo cấp huyện trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Chủ động rà soát các nhiệm vụ, nội dung để hỗ trợ kinh phí kịp thời trong công tác phòng-chống dịch; tổng hợp đề xuất UBND tỉnh nếu vượt thẩm quyền hoặc nguồn kinh phí không đảm bảo; quan tâm đến chế độ, chính sách hỗ trợ kịp thời, động viên các lực lượng tham gia phòng-chống dịch tại địa phương từ các nguồn huy động hợp pháp và ngân sách Nhà nước.

Cần đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, phấn đấu trong tháng 11-2021 phủ xong mũi 1 và trong tháng 12-2021 xong mũi 2, đồng thời với việc tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em 12-17 tuổi.

Ban Chỉ đạo cấp huyện chủ trì, chịu trách nhiệm trong công tác tiêm chủng, chủ động xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới; Trung tâm Y tế cấp huyện tham mưu việc tổ chức tiêm vắc xin đến tuyến xã, mở rộng bàn tiêm ở tuyến xã khi số có số lượng lớn vắc xin và đảm bảo giãn cách; thống nhất y tế chịu trách nhiệm thực hiện quy trình, kỹ thuật chuyên môn về tiêm chủng.

Đẩy mạnh truyền thông về các quy trình khi đi tiêm chủng, hướng dẫn sau tiêm chủng, các quy định về giãn cách tại điểm tiêm, các giấy tờ cần mang theo và hướng dẫn giải quyết một số trường hợp đặc biệt cho công dân để đảm bảo công tác tiêm chủng được nhanh chóng, thuận lợi.

Sẵn sàng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan phân tích, đánh giá yếu tố dịch tễ các chùm ca bệnh/ổ dịch tại các địa phương, dự báo tình hình để định hướng hoạt động chuyên môn, tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng-chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch kịp thời, khoa học, hiệu quả…

 

KIỀU PHAN
 

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thịt cóc

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thịt cóc

(GLO)- Mặc dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo về tình trạng ngộ độc do ăn thịt cóc nhưng nhiều người vẫn chủ quan, chế biến không đúng cách dẫn đến ngộ độc, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bé trai 7 tuổi tử vong do sốt xuất huyết Dengue

Bé trai 7 tuổi tử vong do sốt xuất huyết Dengue

Bé trai được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng (có triệu chứng sốc, suy gan, xuất huyết tiêu hóa), sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM) song không qua khỏi.