Phát triển du lịch xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Du lịch xanh hay còn gọi du lịch canh nông (farmstay) là một hình thức du lịch trải nghiệm, thân thiện với môi trường. Du khách khi tham quan sẽ được đưa đến những cơ sở nông nghiệp để tự mình trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất, chế biến sản phẩm hoặc được bố trí ăn nghỉ ngay trong nông trang.
Mô hình farmstay phát triển mạnh tại các địa phương như: Hà Nội, Sơn La, TP. Hồ Chí Minh và nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hơn 5 năm trước, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai được các đồng nghiệp ở Cần Thơ, Tiền Giang đưa đi tham quan mô hình này. Chúng tôi đã được tự tay mình làm kẹo dừa, bánh tráng, miến dong, bánh pizza, được chèo xuồng ba lá len lỏi trên những con mương đầy ắp nước, thưởng thức trái cây ngọt lành ngay giữa vườn.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, làng hoa nổi tiếng Thái Phiên (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là địa chỉ hấp dẫn du khách trong tour du lịch đến xứ sở ngàn hoa. Đến đây, du khách được tự tay cắt những nhành hoa đẹp, hái những quả dâu tây chín mọng ngay tại vườn, được trực tiếp tìm hiểu quy trình chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Gia Lai cũng có những lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp không thua kém bất kỳ địa phương nào. Với hàng triệu ha đất nông nghiệp đang được trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê, hồ tiêu, chanh dây…; chưa kể đến đất trồng lúa, rau xanh cùng hàng chục vạn ha mặt nước nuôi cá nước ngọt, Gia Lai có đủ điều kiện để đầu tư phát triển loại hình du lịch canh nông. Tùy địa hình từng vùng, tùy theo mùa mà có thể phân chia thành các hình thức phù hợp với các khu vực để tổ chức những tour du lịch tương ứng như: mùa thu hoạch mía, mì… ở các huyện Đông Trường Sơn; mùa hái cà phê, hồ tiêu, điều, thu hoạch chanh dây, cạo mủ cao su… ở các huyện phía Tây Trường Sơn.
Ngoài ra, với thế mạnh về mặt nước, chúng ta có thể tổ chức các tour du lịch trên những hồ lớn như: hồ Ayun Hạ, Sê San, Ia Ly và trên các hồ nuôi cá nước ngọt ở Đak Đoa, Kbang. Tại đây, du khách sẽ được chèo thuyền câu cá, lưới cá, cho cá ăn, bắt cá lên chế biến tại chỗ cùng với các món ẩm thực đặc sắc của địa phương như thịt bò một nắng, muối kiến, cơm lam, gà nướng, rượu cần… Ai lại không hứng thú khi vừa được thưởng thức các món ăn dân dã đậm đà hương vị núi rừng vừa nghe âm thanh cồng chiêng, múa xoang với các sơn nữ Jrai, Bahnar!
Du khách tham quan và chụp ảnh kỷ niệm tại vườn chôm chôm ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Vi
Du khách tham quan và chụp ảnh kỷ niệm tại vườn chôm chôm ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Vi
Đặc biệt, ngay tại Pleiku, chúng ta vẫn có thể đưa khách đến các vườn rau sạch, rau an toàn ở phường Thống Nhất, phường Chi Lăng, xã An Phú để khách tự mình tham gia vào quy trình chăm sóc, thu hoạch rau xanh… Đã có XOM Organic Farmstay ở Trà Đa và mới đây, chúng tôi đã được tham quan thêm một mô hình farmstay ngay trong nội thành. Ấy là farmstay của một doanh nhân từng làm việc cho Công ty Hoàng Anh Gia Lai ở Nam Lào nhiều năm trước đây.
Sau khi về nước, anh dành 1,2 ha đất trong một con hẻm trên đường Nơ Trang Long để xây dựng farmstay lấy tên là Pak Song-thị trấn trên cao nguyên Boloven nổi tiếng ở Nam Lào. Vừa trồng rau hữu cơ trong vườn, trồng hoa, cây cảnh, vừa tổ chức cả homestay tại chỗ thoáng mát, thân thiện môi trường và mở quán cà phê, điểm tâm, mô hình farmstay này tuy đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng ngay trong ngày khai trương đã thu hút một lượng khách khá đông; chứng tỏ người tiêu dùng Gia Lai có xu hướng hòa mình với thiên nhiên trong lành và sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.
Không chỉ có thế mạnh về nền nông nghiệp đa dạng, Gia Lai còn có lợi thế quan trọng khác nữa trong đầu tư phát triển loại hình du lịch nông nghiệp chính là hệ thống giao thông thuận lợi, các điểm tham quan, du lịch đều có cự ly không xa TP. Pleiku, có thể đưa du khách đi và về trong ngày, nếu khách có nhu cầu vẫn có thể nghỉ lại đêm tại chỗ với các tiện nghi phục vụ.
Vì vậy, có thể khẳng định, trong khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức du lịch hiện đại này thu hút du khách, nhất là giới trẻ, đặc biệt là farmstay vẫn có thể đóng góp vào ngân sách địa phương và không ngừng góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh một Gia Lai gần gũi, thân thiện môi trường với du khách mọi miền.
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.