Phát triển du lịch ở Vân Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Huyện Vân Hồ có diện tích tự nhiên là 97.984 ha, nằm trên tuyến giao thông Quốc lộ 6 huyết mạch của vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 170km, khí hậu quanh năm mát mẻ, với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, các dân tộc trên địa bàn có nền văn hóa mang những nét đặc trưng, độc đáo riêng được hình thành từ lâu đời tạo ra sự hấp dẫn khách đến du lịch, nghỉ dưỡng.

Du lịch Vân Hồ ngắm hoa Tam giác Mạch. Ảnh: dulichvanho.com
Du lịch Vân Hồ ngắm hoa Tam giác Mạch. Ảnh: dulichvanho.com


Hiện nay huyện Vân Hồ có 27 sở lưu trú và 6 điểm tham quan du lịch. Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng du khách đến Vân Hồ đạt 48.500 lượt người, trong đó khách quốc tế đạt trên 1.800 lượt. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách đến với Vân Hồ đã tăng trở lại, ước đạt gần 81.000 lượt khách; giai đoạn 2020 -2025, huyện phấn đấu đạt 450.000 lượt khách, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 350 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Vân Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Huyện Vân Hồ với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, hoang sơ, môi trường, khí hậu trong lành, mát mẻ. Con người nơi đây cũng rất thân thiện, còn lưu giữ được nét sinh hoạt, văn hoá, các lễ hội truyền thống, đậm đà bản sắc riêng của từng dân tộc. Ngoài ra các món ăn truyền thống dưới đôi bàn tay chế biền khéo léo của phụ nữ dân tộc nơi đây, cùng với các sản phẩm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc đã tạo ra những món ăn độc đáo, hấp dẫn.

Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện Vân Hồ tầm nhìn đến 2030 định hướng phát triển với cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, du lịch - dịch vụ, công nghiệp; hình thành khu đô thị du lịch trung tâm huyện Vân Hồ. Để đạt được mục tiêu, hiện nay Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện đang tập trung lập, hoàn thiện các quy hoạch, ưu tiên thu hút đầu tư; đặc biệt là các dự án phát triển du lịch dựa trên những tiềm năng sẵn có của huyện.

Cùng đó, huyện Vân Hồ nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La với 7 khu du lịch, 10 bản du lịch cộng đồng. Các dự án trong quy hoạch gồm: Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật danh lam thắng cảnh Hang mộ Tạng Mè; danh thắng thác nước Chiềng Khoa, thác Nàng Tiên; danh thắng rừng Pa Cốp; thác Tạt Nàng; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các bản du lịch cộng đồng; đầu tư tôn tạo đền Hang Miếng và các khu di tích lịch sử.

Năm 2021, huyện Vân Hồ đã thu hút 25 nhà đầu tư đề xuất lập dự án và có 2 dự án đã được UBND tỉnh Sơn La quyết định chủ trương đầu tư là dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Heritage Village và khu tham quan vui chơi giải trí Hua Tạt Prestige Resort. Hiện, Vân Hồ có 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 4.100 tỷ đồng.

Với năm dân tộc anh em cùng sinh sống gồm Thái, Mường, Kinh, Mông, Dao. Các dân tộc trong huyện  có truyền thống đoàn kết gắn bó trong lao động sản xuất và giao lưu văn hóa, hình thành, phát triển nền văn hóa cộng đồng đa dạng, phong phú.

Do đó, hiện nay trên địa bàn huyện Vân Hồ đã hình thành các bản làng du lịch cộng đồng như: Bản Phụ Mẫu, Nà Bai, bản Bướt, xã Chiềng Yên; bản Lóng Luông , xã Lóng Luông; bản Thín, xã Xuân Nha; bản Suối Lìn, Hua Tạt, xã Vân Hồ,... với cảnh quan, môi trường sống còn lưu giữ được nét sinh hoạt, văn hóa, cùng với các ngành nghề thủ công truyền thống có thể khai thác để tạo thành những sản phẩm du lịch có giá trị, đem lại nguồn thu và sinh kế mới cho nhiều hộ đồng bào các dân tộc.

Kinh doanh dịch vụ tại điểm du lịch thác Nàng Tiên ở xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp du lịch dịch vụ Chiềng Khoa, Hà Văn Công cho hay: Hợp tác xã đang tiến tới mở rộng quy mô như trồng thêm cây, cải tạo đường đi để có cảnh quan đẹp, thu hút du khách vào chụp ảnh, thuê trang phục dân tộc và thưởng thức ẩm thực dân tộc Thái, giúp du khách có trải nghiệm tốt hơn và ngày càng biết đến thác Nàng Tiên.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ Nguyễn Thị Lư cho biết: Với những tiềm năng, thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi, cũng như giàu bản sắc truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, huyện đã có định hướng về phát triển du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng, du lịch gắn với nông nghiệp trải nghiệm. Để du lịch ngày một phát triển, trong những năm qua huyện đã hỗ trợ các hộ gia đình, các hợp tác xã xây dựng các mô hình vườn cây ăn quả theo hướng VietGAP, an toàn, góp phần cho du khách được trải nghiệm tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Lư cho biết thêm: Hiện nay, với nguồn nhân lực, lao động về du lịch còn hạn chế, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, đồng bào chủ yếu là dân tộc thiểu số, do đó, huyện đã phối hợp với các đơn vị, công ty lữ hành tổ chức các lớp tập huấn cho nhân dân về các kỹ năng trồng trọt hữu cơ để phục vụ du lịch, kỹ năng về công tác lễ tân, giao tiếp; tập huấn về kỹ năng du lịch xanh; tập huần về xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, qua đó đã hình thành các điểm du lịch thu hút khách đến với địa phương.

Với mục tiêu phát triển khu du lịch quốc gia trên địa bàn huyện Vân Hồ trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và vùng Trung du miền núi phía Bắc với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân.

Theo Quang Quyết (TTXVN)

 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.