Phát huy tinh thần tiến công Xuân 1968 trong sự nghiệp cách mạng hôm nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây 55 năm, đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào đầu não địch ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, các thị xã, thị trấn, chi khu, quận lỵ, sân bay, căn cứ của Mỹ và quân đội Sài Gòn trên toàn chiến trường miền Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã giáng cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai một đòn "choáng váng đột ngột", làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của chúng; làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam Việt Nam mà còn làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc cũng như toàn nước Mỹ. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng để lại dấu ấn sâu sắc lịch sử Việt Nam hiện đại.

Quang cảnh lễ ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 tại Trung tâm các Hội nghị Quốc tế ở Paris, Pháp Ảnh: TTXVN

Quang cảnh lễ ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 tại Trung tâm các Hội nghị Quốc tế ở Paris, Pháp

Ảnh: TTXVN

Từ ngày 20 đến ngày 24-10-1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968-kế hoạch tiến công táo bạo "Tết Mậu Thân” lịch sử. Tại Hội nghị này, thay mặt Quân ủy Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng trình bày dự thảo Kế hoạch chiến lược Đông-Xuân-Hè 1967-1968 làm cơ sở cho Bộ Chính trị bàn bạc và thảo luận. Bên cạnh đó, Hội nghị còn dành thời gian nghe báo cáo về tình hình địch của Cục 2, về tình hình ta của Cục Tác chiến-Bộ Tổng Tham mưu, về các kế hoạch tác chiến của Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trên cơ sở đường lối độc lập, tự chủ và thảo luận kỹ các báo cáo, đặc biệt là Kế hoạch Đông-Xuân-Hè 1967-1968 do Quân ủy Trung ương dự thảo, Bộ Chính trị chủ trương tạo một bất ngờ lớn về chiến lược đánh địch. Bộ Chính trị quyết định thời gian mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân, kế hoạch tổng khởi nghĩa ở các đô thị miền Nam.

Quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, các chiến trường, các địa phương nhanh chóng bắt tay chuẩn bị cuộc Tổng tiến công và nổi dậy: xây dựng và hoàn chỉnh phương án, kế hoạch công kích; khởi nghĩa; tổ chức, điều động, bố trí lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị; phân chia chiến trường; tổ chức hệ thống bảo đảm hậu cần; triển khai mạng lưới giao liên từ căn cứ xuống vùng ven, vào nội thành; chuẩn bị khu vực, địa điểm cất giấu lực lượng và địa bàn xuất phát tiến công; điều tra các mục tiêu và nắm tình hình cũng như quy luật hoạt động của địch ở nội đô.

Đồng thời, huy động lực lượng bí mật bằng nhiều đường, nhiều loại phương tiện vận chuyển vũ khí vào nội thành cất giấu... Để khắc phục mọi khó khăn, các địa phương, các chiến trường đã phân cấp, phân hướng, trên dưới đồng thời chuẩn bị.

Trong điều kiện thời gian gấp, chiến trường bị chia cắt, địch có hơn một triệu quân Mỹ và quân ngụy Sài Gòn, quân một số nước đồng minh của đế quốc Mỹ với bộ máy kìm kẹp cùng mạng lưới tình báo, gián điệp, chỉ điểm giăng rộng và trà trộn khắp mọi nơi nhưng ta đã có quá trình chuẩn bị đảm bảo bí mật tuyệt đối và cơ bản hoàn tất trước khi ngày giờ nổ súng bắt đầu.

Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và chủ trương: Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định. Bộ Chính trị quyết định: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích-tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, quân dân miền Nam từ Trị-Thiên đến Khu 5 và Nam Bộ đã tiến công và nổi dậy đồng loạt hướng trọng điểm nhằm vào các thành phố, thị xã, nhất là các hang ổ của địch ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng lớn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên toàn miền, gây cho chúng tổn thất to lớn, nhiều nơi ta đánh chiếm và làm chủ trong nhiều ngày.

Tại Gia Lai, Lúc 0h 55 phút ngày 31-1-1968 (tức mùng 1 Tết), tiểu đoàn đặc công C90, C21 cùng các lực lượng phối hợp đã nổ súng và bộc phá mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu tại các điểm: cơ quan Quân đoàn II ngụy, sân bay Area, sân bay Cù Hanh… phá 45 máy bay lên thẳng, 35 xe các loại, trang thiết bị, cơ sở vật chất của địch, diệt hàng trăm tên địch. Ngay sau đó pháo binh ta liên tục đánh bồi vào các sân bay trong khu vực quân đoàn II, phá hủy khu ra đa, diệt 5 máy bay, đánh khu biệt động quân ở Biển Hồ, diệt ban chỉ huy và 200 tên địch, bắn cháy 15 xe quân sự và 15 máy bay làm rúng động cả vùng phía Bắc thị xã.

Đại đội đặc công C90 có 47 chiến sĩ do Đại đội trưởng Lê Kim chỉ huy xuất phát từ một con hẻm gần lò mổ đối diện Nhà lao Pleiku tập kích vào cơ quan chỉ huy của tỉnh đoàn bảo an ngụy, diệt gần 100 tên…rồi tiến đánh Bộ chỉ huy tiểu khu Pleiku. Đại đội 21 đặc công (C21) xuất phát từ ngã ba đường 14 và 19 đến cầu Hội Phú diệt các chốt bảo an dân vệ, diệt đồn bảo an gần chợ Thần Phong, phát triển lên ngã ba Sư Vạn Hạnh-Hoàng Diệu…

Sau những giờ phút hoang mang, khoảng 5 giờ, địch bắt đầu phản kích quyết liệt. Bộ đội ta kiên cường chống trả nhưng do lực lượng ít, thiếu trang thiết bị nên thiệt hại nhiều. Cuộc giáp chiến giữa bộ binh ta và cơ giới địch diễn ra sau đó rất quyết liệt. Quyết tử đánh địch, cả 2 đại đội C90 và C21 của ta cuối cùng chỉ còn 7 người. Khi màn đêm buông xuống, họ tiếp tục băng qua hiểm nguy tìm cách dìu nhau rút lui về căn cứ…

Tối mùng 1 và mùng 2 Tết, ta tiếp tục pháo kích vào các cứ điểm quan trọng của địch. Thực hiện chủ trương phối hợp với thị xã, các khu nông thôn phụ cận đã huy động lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo tham gia đấu tranh với địch. Các địa phương ở phía Tây, Đông, Đông Nam cũng nổi lên thực hiện phương châm nhiều lực lượng, nhiều mũi tấn công vào các cứ điểm, chính quyền của địch.

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bị động nhất định, sự phối hợp thiếu đồng bộ, cơ sở, trang thiết bị, lực lượng hạn chế… nên tại Gia Lai, ta đã không tránh khỏi những tổn thất. Nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nhìn chung đã diễn ra đúng kế hoạch ở các thị xã, thị trấn, đưa chiến tranh vào tận hang ổ của kẻ thù và loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, trong đó có 1.300 tên Mỹ, phá hủy hàng trăm xe quân sự, pháo, đốt cháy hàng triệu lít xăng, giải phóng 18 ngàn dân, vận động 247 binh lính địch đào ngũ, lập chính quyền thôn, xã ở vùng mới giải phóng.

Trên toàn chiến trường miền Nam, với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã làm đảo lộn chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, đánh bại chiến lược quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sự kiện Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta là lần đầu tiên Mỹ bị đánh bại bởi một dân tộc nhỏ ở cách xa chính quốc Mỹ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đồng thời đã tác động trực tiếp đến đời sống chính trị-tinh thần nước Mỹ, làm cho làn sóng đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược trong nhân dân Mỹ dâng cao. Từ đó, bước ngoặt quan trọng đã mở ra khi ngày 31-3-1968, Tổng thống Giônxơn buộc phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris cũng như không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ kế tiếp.

Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, tinh thần của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tại Gia Lai, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân các dân tộc tiếp tục kiên cường chiến đấu, đấu tranh góp phần làm thất bại âm mưu và các chiến lược chiến tranh của Mỹ-ngụy, trong đó có thắng lợi của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký kết năm 1973, làm phá sản chiến lược chiến tranh của địch, đập tan âm mưu, thủ đoạn chia cắt lâu dài đất nước ta, làm nên thắng lợi vẻ vang-đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước,

Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, 50 năm ký kết Hiệp định Paris, dưới sự lãnh đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của hệ thống chính trị tỉnh, sự đồng lòng đồng tâm của Nhân dân các dân tộc, Gia Lai đã có một năm thực hiện tốt chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Kết quả, 7 nhóm nhiệm vụ theo Nghị quyết về các mục tiêu nhiệm vụ năm 2022 cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh năm 2022 đạt 9,27%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; GRDP bình quân đầu người đạt 60,45 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,67 % so với năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,49% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,05% so với năm 2021. Thu ngân sách ước đạt 5.604 tỷ đồng, đạt 96,2% so với chỉ tiêu nghị quyết. Thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh đã thu hút 17 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 15 ngàn tỷ đồng…Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến và đạt những kết quả nổi bật. Quốc phòng-an ninh, an ninh nông thôn, an ninh biên giới được đảm bảo.

Những kết quả to lớn, toàn diện năm bản lề 2022 có ý nghĩa rất quan trọng chẳng những đối với nhiệm vụ năm kế hoạch mà còn với năm 2023, trong cả nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh. Những kết quả đó thêm một lần nữa minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, của việc phát huy tinh thần cách mạng, truyền thống vẻ vang của Đảng trong kháng chiến đối với công cuộc hòa bình xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, khẳng định ý chí quyết tâm không gì lay chuyển, không khó khăn nào không thể vượt qua của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của quân và dân tỉnh nhà vì một Việt Nam phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc.

T.S

* Bài viết có tham khảo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005).

Có thể bạn quan tâm

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình chị Nay H'Nỡi (thứ 7 từ trái sang, buôn Hiao, xã Chư Băh). Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa lan tỏa tinh thần tương thân tương ái từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Phát huy truyền thống tương thân tương ái, thị xã Ayun Pa, Gia Lai đã vận động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng, hàng trăm gia đình được giúp đỡ, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.