Phát hiện thêm nhiều di tích khảo cổ học tiền sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi di tích Biển Hồ được khai quật khảo cổ (năm 1993), nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành tại một số di tích trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Việc tiếp tục triển khai công tác điều tra khảo cổ học là rất cần thiết nhằm xác định đầy đủ các di tích, lập bản đồ khảo cổ học, tạo dựng cơ sở dữ liệu để làm căn cứ cho công tác quản lý, bảo tồn và nghiên cứu.
Khảo cổ học Gia Lai được biết đến lần đầu với công bố của P.B.Lafont vào năm 1956 (theo “Khảo cổ học tiền sử Tây Nguyên” của tác giả Nguyễn Khắc Sử, Nhà xuất bản Giáo dục năm 2007). Từ năm 1975 đến nay, các nhà khảo cổ học đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, khảo sát và khai quật.
Biển Hồ là di tích được khai quật khảo cổ đầu tiên ở Gia Lai vào năm 1993. Đó là cơ sở để định danh nên văn hóa Biển Hồ. Đến nay, nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành tại các di tích như: Trà Dôm, làng Ngol, Ia Mơr, Bang Keng, làng Gà, Hlang… Đặc biệt, giai đoạn 2015-2019, quần thể di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê được khai quật đã phát hiện một hệ thống di tích khảo cổ có niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay với địa tầng tương đối nguyên vẹn, ổn định.
Gần đây nhất, giữa năm 2022, Bảo tàng tỉnh và Trung tâm Khảo cổ học TP. Hồ Chí Minh (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp khảo sát trên địa bàn huyện Chư Prông đã phát hiện thêm nhiều di tích khảo cổ học thời tiền sử. Bên cạnh việc thẩm tra hiện trạng các di tích khảo cổ đã được biết đến từ trước, cuộc điều tra, khảo sát lần này đã phát hiện thêm một hệ thống di tích gồm 13 địa điểm phân bố trải dài từ phía Đông Bắc đến phía Tây Nam của huyện. Các địa điểm phát hiện mới gồm khu vực phía Bắc hồ Hoàng Ân (xã Bàu Cạn), di tích Sung Khoeng (xã Ia Drăng), di tích Ia Púch hay suối Quýt (xã Ia O), di tích làng Tnao, suối Tu (hay Briềng 1), Briềng 2, Briềng 3, làng Gà 7 (xã Ia Boòng), di tích Chư Kóh, Đội 7, rẫy Kpuih Phát hay Ia Púch (xã Ia Púch), địa điểm đập Ia Mơr, các điểm di tích ở Nông trường Cao su An Biên (xã Ia Mơr).
Phân loại hiện vật sau quá trình điều tra, khảo sát. Ảnh: Xuân Toản
Phân loại hiện vật sau quá trình điều tra, khảo sát. Ảnh: Xuân Toản
Đặc biệt, tại di tích An Biên (thuộc Nông trường Cao su An Biên), các nhà khảo cổ đã ghi nhận rất nhiều mảnh tước, mảnh đá, phác vật công cụ… xuất lộ theo từng cụm dọc theo các rãnh đào sâu khoảng 0,6-0,8 m qua điều tra bề mặt. Dấu vết di vật đá xuất lộ phân bố trên 2 khu vực cách nhau khoảng 200 m, mỗi khu vực có quy mô rộng khoảng 80-150 m với mật độ hiện vật có xu hướng tập trung cao nhất ở phần địa hình nổi cao. Ở khu vực nằm về phía Bắc của di tích, vị trí xuất lộ nhiều mảnh tước, một hố thám sát được mở với diện tích 2 x 2 m (4 m2) nhằm xác định rõ hơn tính chất của di tích. Di vật tìm thấy trong hố thám sát chủ yếu là di vật bằng đá, gồm mảnh tước, vảy tước, phiến tước phác vật công cụ đang trong quá trình chế tác và hoàn thiện. Kỹ thuật chế tác công cụ đá tại các di tích phổ biến với kỹ nghệ phiến tước và tạo ra các công cụ có một mặt cong lồi kiểu “răng trâu”. Các phác vật và phế vật công cụ thuộc loại hình công cụ thuôn dài có vai xuôi lệch, một mặt phẳng và một mặt cong lồi đặc trưng của nhóm công cụ đá phổ biến trong thời đại Đá mới trên địa bàn tỉnh nói riêng và miền cao nguyên Trung phần nói chung.
Như vậy, qua cuộc điều tra các di tích nói trên cũng như từ kết quả thám sát ở di tích An Biên, căn cứ vào đặc điểm kỹ thuật, loại hình công cụ đang được chế tác, các nhà chuyên môn đoán định niên đại các di tích nói trên có niên đại vào khoảng 3.500-4.000 năm BP.  
Hiện nay, việc phát triển nhanh chóng hạ tầng, thay đổi cơ cấu sử dụng đất để phát triển kinh tế khiến cho rất nhiều di sản văn hóa bị mai một, trong đó các di tích khảo cổ học bị tác động tiêu cực, thậm chí bị xóa sổ. Do đó, việc tiếp tục triển khai công tác điều tra khảo cổ học là rất cần thiết nhằm xác định đầy đủ các di tích, lập bản đồ khảo cổ học, tạo dựng cơ sở dữ liệu để làm căn cứ cho công tác quản lý, bảo tồn và nghiên cứu các di tích này trong tương lai.
XUÂN TOẢN

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.