Phải lòng hương mật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chớm phải lòng hương mật nên người thợ săn mật ong rừng vẫn dành cả tuổi xuân miệt mài, rong ruổi tận thăm thẳm rừng sâu để đong đầy những tinh hoa vị ngọt mà thiên nhiên ban tặng.

Họ đơm mật nhưng không tận diệt bởi nếu lấy trọn sẽ mất cân bằng sinh thái nên luôn ý thức gìn giữ “lộc rừng” hơn mươi năm qua trên từng cánh rừng họ đặt chân đến.

Những nấc thang tử thần ở rừng Bà Nà mà hằng ngày ông Bùi Hạnh cũng như anh Tứ, anh Thắng phải vượt qua để lấy mật. Ảnh: H.T.V
Những nấc thang tử thần ở rừng Bà Nà mà hằng ngày ông Bùi Hạnh cũng như anh Tứ, anh Thắng phải vượt qua để lấy mật. Ảnh: H.T.V

Những nấc thang “tử thần”

Sau nhiều lần lỡ hẹn với ông Bùi Hạnh (55 tuổi, thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), người thợ săn mật ong gần 40 năm ở miền này, cuối tuần vừa qua, tôi may mắn được gặp trò chuyện bởi ông bận theo kiểm lâm viên trong vùng đi tuần tra bảo vệ rừng. Hào hứng khăn gói từ sáng sớm, tôi rời trung tâm thành phố, vượt nhiều cung đường ngoằn nghèo và đi chừng 40km về hướng đỉnh Bà Nà - Núi Chúa. Hòa Ninh có gần một nửa diện tích là đồi núi nên cảnh sắc thơ mộng không khác gì rừng Hòa Bắc, có cây, có hoa, có mây xanh lẫn trắng vần vũ trải khắp núi đồi xa xa. Vậy nên, dễ hiểu vì sao ông Hạnh lại yêu rừng, mê rừng, dành hơn nửa đời người gắn bó với rừng.

Gặp ông Hạnh đầu ngõ nhỏ, mới ngoài tuổi 50 nhưng nắng rừng, gió núi làm da ông rám đậm, vết chân chim hằn rõ nơi khóe mắt và dáng người cũng dừ hơn so với tuổi. Ông Hạnh đon đả nói, ngoài thời gian đi săn mật, ông còn tham gia đội tuần tra bảo vệ rừng cùng kiểm lâm viên để sớm phát hiệu dấu hiệu tác động xấu đến rừng. Rồi ông bắt đầu kể về cuộc đời gắn với núi, với rừng, ông Hạnh sinh ra trong gia đình có ba là thợ săn mật có tiếng ở Hòa Ninh, chính vì thế, lớn lên ông sớm được ba hướng dẫn nhận dạng từng con ong, cách lấy mật hay nhận biết từng đường đi, hang hóc ở mọi ngõ ngách trong rừng. Nhờ vậy, quãng thời gian săn mật ong gần 40 năm, gặp biết bao tình huống hiểm trở nhưng ông chưa bao giờ sợ hãi hay e ngại. Dẫu đôi lúc ong đốt sưng mặt, tay, chân hay trượt té cắm mặt trên những con dốc, sườn đồi và mỗi ngày leo lên những nấc thang “tử thần” để lấy mật, nhưng ông chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ nghề bởi nếu bỏ, ông không biết làm gì khác, hơn nữa, niềm đam mê với ong quá lớn nên khó mấy rồi cũng quen.

Ông Hạnh bộc bạch, một ngày không thấy con ong tôi lại thấy nhớ. Nghề lấy mật không thể nói hết sự vất vả phải đối mặt, thậm chí, nhiều đồng nghiệp của ông phải bỏ mạng nơi rừng sâu nhưng nó đã nuôi sống gia đình ông hơn mươi năm qua. Bây giờ, chân mỏi, tay yếu đi nhiều nhưng ông vẫn còn yêu rừng, mê ong nên chưa nghĩ đến việc nghỉ ngơi, ông tự nhẩm đoán, nếu sức khỏe tốt sẽ đi thêm vài năm nữa để chỉ dẫn đứa con trai út và dăm ba đứa cháu học nghề lấy mật kiếm sống. Nói chưa hết câu, ông Hạnh vui vẻ khoe, mật ong năm nay được mùa, bán hơn trăm lít, giá mỗi lít từ 500.000-800.000 đồng, thời điểm cận Tết càng nhiều đơn hàng nhưng chưa đủ mật để bán. Phải đợi hơn tuần nữa, nếu nắng ráo như hôm nay thì sẽ có mật khai thác. Chủ yếu đơn hàng ông bán cho người quen và thông qua mạng xã hội do con trai quán xuyến.

Qua lời thuật nghề săn mật ong của ông Hạnh, trước kia, ông lấy mật ở rừng Cà Nhông, Khe Đương, Khe Áo, Phương Tương, đồi Mặt Trận hay rừng sâu nhất ở ngầm dốc Rùa (tỉnh Quảng Nam), nhưng sau này ông chủ yếu lấy mật của con ong mật (còn gọi là ong khói) ở rừng Bà Nà bởi theo ông, rừng ở đây là rừng nguyên sinh, tán cây xanh rậm, hoa nhiều nên mật khá đẹp, đậm màu, có mùi thơm, vị ngọt mát lành, mỗi lít nặng 1,4 -1,6 ký. Nhóm đi rừng của ông gồm 4 người, khi vào rừng sẽ chia nhóm 2 người tủa ra tìm mật. Từ tháng chín đến tháng hai dương lịch, ông đi rừng non, sáng đi chiều về bởi lúc này mưa nhiều, cây cối dần ngủ đông nên lượng mật khá ít. Mùa cao điểm săn mật từ tháng ba đến tháng tám dương lịch, lúc này, nắng ấm đã lên, khắp rừng nở hoa, là mùa con ong đạt độ chín căng mật nên lượng mật nhiều và chất lượng. Chính vì lợi thế đó, thợ săn phải cực kỳ cẩn thận và có kinh nghiệm xử lý tình huống khi lấy mật bởi con ong đang trong thời kỳ căng mật nên rất dữ, có thể tấn công và đốt thợ săn đến chết. Giai đoạn này, ông và nhóm thợ phải mang theo ống nhòm, lương khô, gạo, ruốc, mắm, muối, võng, màn, bạt và vật dụng cần thiết, ở lại rừng sâu từ 7 - 10 ngày. Ông Hạnh nói: “Ba năm gần đây, tôi sử dụng ống nhòm nên việc tìm tổ ong có phần dễ dàng hơn, trước kia, chưa có ống nhòm, tôi phải trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt dốc đuổi theo ong bay nên tính ra cả đường đi lẫn về hơn 30 cây số. Vì thế, mỗi khi rời rừng là cả nhóm không thể nuốt cơm, chỉ uống mỗi nước, mắt mờ, tai ù đi, chân tay cứ rã rời vì mệt, vì mỏi”.

Theo ông Hạnh, tổ mật ong thường nằm trên thân cây và nhánh cây cao, cây thấp nhất 30 mét và cao nhất lên đến 75 mét. Để lấy những tảng mật nóng hổi, ướt đẫm sương mai, nhóm ông Hạnh tiếp cận và đóng đinh rồi nẹp gỗ lên thân cây thành bậc thang, mỗi bậc cách nhau chừng nửa mét, mang dây bảo hộ rồi leo lên hun khói lấy mật, ông nói đùa rằng, đó là những bậc thang “tử thần” mà mỗi ngày ông đều bước qua, nếu trật một nhịp thì không dám nói trước điều gì. Trung bình những cây ông khai thác mật có độ cao 40 mét sẽ cho từ 7-15 lít mật, chỉ những thợ thạo nghề và leo cây nhuần nhuyễn, mới dám cáng đáng. Như con trai ông theo học nghề hơn 3 năm nhưng vẫn chưa dám leo và xử lý mật ở cây có độ cao tương đương.

Nghe ông thao thao kể về chuyện đời, chuyện rừng mà thấy cái nghề trăm bề khốn khó, việc sống việc chết chỉ cách nhau chừng gang tay có lẽ. Tôi quan sát thấy cánh tay ông có nhiều vết sẹo, ông liền xua tay và nói, cánh tay này cũng hơn trăm muỗi ong đốt, giờ còn đỡ, chứ trước kia, ông đốt cháy mặt, đến nỗi, phải nằm li bì vài ngày mới tỉnh. Theo chia sẻ của ông Hạnh, ong mật có độc, khi đốt chúng sẽ chết nhưng ngòi chứa độc dính vào da, nếu lấy ngòi độc không cẩn thận sẽ khiến chất độc thâm nhập sâu, nhưng tùy theo cơ địa mỗi người mà nặng hay nhẹ. Riêng ông, khi đốt sẽ mệt trong ngày và dần tỉnh táo vào hôm sau. Nguy hiểm và ảnh hướng đến tính mạng là ong bắp cày, ong vàng, ong vò vẽ…

Không tận diệt “lộc trời”

Trên địa bàn xã Hòa Ninh, một thợ săn mật ong khác cũng thành thạo từng đường đi rừng cũng như hướng ong bay là anh Bùi Đức Tứ (42 tuổi, thôn Trung Nghĩa), tuy tuổi nghề ít hơn ông Hạnh, nhưng anh Tứ cũng thấm đẫm mưa rừng, gió núi gần 20 năm. Anh Tứ có khả năng ghi nhớ từng bụi cây, nhành cỏ cũng như những cây đã săn mật hay chưa săn mật. Đỉnh cao hơn, anh Tứ có thể nhìn hướng ong bay, ong uống nước và nhẩm định khoảng 1km gần đó sẽ có tổ ong lớn hoặc nhỏ và có thể nhìn tổ đoán mật nhiều hay ít. Tôi gặp anh lúc anh đang chuẩn bị chuyến đi rừng gần nhà, tuy mùa này hết mật nhưng cũng vì nhớ rừng, quen chân nên anh quyết đi cho đỡ nhớ nghề. Anh Tứ bày tỏ, ban đầu, đến với nghề cũng vì mưu sinh, nhưng dần yêu nghề và gắn bó gần 20 năm lúc nào không hay. Ai là thợ săn mật cũng thấu hết nỗi nhọc nhằn, vất vả nhưng chỉ cần xa rừng, không thấy ong một vài ngày là nhớ không chịu nổi, ăn ngủ cũng mất ngon. Nghề săn mật ong nếu được mùa, trừ chi phí cũng dư giả trang trải cuộc sống nhưng khi mất mùa thì khó khăn, trở ngại vô cùng. Đôi khi may mắn, đi săn gặp tổ ong lớn chừng 20 lít nhưng cũng có lúc quanh quẩn cả tháng trong rừng không có mật là chuyện bình thường. Hoặc trời đang hanh ráo nắng đẹp, bỗng mây đen giăng kín, mưa to đột ngột thì cả nhóm cũng dừng công đoạn lấy mật bởi chỉ cần một giọt nước rơi vào tổ khiến mật bị chua. Nếu mưa kéo dài, cả nhóm đành rời rừng trở về, đợi ngày nắng.

Ông Bùi Hạnh khoe những giọt mật ngọt thơm nơi rừng sâu. Ảnh: H.T.V
Ông Bùi Hạnh khoe những giọt mật ngọt thơm nơi rừng sâu. Ảnh: H.T.V

Theo anh Tứ, cách nhận biết tổ ong nhiều hay ít mật khá đơn giản, nếu tổ ong hình thành hình bầu dục, có hình dáng giống chiếc võng thì đó là tổ lớn và chứa nhiều mật, tổ ong hình tròn hoặc có hình thù khác thường ít mật. Chi tiết này, giúp nhóm anh tiết kiệm thời gian và công sức khi đi rừng. Đồng thời, anh luôn tâm niệm, đôi lúc cả nhóm đóng đinh, trèo lên cây vất vả nhưng tổ ong vẫn chưa đạt đủ yêu cầu lấy mật thì sẽ bỏ và dành cho tháng sau hoặc mùa sau. Song song, khi lấy bánh mật, anh không giết ong cũng như không phá tổ và để lại phần cuống tổ, điều này giúp ong có thể tiếp tục tạo mật trở lại, hành trình này mất khoảng vài tháng. Đó là cách mà 20 năm qua anh cũng như đồng nghiệp thực hiện nên lộc rừng không mất đi nếu người săn biết gìn giữ, nuôi mật dài lâu. Nhờ vậy, mỗi năm nhóm anh thu hoạch gần 500 lít mật, có thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày.

Khi tôi hỏi có khi nào bị ong đốt mà uy hiếp tính mạng hay không, anh cười và nói rằng có, không chỉ một mà đến tận bốn lần, khiến anh khó thở và ngất xỉu, phải đi cấp cứu, nhưng rất may, anh nhanh chóng hồi phục và lại tiếp tục rong ruổi với ong, với rừng. “Khi lấy mật, chúng tôi sẽ mang đồ bảo hộ gồm quần, áo, đội mũ che lưới nhưng ngặt nổi bàn tay thì không thể mang bao tay vì như thế sẽ khó lấy bánh mật và nếu bất chấp có thể trượt bánh mật xuống đất vì trơn. Nên chúng tôi thường để tay trần, nên bị ong cắn là chuyện thường tình và đa số bị lờn vết cắn nên chỉ mệt rồi lại đỡ”, anh Tứ chia sẻ.

Chung nhóm săn mật với anh Tứ, chàng trai Trần Văn Thắng (32 tuổi), rời quê hương Thanh Hóa đến thôn Trung Nghĩa đi săn mật cùng anh Tứ hơn 5 năm qua, còn trẻ tuổi nhưng anh đã xác định hướng đi của ong và leo cây lấy mật khá thuần thục. Anh Thắng cho hay, với tính cách thích khám phá, mạo hiểm nên anh muốn đi theo học nghề săn mật ong từ anh Tứ, tuy vất vả và đầy nguy hiểm nhưng đổi lại thời gian chủ động, thu nhập ổn định để có chi phí gửi về quê phụ giúp gia đình.

Hiện nay, thợ lấy mật ong tập trung ở các xã Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Bắc, riêng Hòa Ninh có số lượng người đi săn mật ong đông nhất ở thôn Trung Nghĩa và Đông Sơn. Mươi năm qua, có nhiều người không trụ nổi sự vất vả, gian khó cũng đành bỏ nghề nhưng ông Hạnh hay anh Tứ vẫn quyết tâm bám nghề, giữ gìn nghề truyền thống gia đình, chắc có lẽ, như cảm nhận của tôi, họ đã phải lòng hương mật ở những tán rừng già, có hoa thơm tinh khiết, vị ngọt mát lành mà đất trời tạo nên.

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.