Ông mù mần ruộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nông nhàn, ông ra đồng giăng lưới, đặt dớn bắt cá, bắt cua. Vô vụ, một tay ông cải tạo đất, gieo sạ, quăng phân bón, lúc nào lúa cũng trúng bể bồ. Và lạ thay, người đó lại là một ông mù hoàn toàn.
Ông Miền mù nhưng sạ lúa không thua gì người sáng mắt - Ảnh: CHÍ CÔNG
Chúng tôi tìm đến nhà ông Tăng Văn Miền trong cái nắng hanh của ngày cuối tháng 12-2019. Qua mấy lối nhỏ nội đồng, cuối cùng chúng tôi cũng đến nhà ông giữa trưa lộng gió ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình (thị xã Long Mỹ, Hậu Giang).

“Ở đồng, tui chỉ biết cây lúa, con cá. Nhưng tui cũng ráng dành dụm để giúp những người mù có hoàn cảnh éo le hơn mình.

Ông Tăng Văn Miền

Rơi vào bóng tối
Một người đàn ông trạc ngoài 60 tuổi bước ra với đôi tay gân guốc lần theo vách tường bong tróc để tìm chỗ ngồi quen thuộc. Hình như ông vừa đi làm đồng về, bàn chân vẫn còn dính bùn và cỏ vướng trên quần áo.
Tóc ông lấm tấm sợi bạc, da ngăm đen, gương mặt hằn nét trải đời vững chãi. Tự mò mẫm pha ấm trà, bẻ trái chuối mời khách, ông tâm sự chuyện bất hạnh đời mình mà giọng cứ rổn rảng, vui tươi...
Tháng 3-1984, chàng thanh niên Tăng Văn Miền nhập ngũ. Đi bộ đội tình nguyện Việt Nam, ông Miền hành quân hàng trăm cây số vượt biên giới qua đất Campuchia để giúp nước bạn thoát nạn diệt chủng man rợ của Khmer Đỏ. Lúc đó, ông Miền được cấp trên phân công làm A trưởng của tiểu đội (6 người) đánh súng cối.
Đối mặt hiểm nguy, thậm chí lúc nào cũng cận kề cái chết, nhưng ông Miền chưa bao giờ nao lòng. Giản đơn, ông Miền nghĩ: "Họ là người Campuchia, tui là người Việt Nam, nhưng giúp dân bạn thì cũng như giúp dân mình. Có lệnh gọi thì tui đi liền, dù biết rằng qua chiến trường K là đi dễ mà khó về".
Ông Miền và đồng đội chiến đấu quên mình. "Ban ngày ở rừng sâu, hốc đá. Ban đêm sương lạnh cắt da, cắt thịt, tui và đồng đội vẫn hành quân liên tục. Chiến tranh khốc liệt, lúc nào tụi tui cũng đối mặt với hiểm nguy. Người thì bị sốt rét rừng quật ngã. Người thì hi sinh hay bị thương đẫm máu" - ông Miền nhớ lại.
"Nhưng cũng thiệt kỳ lạ, đạn pháo như mưa tui không chết, mà chỉ một lần cắt mớ cỏ tranh buổi sớm mai, lom khom tui bất cẩn chút xíu mà bị ngó cỏ tranh đâm vô mắt. Một năm tui điều trị bên Campuchia không hết. Năm 1987, tui được phục viên để tiếp tục chữa trị" - ông Miền chậm rãi tâm sự bước ngoặt cuộc đời.
Vợ chồng ông Miền luôn kề cận giúp nhau vượt qua nghịch cảnh - Ảnh: CHÍ CÔNG
Về nhà, mắt ông Miền cứ đau nhức và sưng đỏ. Ông đến Bệnh viện 121 TP Cần Thơ thăm khám và điều trị. Thuốc men đầy đủ, mắt ông từ từ phục hồi. Bẵng đi thời gian, ông lập gia đình, sinh con. Hạnh phúc cứ thế đến với gia đình người cựu chiến binh. Lo gia đình, ông Miền mải mê tay cuốc tay cày, không một ngày ngại cực. Tuy nhiên, năm 2000, sự rủi ro ngày nào tái phát.
"10 năm trôi qua, tui đinh ninh mắt mình khỏi hẳn. Ai dè hôm nọ nó trở nặng nhức dữ dội. Lên Bệnh viện 121 Cần Thơ khám thì bác sĩ nói mắt phải đã chuyển biến xấu. Một ngày, hai ngày... rồi mấy ngày sau, bác sĩ bảo phải múc mắt phải" - ông Miền kể kỷ niệm khó quên.
Sợ con mắt trái hư theo như bác sĩ tiên lượng, ông Miền tiếp tục điều trị. Tivi, bàn, tủ, lúa gạo... và cả công đất ruộng của gia đình lần lượt đổ vào thuốc. Thậm chí ông còn vay 5 chỉ vàng trị bệnh. Nhưng rồi cũng đến ngày mắt trái ông tiếp tục tối đen, và bác sĩ múc luôn con mắt còn lại này.
"Những ngày đầu không còn thấy gì, chết là điều tui cứ nghĩ đến. Lần đầu tui lần mò ra vườn thòng dây thắt cổ, vợ con hay, tui không chết. Lần 2, lần 3, rồi đến lần thứ 4 tui vẫn còn ý định chết, nhưng dần dần tui bình tĩnh hơn, nghĩ đến 4 con thơ của mình. Tui chết thì khỏe thân tui. Nhưng còn con tui sẽ sống sao?" - ông Miền kể và bảo mình đã gượng dậy từ "bóng đêm" chính là nhờ vợ con.
Mần ruộng, đặt dớn, bắt cua
Thương con, bất chấp mưa nắng, ông Miền cùng người vợ Nguyễn Thị Phượng gần như phải dò dẫm tập mần ăn lại từ đầu. Ông Miền tâm sự: "Đời tui mù lòa coi như hết, nhưng tui không thể để vợ con mình đói khổ".
Làm ruộng ở quê, ngay cả nông dân không phải ai cũng mần giỏi, huống hồ gì ông Miền bị mù hoàn toàn. Chia sẻ cách làm ruộng trong "bóng tối", ông Miền rổn rảng kể: "Có 3 công đất, tui mà mướn người ta mần thì lấy gì gia đình ăn. Tình cảnh buộc tui phải tự tay mần thôi. Không thấy đường, tui cứ đi bừa đi đại. Cây gai đâm chân chảy máu, chảy mủ, nhưng riết rồi tui cũng chai lì. Tui bày cách cho bà xã cầm một đầu dây, và đầu dây còn lại tui buộc vào người mình. Lấy mé bờ ruộng làm chuẩn, tui cứ tự đoán canh khoảng cách để sạ lúa, quăng phân đến hết đất thì thôi".
Vượt rào cản tâm lý mà nhất là thương vợ con, ông Miền cứ thế tập bước qua bóng tối đời mình. Hết làm ruộng, ông còn dò dẫm giăng lưới, đặt dớn cá... Và những cách ông mò mẫm làm khiến ai ai cũng nể.
"Bận đầu, với người mù như tui, mọi thứ chỉ có thể dò dẫm làm bằng đôi tay. Nhưng riết rồi đầu óc tui tự nhiên nhạy dần, tui tập trung định hình và cảm nhận được mọi sự vật xung quanh" - ông Miền nói và kể thêm để có được những khả năng mà bà con cho là "biệt tài" này, nhiều phen ông bị té bầm giập, u đầu, chảy máu là chuyện thường.
Nông nhàn, ông Miền mù ra đồng đặt dớn kiếm cá, kiếm cua - Ảnh: CHÍ CÔNG
Để đặt được một cái dớn đẹp mắt, ban đầu ông Miền cần bà Phượng hỗ trợ. Bà Phượng nói gì, ông làm theo, nhưng bà vợ cũng đâu rành. Có bận vợ chồng hì hục cả ngày đặt không xong cái dớn. Không đành bó tay, gặp ai ngoài đồng, ông cũng đều nhờ bày cách. Họ chỉ, ông không thấy gì nhưng cố lắng nghe và ghi nhớ, lần lần ông cũng đặt dớn tốt hơn. Và đến ngày ông trở thành tay "sát cá", bán lấy tiền lo cho vợ con.
Chỉ thời gian ngắn sau khi bị mù, "ông Miền mù" đã trở thành cái tên được địa phương ai cũng thương, cũng quý. Hình ảnh ông mò mẫm kiếm cá trong mùa nước, rồi vào vụ lúa ông lại tự tay cải tạo đất, sạ giống, đi thăm đồng làm ai cũng nể. Nhà nào có con cái sanh tật, cha mẹ hay dạy: "Nhìn gương ông Miền mù kìa".
Ở cùng xóm với ông Miền, bà Nguyễn Thị Út Khây nói thiệt bụng dạ: "Ổng mù mà đặt dớn không thua người bình thường, đặt ngay thẳng, cá dính đầy nhóc. Còn mần lúa, xịt thuốc, quăng phân, be bờ... ổng làm được hết luôn. Mà lạ nghen, ruộng ổng mần lúc nào cũng trúng hơn của tui".
Vươn lên từ bóng tối

"Bận trước, gia đình anh Miền rất khổ, rồi ảnh lại bị mù. Mọi thứ đã khó lại càng khó hơn, vậy mà vợ chồng vẫn vươn lên. Mần ruộng, đặt dớn, mò cua, bắt cá ảnh đều làm được. Bốn con ảnh người nào cũng ăn học đàng hoàng, biết chữ, biết nghĩa, lễ phép. Nợ nần ảnh vay mượn trị mắt trước đây cũng đã trả hết, sống có tình nghĩa với bà con..." - ông Nguyễn Văn Hiền, phó chủ tịch Hội Người mù thị xã Long Mỹ (Hậu Giang), khẳng định.

Chí Công (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.