Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Vào dịp Tết Trung thu, các gian hàng đồ chơi trẻ em lại nhộn nhịp hẳn lên. Bởi tâm lý cha mẹ, ông bà, ai cũng muốn mua cho con, cháu mình ít nhất một món đồ chơi trong dịp đặc biệt này, thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc và cả những mong muốn dành cho trẻ. Truyền thống văn hóa tốt đẹp đó đã có từ ngàn đời và ngày càng biểu hiện phong phú, sống động trong điều kiện đủ đầy hơn của xã hội hiện đại.

Ngày trước, đồ chơi Tết Trung thu của trẻ em khá khiêm tốn về chủng loại và kiểu dáng, chủ yếu là các loại đèn, trong đó, đặc biệt nhất có lẽ là đèn lồng với nhiều hình dạng, kích cỡ như đèn ông sao, đèn cá chép, đèn con thỏ, đèn con gà, đèn con bướm… Cầu kỳ hơn là những chiếc đèn kéo quân với hình ảnh quan trạng vinh quy bái tổ, người nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu thổi sáo… Những hình ảnh nối nhau rực sáng bên trong chiếc đèn màu liên tục quay vòng không chỉ làm ngỡ ngàng những đôi mắt trong trẻo thơ ngây mà còn giáo dục trẻ em tinh thần hiếu học, tình yêu quê hương đồng ruộng, yêu những con người chân chất, cần cù.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Đó là những chiếc đèn hoàn toàn thủ công, không phải do các nghệ nhân lành nghề làm mà từ bàn tay của ông bà, cha mẹ, anh chị. Đôi khi, chính trẻ cũng được tham gia vào một công đoạn nào đó với bao niềm vui sướng và háo hức. Bao đứa trẻ đã lớn lên cùng những mùa trăng tháng Tám. Bao lớp người được giáo dục về lòng yêu quê hương đất nước, về tình yêu thương đối với con người và muôn loài, về bổn phận và trách nhiệm với gia đình, xã hội qua những chiếc đèn giản dị mà không hề giản đơn như thế.

Tôi cũng đã từng có những đêm Trung thu êm đềm và ngọt ngào thời thơ ấu với những chiếc đèn lồng bằng giấy rất đơn sơ, cha làm cho anh em tôi, khi hình tròn, hình vuông, khi hình quả trám, khi hình ngôi sao, bé xinh và rực sáng như ước mơ tuổi nhỏ. Làng quê ngày ấy chưa có điện, những đêm rằm tháng Tám trở nên lung linh, huyền diệu vô cùng. Đêm Trung thu, chúng tôi háo hức, vui sướng xách đèn trên tay, í ới gọi nhau từ lúc trăng bắt đầu nhô lên trên vòm đa cổ thụ đầu làng. Cả đám tụ tập chơi trò phá cỗ, rước đèn dưới ánh trăng vằng vặc rồi rồng rắn theo tiếng trống tùng rinh đi qua các con đê làng, vòng về sân phơi hợp tác xã. Khi vầng trăng khuya đã treo lơ lửng như chiếc đĩa bạc giữa trời, tiếng reo cười vẫn vang vọng khắp không gian.

Bây giờ, đèn điện đã thay thế cho ánh trăng, đồ chơi đối với nhiều trẻ em là thứ không hề xa lạ, nhất là với trẻ em thành phố. Mỗi gia đình, mỗi cơ quan vẫn đang tích cực quan tâm, chăm lo cho con cháu, tổ chức “Đêm hội Trung thu”, “Vui rằm tháng 8” với các trò chơi, phá cỗ, múa lân, rước đèn, có người hóa trang chị Hằng, chú Cuội trao quà, phát thưởng cho các cháu. Hồn vía của những đêm Trung thu năm xưa vẫn được bảo lưu trong đời sống hôm nay, tiếp tục nuôi dưỡng trí tưởng tượng kỳ diệu cho trẻ, để trẻ được sống trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, lớn lên cùng sự phát triển của thời đại nhưng cũng không quên hướng về cội nguồn.

Ngày nay, cùng sự phát triển của xã hội, đồ chơi Trung thu cũng đa dạng, phong phú hơn về kiểu loại, chất liệu, hình dáng. Dạo qua các gian hàng thấy ngoài các loại đồ chơi truyền thống còn có rất nhiều đồ chơi hiện đại như: mô hình, ô tô, thú nhồi bông, búp bê, siêu nhân, công chúa... Sự phong phú về mẫu mã giúp cho trẻ nhỏ có nhiều lựa chọn và phụ huynh cũng tùy theo khả năng của mình mà đáp ứng nhu cầu, mong muốn của con em. Trung thu này, tôi cũng chọn mua cho con một món quà, đó là chiếc đèn ông sao bằng giấy bóng kính màu đỏ có viền những sợi kim tuyến lóng lánh…

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay của các bậc phụ huynh không phải là làm sao có quà Trung thu cho con, mà là làm thế nào để trẻ được vui chơi an toàn. Bởi không ít đồ chơi Trung thu bày bán trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc, nhiều loại trong đó làm bằng nhựa tái chế, silicon có chất phụ gia, giấy bóng kính nhuộm màu, phủ ion kim loại nặng, hoặc hóa chất độc hại. Các loại đèn với ánh sáng và âm thanh vượt ngưỡng có thể gây hại cho thị giác, thính giác của trẻ... Những đứa trẻ cần được lớn lên trong tình yêu thương của tất cả chúng ta nhưng điều chúng ta đặc biệt cần hơn nữa, nhất là trong bối cảnh hiện nay, là sự an toàn cho sức khỏe và sự an lành cho tâm hồn.

Đứa trẻ nào rồi cũng thành người lớn. Đồ chơi Trung thu chỉ là câu chuyện của thời niên thiếu. Nhưng khi trở thành cha mẹ, ông bà, không ai trong chúng ta lại không dành tất cả tình yêu thương cho con trẻ, nhất là vào dịp rằm tháng 8. Hãy để điều ấy trở thành dòng chảy vô tận, thành sự nối kết giữa truyền thống với hiện đại, thành mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ hôm nay và mai sau!

Có thể bạn quan tâm

Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...
Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

(GLO)- Đôi khi, lòng hay tự hỏi: hoàng hôn dành cho ai, cho người trẻ hay tuổi già? Có phải, hoàng hôn ẩn dụ cho những gì đang gói ghém đi về miền xa cuối? Nó bầu bạn với cô đơn và gợi nhắc cái lụi tàn.
Rau dớn

Rau dớn

(GLO)- Khi đi ngang qua hàng rau trong chợ, tôi đã dừng chân thật lâu trước những bó rau dớn xanh mướt, non mởn của bà con Jrai đem bán. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy món rau dân dã này. Bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Không trả giá, tôi nhanh chóng mua ngay vài bó mang về.

Mùa gặt

Mùa gặt

(GLO)- Nhắc đến Gia Lai, nhiều người sẽ nghĩ đến những dãy núi cao trùng điệp, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát, những rẫy cà phê, cao su ngút ngàn trên đất đỏ bazan trù phú.
Ly cà phê tím

Ly cà phê tím

Sông Túy Loan tím ngát. Những vệt ráng mây in bóng tím. Dãy núi xa xa in bóng tím. Đó là khi hoàng hôn, khi trời nước hoàng hôn, khi lòng người hoàng hôn! Nước nhuốm màu tâm trạng gã “trai Quảng” đã cũ, đã đi qua quãng đời gập ghềnh, sóng gió, nay về soi mặt vào sông quê.
Những cái nắm tay

Những cái nắm tay

(GLO)- “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” từ lâu đã thành câu cửa miệng khi nói về giao tiếp và ứng xử trong giao tiếp. Điều này thể hiện sự bặt thiệp của đôi bên.
Bát nước chè xanh

Bát nước chè xanh

(GLO)- Hồi trước, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ thường uống nước lá vối. Đây là thứ lá rất dễ trồng ở vườn nhà, nước vàng xanh có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.
Khúc giao mùa

Khúc giao mùa

(GLO)- Mấy hôm nay, phố núi Pleiku có dấu hiệu chuyển mùa đổi tiết. Bầu trời không xanh trong miên man như những tháng đầu mùa khô, dù mỗi buổi mai, nắng vẫn ửng vàng trên những vòm cây xanh sẫm.
Cô bán rau

Cô bán rau

Huệ bán rau ở phố này cũng đã hơn hai năm. Ấy vậy mà chẳng ai hỏi tên Huệ là gì. Nếu cần mua rau, người ta chỉ ới một câu trống không: "Này, rau"... là cô đã quay ngay lại rồi.
Trà my quyến rũ

Trà my quyến rũ

(GLO)- Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.
Đợi mùa măng le

Đợi mùa măng le

(GLO)- Khi mới sáng sớm mà trời dày đặc sương và ngày nắng nóng lên đến cực điểm là Tây Nguyên chuẩn bị bước sang mùa mưa, mùa của xanh lúa, xanh nương, mùa thu hoạch của bao nhiêu sản vật dưới tán rừng...