Nước mắt người chiến binh già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bok Miên trở lại làng Đê Đoa (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) sau bao năm xa cách. Những đồng đội cũ, bà con dân làng ai cũng ngỡ ngàng như không tin vào mắt mình. Khách chỉ vài lời bằng tiếng Bahnar, chủ nhà đã nhận ra ngay: “Ồ, bok Miên!”. Rồi họ ôm chầm lấy nhau trong niềm xúc động khi gặp lại người quen cũ.
Ông Hồ Miên hiện sống ở tỉnh Đak Lak. Thời kỳ hoạt động chống Pháp ở Plei Kon, đồng bào đặt cho ông cái tên Pra. Đến thời chống Mỹ, ông về hoạt động phía Nam Tây Nguyên (tỉnh Đak Lak) và lấy bí danh là Lê Chí Quyết. Ông xuất thân là lính Cụ Hồ thuộc Trung đoàn 120, khi về Plei Kon bấy giờ thì được cấp trên điều động về làm Bí thư liên chi bộ xã Nam Đak Đoa và xã Bắc Đak Đoa (bây giờ là xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) kiêm Trung đội trưởng Trung đội 1 vũ trang xây dựng, thuộc Đại đội 1 độc lập (Trung đoàn 120). Năm nay ông tròn 92 tuổi, sức khỏe tốt, đi lại bình thường, trí nhớ minh mẫn.
 Bok Miên. Ảnh: B.Q.V
Bok Miên. Ảnh: B.Q.V
Bok Miên đến thăm bà Kit-người con gái duy nhất còn lại của Anh hùng Wừu. Năm nay, bà đã ngoài 70 tuổi, đang sống một mình trong căn nhà “Đại đoàn kết” nhỏ nhắn nhưng ấm cúng, ngay đầu làng. Bà Kit không thạo tiếng Kinh, cũng không còn nhiều ký ức về người cha đáng kính của mình. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Bahnar. Ông hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống của gia đình, đời sống của dân làng, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công cách mạng. Bok không quên tặng quà và ít tiền dành dụm cho bà. Bà Kit tay run run cầm quà, mắt nhìn bok Miên như ngấn lệ, thể hiện tấm lòng biết ơn đối với người đồng đội của cha mình trong cuộc chiến đầy gian khổ, hy sinh. Bok Miên định đến thăm ngôi mộ bok Wừu (đây là ngôi mộ gió vì bấy giờ theo phong tục Bahnar, bok Wừu chết ngoài rừng nên không thể đưa về chôn trong nghĩa địa của làng). Nhưng theo bà Kit thì ngôi mộ bok Wừu đã làm lễ bỏ mả theo phong tục từ nhiều năm, hiện chỉ còn lại chơ vơ vài cây cột bị mối mọt và mảnh đất hoang phế nên chúng tôi gác lại kế hoạch này. Thay vào đó, bok Miên đề nghị chúng tôi ghé thăm công trình Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu, cách làng Đê Đoa khoảng 1 km, nằm cạnh Trường THCS Wừu và UBND xã Đak Sơ Mei. Công trình khá bề thế nằm trong khuôn viên rộng trên 1 ha với tổng dự toán 7 tỷ đồng, được khởi công đã nhiều tháng nay, dự kiến khánh thành vào quý III-2020.
Bok Miên tâm sự, khi mới ngoài 20 tuổi, được phân công về Đak Đoa nắm địa bàn, xây dựng cơ sở cách mạng thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông đã sát cánh cùng bok Wừu, bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Nam Đak Đoa kiêm Xã đội trưởng. Vào đầu những năm 1950, bok Wừu đã là lớp trung niên, có gia đình với 5 người con nhưng hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, được dân làng tin yêu. Trong gian khổ, ông và bok Wừu gắn bó, đùm bọc nhau như cha con. Khi bok Wừu anh dũng hy sinh, chính tay ông cùng đồng đội đã chôn cất người liệt sĩ ấy vào một buổi chiều tháng 4-1952 bên bờ suối Đak Pơ Kei, dưới chân núi Kon Hring (thuộc xã Hà Đông ngày nay). Chính vì tình cảm sâu nặng đó, khi biết tin tỉnh Gia Lai và huyện Đak Đoa có chủ trương xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu trên chính quê hương Đê Đoa, bok Miên đã dành một phần nhỏ tiền lương hưu của mình để đóng góp vào công trình có ý nghĩa lịch sử này, như chút lòng thành với người đồng đội và dân làng vùng Đak Đoa trung kiên.
Ở tuổi xế chiều nhưng khi đặt chân đến vùng đất được coi là chiến trường xưa, cách nay hơn 60 năm, bok Miên vẫn còn thuộc từng con đường mòn, nhớ từng ngôi làng nhỏ dưới chân núi. Đi qua Plei Bok Rei, ký ức về một ngày đau buồn đầu năm 1951 bỗng ùa về. Khi ấy, 3 đồng chí trong chi bộ của ông đã ngã xuống dưới họng súng kẻ thù. Ông kể, năm đó, một đối tượng nguyên là cán bộ hoạt động ở vùng này do không chịu được gian khổ đã đầu hàng địch và khai báo các cơ sở cách mạng của ta. Bọn lính đồn Đak Đoa cùng với lực lượng tăng cường từ Kon Tum đổ về lồng lộn truy quét ngày đêm. Chúng đã bắt được những đồng chí cốt cán của ta gồm: đồng chí Bao-Chủ tịch kiêm Xã đội trưởng xã Bắc Đak Đoa; đồng chí Bơu-Trưởng thôn Plei Bok Rei và đồng chí Hơp-Trưởng thôn Đê Gir. Khi đưa về Plei Bok Rei, chúng tra tấn 3 đồng chí trước mặt dân làng chừng vài tiếng đồng hồ nhưng chẳng nhận được lời khai báo nào, trái lại còn bị các đồng chí của ta mắng chửi, vạch mặt bọn làm tay sai cho thực dân Pháp, nhổ nước bọt vào mặt, đồng thời lớn tiếng kêu gọi đồng bào hãy đoàn kết, dũng cảm hơn nữa để đấu tranh chống giặc đến cùng. Địch điên cuồng đánh đập tàn nhẫn và lôi các đồng chí ra bìa làng phía Nam Plei Bok Rei bắn chết cùng một lúc. Đó là ngày tang tóc nhất mà anh em cán bộ hoạt động ở cơ sở và nhân dân Đak Đoa không thể nào quên.
Bok Miên cũng đến thăm nhà ông Pich ở làng Đê Plech, người cán bộ năm xưa cùng thời với bok Wừu. Nay đã trên 100 mùa rẫy, tai điếc, mắt mờ, chân đi không vững, nhưng khi nghe cán bộ xã giới thiệu có bok Miên đến thăm thì ông gượng đứng dậy ôm chầm lấy người thân quen đáng kính. Bok Miên kể với chúng tôi: Ông Pich là người rất kiên cường. Ông đã nhiều lần giả dạng là người buôn bán rau quả, đem bí, bắp, gà vào tận trong đồn Đak Đoa bán cho bọn lính để thực hiện nhiệm vụ quan sát nơi ở, bố phòng của địch rồi vẽ sơ đồ cung cấp cho đội công tác. Có lần, ông dẫn bok Miên cùng đồng chí Đại đội trưởng Đại đội 1 đến khảo sát xung quanh đồn địch để chuẩn bị cho trận chiến tiêu diệt đồn Đak Đoa. Ông cẩn thận vẽ sơ đồ chỉ rõ những điểm quan trọng trong đồn, các cửa ngõ dễ tập kích khi công đồn. Nhờ vậy mà sau đó quân ta đã đánh thắng, tiêu diệt được tiền đồn, một cứ điểm quan trọng của địch khống chế cả vùng căn cứ của ta phía Đông Bắc Pleiku. Vậy nhưng, ông Pich vẫn chưa được hưởng chế độ của Nhà nước đối với người có công.
Chia tay với người đồng đội cũ, bok Miên căn dặn cán bộ địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ để bok ký xác nhận, gửi cho cơ quan chức năng làm chế độ cho ông Pich. Trước khi bước ra cửa, 2 chiến binh năm xưa ôm choàng lấy nhau, rồi những giọt nước mắt lăn xuống đôi má bok Miên, như chắt ra từ một nỗi niềm sâu kín dành cho đồng đội, đồng bào đã từng cưu mang, chia sẻ cùng mình trong buổi đầu cuộc kháng chiến. Trong số cán bộ, chiến sĩ của Trung đội 1 vũ trang xây dựng được tăng cường cho Plei Kon ngày ấy có 10 đồng chí đã hy sinh trong chiến tranh, 8 người chết do ốm đau, già yếu; hiện chỉ còn lại 3 người, ngoài ông còn có ông Đỗ Hằng đang ở Đà Nẵng và ông Long ở Hưng Yên (lâu nay ít nhận được tin tức). Không biết đến bao giờ những người đồng đội cũ ấy mới có cơ hội gặp lại nhau để ôn lại chuyện xưa?
 BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.