500 năm trước tại nước Ý đã có những người phụ nữ bất chấp các rào cản và định kiến (không được nhận vào các khóa học vẽ, không được phép kiếm tiền từ việc vẽ tranh) để tạo dựng tên tuổi lẫy lừng trong làng hội họa.
Bữa tiệc ly (The Last Supper) được xơ Plautilla Nelli vẽ năm 1560, dài 6,4m, tả Chúa Jesus và các tông đồ với kích thước người thật. Tranh vừa được phục chế và đưa ra trưng bày tại Bảo tàng Santa Maria Novella cũng ở Florence vào cuối tháng 10-2019 |
Đến thế kỷ 14-15, các cải tiến về chất liệu vẽ là màu dầu và vật liệu nền đỡ là ván mỏng (board) hay toan (canvas) giúp việc vẽ tranh cơ động hơn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc phải trèo lên các giàn giáo để vẽ những bức bích họa đồ sộ trên các nền cố định là vách gỗ, vách tường hay trần nhà.
Điều này mang tới một hệ quả hay ho: phụ nữ dễ theo đuổi mỹ thuật hơn. Nhưng dù có thể cầm cọ vẽ, phụ nữ trong các thế kỷ trước vẫn không được tự do phát triển hết tài năng, khi mà việc mua cọ và màu vẽ cũng phải qua người khác, nhìn ngắm da thịt người khác - cho dù là để tìm hiểu giải phẫu học - cũng bị cho là ảnh hưởng đến phẩm hạnh.
Plautilla Nelli - Tự học vẽ trong tu viện
Sinh ra ở Florence, nay thuộc miền trung nước Ý, Plautilla Nelli (1524-1588) được gửi vào học ở tu viện Santa Caterina di Cafaggio năm 14 tuổi. Là nữ, bà không được gia nhập các hội đoàn mỹ thuật, vốn là tổ chức phụ trách việc mở lớp đào tạo, cấp giấy phép hành nghề và bán tranh cho các họa sĩ. Cũng không phải là con em của họa sĩ để có cơ hội được theo học không chính thức trong xưởng vẽ của người thân, Nelli đeo đuổi đam mê của mình bằng cách tự học.
Họa sĩ và nhà văn hóa Giorgio Vasari (1511-1574) trong quyển sách nổi tiếng Lives of the Most Excellent Painters, Sculptors, and Architects (Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc, và kiến trúc sư xuất sắc nhất) đã viết về cách nữ họa sĩ này kiên nhẫn tự luyện: "Bắt đầu từng chút một để vẽ và bắt chước từng chút một những hình vẽ và màu sắc của các họa sĩ bậc thầy".
Phụ nữ không được bán tranh, nhưng tu viện thì có thể, nên xơ Nelli vẫn được nhiều nhà thờ và giới giàu có Florence đặt hàng. Khi đã có tiếng, bà dạy vẽ cho phụ nữ ngay trong tu viện. Tám nữ tu sĩ đã giúp bà thực hiện bức Bữa tiệc ly (The Last Supper) vào năm 1560, tinh tế đến độ thể hiện cả hoa văn của những món đồ sứ trên bàn ăn.
Thực hiện một đề tài khó với độ trau chuốt đến từng li, họ đã đưa mình lên vị trí ngang hàng các nam họa sĩ. Plautilla Nelli đã ký tên mình vào bức tranh cùng dòng chữ "Hãy cầu nguyện cho nữ họa sĩ", khẳng định vị trí bản thân là một nghệ sĩ thực thụ.
Bữa tiệc ly của bà được xác nhận là tác phẩm duy nhất vẽ bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus do họa sĩ nữ thực hiện trong thời kỳ Phục hưng.
Ván cờ vua của Sofonisba Anguissola, vẽ năm 1555, kích thước 70cm x 94cm |
Sofonisba Anguissola - Tiên phong vẽ cảnh đời thường
May mắn hơn xơ Plautilla Nelli, họa sĩ Sofonisba Anguissola (1532-1625) - con gái một gia đình quý tộc ở Cremona, miền bắc nước Ý - được cha gửi các họa sĩ trong vùng kèm cặp trước khi đến Rome theo học danh họa Michelangelo năm 1554. Được họa sĩ bậc thầy công nhận năng khiếu, Sofonisba Anguissola trở thành tiền lệ để các lớp hội họa ở Ý sau này nhận học viên nữ.
Nhưng tiểu thư nhà Anguissola vẫn bị cấm cản tìm hiểu về giải phẫu cơ thể người nên không thể thực hiện các bức tranh có chủ đề tôn giáo hay lịch sử, vốn đòi hỏi phải mô tả người ở nhiều tư thế phức tạp.
Nữ họa sĩ đành lấy chính mình làm mẫu và vẽ nhiều bức tự họa, trong đó có một bức thực hiện năm 1556 đưa người phụ nữ vào một vị trí hoàn toàn mới, không phải là người bị vẽ vào tranh mà là một người đang vẽ tranh đầy chủ động.
Anguissola thường quan sát người nhà, vẽ họ trong những tư thế tự nhiên, thể nghiệm thành công một loại hình chưa từng có trước đó: tranh mô tả con người trong những sinh hoạt đời thường, chứ không phải trong những tư thế trang nghiêm hay trong bối cảnh của các điển tích. Năm 23 tuổi, Anguissola vẽ bức Ván cờ vua (The Chess Game) với nhân vật chính là các chị em ruột với vẻ mặt và tư thế sống động.
Những bức tranh vẽ người đang hoạt động hay đang nói chuyện đã tạo nên danh tiếng quốc tế cho Anguissola, đưa bà trở thành một nữ quan trong triều vua Phillip II ở Tây Ban Nha vào năm 1559 phụ trách dạy vẽ cho hoàng hậu Isabel de Valois. Tài năng hội họa giúp bà gây dựng gia tài và sống sung túc cho đến khi qua đời vào năm 93 tuổi.
Tự họa ở Easel lúc đang thực hiện một bức tranh thánh của Sofonisba Anguissola, vẽ năm 1556-1557, kích thước 66cm x 57cm |
Lavinia Fontana - Dám vẽ tranh khỏa thân
Cha là họa sĩ, Lavinia Fontana (1552-1614) sớm được học vẽ ngay trong chính xưởng nhà. Xã hội cởi mở ở quê hương Bologna, miền Bắc nước Ý, mang đến cho nữ họa sĩ nhiều cơ hội nghệ thuật hơn phụ nữ ở nơi khác. Bà bắt đầu kiếm tiền từ tranh bằng những bức nhỏ vẽ trên đồng được dùng làm quà mỹ nghệ cho giới ngoại giao.
Năm 25 tuổi, Fontana vừa ngắm mình trong gương vừa vẽ bức chân dung để tặng hôn phu Gian Paolo Zappi. Có tên Tự họa bên đàn Clavichord với người hầu (Self-Portrait at the Clavichord with a Servant), bức tranh được đánh giá là tác phẩm điển hình cho motive đương thời về phụ nữ trong sự cân bằng của hai vai trò gia đình - xã hội, mà trường hợp Fontana là một phụ nữ chu toàn và một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Những năm 1580, Fontana là họa sĩ chân dung rất được giới quý tộc Bologna ái mộ. Ở đỉnh cao sự nghiệp, bà chuyển gia đình đến Rome năm 1603 để vẽ chân dung cho các đời giáo hoàng ở Vatican. Bà thường ký tên Lavinia của mình với họ Zappi của chồng trên các bức tranh, không chỉ vì đã kết hôn mà còn vì ông Zappi thường thay bà vẽ các chi tiết đơn giản trong tranh, quản lý đơn đặt hàng và chăm sóc 11 đứa con.
Nuôi cả gia đình hoàn toàn bằng tiền vẽ tranh, Fontana được ghi nhận là nữ họa sĩ chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử hội họa.
Dù bị cấm vẽ người mẫu không mặc đồ, năm 1613 bà vẫn mạnh dạn thể nghiệm trong bức Minerva đang thay xiêm y (Minerva Dressing) và trở thành nữ họa sĩ đầu tiên trong lịch sử hội họa có tranh khỏa thân.
Các phân tích sau này cho thấy những phần cơ thể của mẫu nude trong tác phẩm của Fontana được tả màu rất hoàn hảo nhưng thiếu cân đối về tổng thể và có phần giống tỉ lệ cơ thể người trong tranh của cha bà. Có thể Fontana đã vẽ khỏa thân theo những kiến thức giải phẫu người do cha truyền dạy.
Bức khỏa thân đầu tiên trong lịch sử do một nữ họa sĩ thực hiện: Minerva đang thay xiêm y của Lavinia Fontana, vẽ năm 1612-1613, kích thước 154cm x 115cm. |
Artemisia Gentileschi - Bất chấp định kiến
Nữ họa sĩ sinh trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 16 có cuộc đời và sự nghiệp sôi động. Là con gái của họa sĩ Orazio Gentileschi, Artemisia Gentileschi (1593-1656) học vẽ trong xưởng của cha ở Rome và ảnh hưởng nhiều từ danh họa Caravaggio, một người bạn của gia đình.
Bị cưỡng hiếp năm 17 tuổi, Gentileschi bất chấp định kiến xã hội thời đó đối với một cô gái bị tai nạn trinh tiết để tham gia các phiên xét xử kẻ hại mình. Nữ họa sĩ từ đó cũng bất chấp định kiến xã hội để tìm tòi và vẽ lên tranh mình những hình ảnh cơ thể không vải che thân.
Gentileschi lấy mình làm mẫu không chỉ trong các tự họa đầy gợi cảm mà cả trong nhiều bức tranh khỏa thân lộng lẫy vẽ Cleopatra hay Venus. Ngoài tài xử lý màu sắc, bố cục và ánh sáng, bà còn có khả năng diễn tả nội tâm nhân vật để tạo ra những tác phẩm tôn vinh phụ nữ có sức hút kỳ lạ.
Từ nét cọ của bà, các nữ nhân vật trong thần thoại hay Kinh Thánh hiện ra mạnh mẽ và chủ động trong những cảnh sát hại kẻ ác là nam giới, mà bức Judith giết Holofernes (Judith Slaying Holofernes) là một điển hình.
Tự họa bên đàn Clavichord với người hầu của Lavinia Fontana, vẽ năm 1577, kích thước 27cm x 24cm. |
Tự họa trong sự diễn dịch hội họa của Artemisia Gentileschi, vẽ năm 1638-1639, kích thước 96,5cm x 73,7cm. |
Tác phẩm này mô tả hai nữ nhân vật tinh tế trong nét cau mày, mím môi và cả cách nghiêng người tránh tia máu phun từ cổ tên bạo tướng. Tài năng đã đưa Gentileschi trở thành nữ họa sĩ đầu tiên được nhận vào học tại Viện Mỹ thuật Disegno ở Florence, nhờ đó bà được phép tự mua vật liệu vẽ mà không cần phải có ý kiến của chồng, tự ký hợp đồng vẽ tranh cho cả những khách hàng lớn ở nước ngoài như vua Charles I của Anh, tự chủ về tài chính và được các đồng nghiệp nam nể trọng.
Năm 1902, khi viết về những tác phẩm hội họa của chị mình, nhà văn Anh Virginia Woolf vẫn còn trăn trở rằng thế hệ của bà có những cô con gái lẽ ra đã trở thành họa sĩ nhưng các ông bố lại "thà chết chứ không cho con nhìn một mẫu khỏa thân nam".
Nhưng ở Ý trước đó hàng trăm năm đã có những người phụ nữ vượt qua các rào cản của thời đại để cầm cọ lên vẽ những kiệt tác, trở thành những nữ họa sĩ đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử. Và với hậu thế, họ không chỉ là những phụ nữ tài hoa, họ là những nữ họa sĩ phi thường.
Theo MAI HƯƠNG (TTO)