Đông Trường Sơn vào mùa lễ hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những rẫy lúa chỉ còn trơ lại gốc rạ suốt dọc đường Trường Sơn Đông vào huyện Kông Chro. Lúa đầy kho cũng là lúc mùa lễ hội của người bản địa Đông Trường Sơn đang đến rất gần.
Đang giữa mùa hoa dã quỳ nhưng ở Đông Trường Sơn tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của những cánh hoa báo đông. Ấn tượng sâu đậm nơi đây là thảo nguyên mênh mông, những căn nhà rẫy chênh vênh giữa ruộng lúa mênh mông vừa gặt, thỉnh thoảng bốc lên một cột khói thơm lừng mùi rơm mới tạo nên bức tranh vừa thực, vừa hư ảo. Đi từ làng này qua làng kia, từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, thỉnh thoảng nghe thấy âm thanh ầm ì như tiếng sấm, lúc rõ ràng, vang động, khi lại thật mơ hồ. Đó chính là tiếng chiêng báo hiệu mùa lễ hội đang đến.  
1. Khi lúa đã thu hoạch, cửa kho đã cài chặt cũng là lúc đánh dấu một mùa nương rẫy đã xong. Người bản địa Đông Trường Sơn bắt đầu nghỉ ngơi để chuẩn bị cho mùa lễ hội, từ làm rượu ghè, dệt váy áo đẹp, đan lát những dụng cụ cần thiết hoặc đơn giản chỉ là qua nhà nhau ngồi chơi, uống rượu... Họ duy trì nhịp sống chậm như thể bỏ quên cả thời gian. Nhưng ẩn dưới sự chậm rãi, âm thầm ấy là không khí chộn rộn trước mùa lễ hội. Chỗ này, những người phụ nữ ngồi trước nhà tỉ mẩn sàng sảy từng nong lúa rẫy. Đó là những hạt lúa để cúng Yàng, tạ ơn mẹ Lúa được người Bahnar suốt bằng tay, nâng niu như những hạt ngọc. Chỗ khác, người ta quây quần bên một ghè rượu rầm rì chuyện trò, bàn tính với nhau về những lễ hội lớn của làng đang đến gần.
Làm rượu cho mùa lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc
Làm rượu cho mùa lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc
Già làng Đinh Hueo (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) cho hay: Dân làng vừa xong một lễ bỏ mả. Nhưng từ nay đến cuối năm, làng hãy còn hai lễ lớn là tang amang (mừng lúa mới) và lễ mừng năm mới. Ăn năm mới xong, hễ nghe tiếng sấm là lại bắt đầu một vụ rẫy mới. Già Hueo bảo, kinh tế khấm khá dần lên nên các làng tổ chức lễ hội ngày càng to, càng vui. Nhưng khác xưa là giờ vừa vui chơi vừa lo làm kinh tế, không “ăn năm uống tháng” như xưa nữa. “Riêng lễ tang amang là truyền thống văn hóa của người Bahnar nên mình phải chọn ngày cẩn thận để làm lễ cúng Yàng”-già Hueo nói.
Lễ hội cũng là nơi để kiểm chứng sự giỏi giang, khéo léo của con trai, con gái Bahnar. Tất cả mọi thứ sẽ phô bày trong ngày hội lớn của làng. Đó không chỉ là ngày để vui mà còn là dịp để mỗi cá nhân tự cảm nhận dòng chảy văn hóa trong huyết mạch của mình. Chị Đinh Chiêu (làng Nhang Lớn) cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội tới gần, chị đã làm 10 ghè rượu từ hạt bo bo, gạo và mì. Chị cũng chuẩn bị váy áo đẹp cho 2 đứa con nhỏ và bản thân để tham gia lễ hội. Điều khiến chị hồi hộp hơn cả là lễ mừng lúa mới của làng sẽ đặc biệt hơn mọi năm bởi có sự tham gia của đội cồng chiêng nữ mới thành lập. “Mình là thành viên của đội chiêng, đã tham gia giao lưu ở huyện nhưng đây là lần đầu đánh trong lễ hội của làng nên cảm thấy rất hồi hộp”-chị thổ lộ.
2. Mùi thơm sực lên từ những ghè rượu xếp hàng ở một góc bếp nhà chị Siu Cú (làng Vơn, xã Yang Nam) bất giác khiến chúng tôi thèm cảm giác vít một cần rượu. Ngay cạnh bếp lửa còn vương hơi ấm, một mẻ cơm khác cũng vừa được chủ nhà rắc men, ủ chín, chuẩn bị cho vào chiếc ghè quý bên cạnh. Chị Siu Cú nói: “Tất cả chỗ rượu này mình làm chuẩn bị cho lễ hội tang amang của làng”. 
Anh Siu Drênh-chồng chị Siu Cú-ngồi trước căn nhà sàn có mặt tiền trên cao, hướng về khoảng không gian mênh mông xanh ngắt của một cánh rẫy. Anh Drênh cho hay, xã Yang Nam trước đây có 13 làng, sau khi sáp nhập còn lại 6 làng, trong đó một nửa là người Jrai, một nửa là người Bahnar. Các lễ hội của 2 dân tộc bản địa tuy diễn ra cùng thời điểm nhưng nghi thức có sự khác nhau. Khi đám rẫy cuối cùng của người Jrai thu hoạch xong cũng là lúc cả làng tổ chức lễ mừng lúa mới. Mọi thứ chỉ diễn ra một ngày duy nhất. Còn người Bahnar mừng lúa mới theo từng gia đình, từng nhóm. Mùa tang amang của người Bahnar kéo dài hơn, vui hơn. “Cùng một xã nhưng làng mình chỉ ăn lúa mới 1 ngày, còn làng Rơn ngay sát bên cạnh lại ăn lúa mới 2 tháng mới xong”-anh Drênh cho biết.
Nếu phụ nữ lo lắng phần “bếp núc” cho mùa lễ hội thì cánh đàn ông lại quan tâm tới những việc trọng đại khác. Theo chia sẻ của anh Drênh, làng đang bàn tính việc tìm nghệ nhân sửa bộ chiêng trước khi tổ chức lễ hội. “Nghệ nhân chỉnh chiêng Ksor Angơll vừa mất tháng trước, làng phải mời nghệ nhân ở Ayun Pa lên làm công việc này. Đa số nghệ nhân chỉnh chiêng vùng Kông Chro đều là người Bahnar nên rất ít chỉnh chiêng Jrai”-anh nói. Vợ chồng Siu Drênh ngỏ ý mời chúng tôi về dự lễ mừng lúa mới cùng với dân làng Vơn vào tháng cuối năm này. Anh nói, làng có 200 hộ, mỗi hộ đã góp 200 ngàn đồng để mua heo, bò. Rượu cho mùa hội cũng đã sẵn sàng. Chỉ chờ già làng xem được ngày lành sẽ làm lễ cúng Yàng, cảm ơn thần linh đã ban cho dân làng một mùa vụ no ấm. Cả làng sẽ mang hết những ghè rượu đã chuẩn bị từ trước để uống chung với nhau. Đó sẽ là một ngày vui say quên trời đất. 
 Nhà rông làng Vẽh (xã Sró, huyện Kông Chro) vừa khánh thành trước mùa lễ hội.                Ảnh: H.N
Nhà rông làng Vẽh (xã Sró, huyện Kông Chro) vừa khánh thành trước mùa lễ hội. Ảnh: H.N
3. Ở làng Vẽh-ngôi làng Bahnar đẹp như một bức tranh ở xã Sró, người dân ăn lúa mới khá sớm. Những ghè rượu uống xong hãy còn tươi xanh màu lá trên miệng xếp dưới gầm nhà sàn là dấu hiệu những cuộc vui vừa tàn. Gầm nhà anh Đinh Chơi cũng xếp đầy những ghè rượu như vậy. Gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên ở làng Vẽh mừng lúa mới. Anh Chơi phấn khởi cho hay: “Nhà nào thu lúa xong trước thì tang amang trước. Nhà mình làm 9 sào lúa, thu hoạch xong hãy còn để ở rẫy chưa mang về. Năm nay được mùa nên nhà mình cúng một con heo to để tạ ơn mẹ Lúa và thần linh. Nhà nào cũng đầy một kho lúa ngoài rẫy nên không còn phải lo lương thực cho đến mùa sau”.
Đinh Chơi còn khoe, làng anh vừa khánh thành nhà rông mới trước mùa lễ hội. Làng mua một con trâu to bên xã An Trung về ăn mừng nhà rông mới. Người làng mang mấy trăm ghè rượu tới xếp từ đầu đến cuối nhà rông uống mừng suốt mấy ngày đêm. Theo tay anh chỉ, chúng tôi đi về phía ngôi nhà to nhất làng. Đó là ngôi nhà rông truyền thống, cao ráo, bề thế ngay cạnh nhà rông cũ. Sàn nhà mới bằng gỗ vững chãi. Đứng từ đây nhìn khắp làng Veh, một bức tranh xanh thẳm của cây cối pha lẫn màu lam xám của những nóc nhà sàn truyền thống. Tiếng trẻ con bi bô đọc chữ từ điểm trường đối diện nhà rông của làng tạo nên âm hưởng vui tươi trong một buổi chiều ở miền sơn cước.
Tôi bước về phía nhà rông cũ. Gió thốc lên sàn nhà, qua khe hở được làm bằng cây nứa đập dập. Ngôi nhà cũ với mạng nhện giăng tứ phía nhưng làm chúng tôi khựng lại trước những lễ vật còn lại của những mùa hội trước. Hàng chục chiếc hàm bò, hàm trâu treo lủng lẳng khắp nơi. Hàng trăm cây nêu được bó lại cẩn thận cất ở một góc nhà cũ. Điều đó xác tín rằng, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống của người làng Veh. Nó hiện hữu sống động qua hình ảnh từng cây nêu trong mỗi mùa lễ hội. Mùa lễ hội mới bắt đầu cũng là lúc cây nêu của mùa hội năm trước được cất đi.
Năm nay, làng Vẽh sẽ đón lễ hội đầu tiên ở nhà rông mới. Suối sông cội nguồn của mọi hoạt động văn hóa từ thời cha ông vẫn đang diễn tiến như thế ở Đông Trường Sơn, như một dòng chảy bất tận dù có thể, sắc thái của những lễ hội đã không còn như nhiều người kỳ vọng.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...