Nữ đại gia kín tiếng đứng sau tỷ phú Trịnh Văn Quyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một đại gia bí ẩn có thể sẽ trở thành cổ đông lớn chỉ thua kém ông Trịnh Văn Quyết tại FLC. Hàng loạt những kế hoạch kinh doanh khủng của các tập đoàn là một trong những lý do giúp thị trường chứng khoán bùng nổ và sắp phá vỡ đỉnh cao mọi thời đại.
 
CTCP Tập đoàn FLC vừa cho biết, CTCP Khoa học và Công nghệ AOS, một công ty kinh doanh thương mại đa ngành nghề đã gửi thông báo tới bộ phận quản lý cổ đông của FLC kế hoạch mua vào 40 triệu cổ phiếu FLC.
Nếu hoàn thành kế hoạch này, AOS sẽ trở thành cổ đông lớn thứ 2 của FLC (chiếm 6,27% tổng số cổ phần FLC đang lưu hành), chỉ đứng sau cổ đông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.
Được biết, AOS là một công ty thương mại thành lập năm 2013 với vốn điều lệ là 250 tỷ đồng, đặt trụ sở tại TPHCM với người đại diện theo pháp luật là bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Trịnh Văn Quyết).
Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong tháng 11 qua tăng vọt lên đỉnh cao gần 10 năm qua với hàng loạt các cổ phiếu lớn thiết lập mức giá cao kỷ lục mọi thời đại. Hàng loạt những kế hoạch kinh doanh khủng của các tập đoàn là một trong những lý do giúp thị trường chứng khoán sắp phá vỡ đỉnh cao mọi thời đại.
Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng lên mức cao kỷ lục nhờ vào các dự án như: sản xuất ô tô Vinfast, mảng bán lẻ…; Vinamilk (VNM) tăng kỷ lục do thoái vốn, đầu tư vào nông nghiệp; Sabeco (SAB) với tham vọng tăng thị phần ở thị trường gần 100 triệu dân…
Tính tới thời điểm này, TTCK đã có một năm tăng điểm ấn tượng, với VN-Index tăng hơn 40%, từ mức 664,87 điểm lên sát 950 điểm như hiện nay. Sự hưng phấn của thị trường đã vượt qua tất cả các dự đoán lạc quan nhất hồi đầu năm.
Gần đây, một số dự báo còn cho rằng, VN-Index có thể phá vỡ đỉnh cao 1.179 điểm thiết lập hồi năm 2007.
Sự kỳ vọng vào thị trường: vào một nền kinh tế khởi sắc, dòng vốn ngoại, làn sóng thoái vốn Nhà nước… và những sự án và kế hoạch khủng của các doanh nghiệp là rất lớn. Sự bền vững của thị trường phụ thuộc vào kết quả của các doanh nghiệp.
Nhiều tập đoàn được dự báo có triển vọng sáng sủa nhưng cũng có doanh nghiệp bị nghi ngờ về tính khả thi của các dự án. Bên cạnh đó, hàng loạt các cá nhân và doanh nghiệp gần đây bị xử phạt vì hành vi tháo túng TTCK như trường hợp Địa ốc Hoàng Quân bị phạt nặng vì cho “người có liên quan” vay tiền hay cựu lãnh đạo Chứng khoán Ngân hàng Đông Á bị khởi tố về tội thao túng giá…
Trong phiên giao dịch 30-11, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bùng nổ với chỉ số VN-Index tăng mạnh và vượt mốc 950 điểm trong phần lớn thời gian giao dịch. Thị trường bất ngờ đảo chiều và  VnIndex mất mốc 950 điểm trong 15 phút cuối với bộ 3 SAB, VIC, MSN đảo chiều giảm sâu.
Tuy nhiên, TTCK nhìn chung vẫn tích cực với giao dịch lớn, số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo trên cả 3 sàn. Nhóm chứng khoán, bất động và xây dựng là lực đỡ cho thị trường ở vào thời điểm hiện tại.
Về tổng thể, quy mô và thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện. Dòng vốn nội và ngoại vẫn đổ vào thị trường cho dù VN-Index đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008 và là thị trường có tốc độ tăng mạnh thứ 3 thế giới.
Theo CTCK BSC, mặc dù rung lắc mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 do áp lực chốt lời nhưng nhìn chung TTCK vẫn tích cực và đang ngày càng thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư khi sắc xanh đang chiếm ưu thế.
Chứng khoán FPTS cũng cho rằng phiên giảm điểm hôm 30/11 của VN-Index chưa gây ảnh hưởng nhiều tới kịch bản xu hướng của sàn HSX. Mực dù vậy, nhà đầu tư sẽ cần phải thận trọng hơn trong giai đoạn này vì dấu hiệu tiêu cực đang bắt đầu xuất hiện tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30-11, VN-index giảm 2,21 điểm xuống 949,93 điểm; HNX-Index tăng 0,77 điểm lên 114,72 điểm. Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 54,2 điểm. Thanh khoản đạt gần 330 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 7,7 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.