Nông dân Đak Đoa thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là địa phương có 80% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có gần 7.650 hộ được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

 Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện Đak Đoa đã đầu tư phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. Ảnh: T.N
Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện Đak Đoa đã đầu tư phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. Ảnh: T.N



Ông Y Djit-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho biết: Từ năm 2017 đến 2019, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các đơn vị liên quan tổ chức gần 100 buổi tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật thu hút hơn 5.750 lượt nông dân tham gia. Đồng thời, phối hợp cấp hơn 200 bò sinh sản; tín chấp cho hội viên, nông dân mua trả chậm hơn 2.550 tấn phân bón; phối hợp với các ngành hỗ trợ hơn 647 ngàn cây giống cho hội viên tái canh khoảng 1.000 ha cà phê... Hội còn vận động nông dân xây dựng gần 70 mô hình sản xuất, 134 tổ hội nghề nghiệp trồng cà phê và một số cây trồng khác, chăn nuôi gia súc, góp phần thúc đẩy và hình thành loại hình kinh tế trang trại, tổ nhóm liên kết mang lại hiệu quả kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững.

Cũng theo ông Y Djit, nhiều năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Tiêu biểu như Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện đã ưu tiên vốn cho sản xuất nông nghiệp, gắn với các chương trình, dự án sản xuất. Vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp đã phủ rộng 17/17 xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện có hơn 50 tổ liên kết vay vốn với gần 1.840  thành viên, dư nợ cho vay đạt trên 143 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cũng đã triển khai cho nông dân vay sản xuất thông qua 110 tổ với 4.421 thành viên, tổng dư nợ hơn 111 tỷ đồng.

Là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 57%, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Hội chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn tạp và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt gia đình, đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống. Ông Đinh Ơng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho biết: “Hội Nông dân cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã triển khai chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất thông qua các mô hình như: trồng mít tại xã Kon Gang, nuôi gà sao tại xã Hnol, nuôi dê và dúi tại xã Hà Đông, trồng lúa nước tại xã Đak Sơ Mei, nuôi heo địa phương phối với heo đực rừng giống tại xã Hà Bầu và Hà Đông, mô hình canh tác dưới tán rừng tại xã Hải Yang, Hà Đông, Kon Gang...”.

Cũng từ phong trào này, nông dân đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Qua đó đã hỗ trợ hơn 2.550 hộ nghèo phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho 1.543 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,4%. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình như hộ ông Lê Hữu Phước (xã Hnol) với 10 ha cà phê kinh doanh, 2 ha chanh dây, thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng. Ông Phước còn giúp đỡ nhiều hộ nghèo và hộ khó khăn về giống, vốn sản xuất, giải quyết việc làm cho 25 lao động. Hộ ông Xuin (xã Kdang) với 6 ha cà phê cho thu nhập khá, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động. Hộ ông Nguyễn Hường (xã Trang) với 7 ha chanh dây, tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương…

Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ thúc đẩy nông dân phát triển sản xuất mà còn giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập, từng bước vươn lên trở thành hộ khá. Toàn huyện hiện có gần 7.650 hộ đạt tiêu chuẩn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đồng thời, làm chuyển biến về nhận thức và huy động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hội viên nông dân trong huyện đóng góp hơn 6,5 tỷ đồng và hơn 5.300 ngày công lao động, hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, đường qua khu sản xuất, kênh mương nội đồng…, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của huyện. Ngoài 5 xã đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Yang, Glar, Tân Bình, Kdang, Hneng), cuối năm 2019, 2 xã Hải Yang và Đak Krong cũng đã hoàn tất các thủ tục để đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.