Nôn nao tháng Chạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng Chạp, tháng cuối cùng của dòng chảy thời gian suốt một năm, là nơi ngưng đọng nhiều cảm xúc.
Mỗi người đều có những nôn nao cho riêng mình. Nôn nao chờ đợi nhất là trẻ con. Tôi đã trải qua rất nhiều những tháng Chạp tuổi thơ nên thấu hiểu cảm giác này. Khi tờ lịch đầu tiên của tháng Chạp được xé cứ muốn được tự tay gỡ tờ lịch cuối cùng của năm cũ vào ngay ngày hôm sau.
Mỗi người đều có những nôn nao cho riêng mình. Nôn nao chờ đợi nhất là trẻ con.
Mỗi người đều có những nôn nao cho riêng mình. Nôn nao chờ đợi nhất là trẻ con. (ảnh minh họa, nguồn internet)
Luôn luôn là như vậy. Nôn nao dễ thương nhất vẫn là thơ ngây con trẻ. Dù chỉ là chiếc áo hoa, dù chỉ là bộ quần xanh áo trắng (tận dụng chơi Tết xong mặc đi học), dù đã được ướm thử nhiều lần vẫn lén mẹ mở tủ thăm chừng. Mẹ phát hiện sẽ la: “Không mất hạt nút nào đâu mà sợ”. Thấy tôi cười sường sượng, mẹ phán: “Hay bỏ vào túi, cột dây đeo vào cổ cho khỏi mất”. Vậy đấy, nôn nao là nôn nao, thử đến nát bộ đồ mới mà mỗi lần thử đều có cảm giác như lần đầu được mặc và cứ ước gì sáng mai thức dậy là đã thấy Tết.
Không dừng lại ở chuyện bộ đồ Tết, tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm hối mẹ làm bánh thuẫn, bánh kẹp, bùm cốm. Nôn nao lắm, thèm được căng mũi hít mùi bánh mới lấy ra từ khuôn, thèm được ăn chiếc bánh vét xoong thơm phức, thèm được nghe tiếng “bùm bùm” từ lò cốm, thèm được vốc khẳm tay những hạt nếp phồng to… Nôn nao quá chừng! Chiều nào tôi cũng chạy ra sân bãi gần chợ. Con đường trong thôn sực nức mùi bánh mứt.
Tháng Chạp về, trời dùng dằng mưa nắng. Đông vẫn còn nhưng nắng đã chớm hơi xuân. Tôi thích không khí này nên lòng cứ xốn xang rạo rực. Nhưng hình như mẹ thì không. Mẹ có vẻ không thích tháng Chạp, mẹ thở dài: “Ngó tới ngó lui, nợ trả chưa mòn, con chưa lớn đã thấy Tết”. Sự nôn nao của chúng tôi tỷ lệ thuận với nỗi lo của mẹ. Tháng Chạp khiến mẹ cũng nôn nao nhưng đó là nôn nao lo toan, nôn nao thu xếp, nôn nao cắt đặt mọi nhẽ cho vừa Tết.
Vâng, mẹ lo từ chuyện đồng tới chuyện nhà. Quần áo mới cho các con xong lại nghĩ đến đồng áng, nghĩ đến bánh mứt, mâm cỗ. Và như thế, cách một ngày mẹ ra đồng một lần. Mẹ bảo phải thăm chừng vì sợ ruộng sạ gặp mưa. Đến nửa cuối tháng Chạp là thời điểm đồng vào vụ cấy. Cấy dặm mùa này nôn nao lắm. Lúa ngẩng đầu đón nắng, nôn nao cấy kẻo trễ chuyện bánh mứt. Gió phất phơ thổi những đọt mạ rập rờn lượn sóng, tiếng cười nói lao xao, cánh đồng nôn nao đến lạ.
*
*    *
Đi qua hơn ba mươi mùa xuân, đọng lại trong tôi vẫn là cảm giác ấy. Để hôm nay, một ngày mưa tháng Chạp lại khiến lòng nôn nao đến lạ. Lần về tuổi thơ, tôi nôn nao theo mẹ ra chợ mua đồ Tết. Quay về hiện tại, tôi chạm vào nôn nao lo âu của mẹ.
Tháng Chạp nôn nao quá đỗi!
Bích Nhàn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.