Nỗi lòng người cạo mủ cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi mọi người bắt đầu lên giường đi ngủ, thì một ngày làm việc của công nhân cạo mủ cao su bắt đầu. Mỗi chén mủ cao su thấm cả những giọt mồ hôi, nhưng đó cũng chính là chén cơm, manh áo thiện lành của họ.

8 giờ tối, màn đêm buông xuống, khu vườn cao su hơn 50 ha tại ngã tư ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh trở nên thâm u. Bà Nguyễn Thuận Ánh Phương, người quản lý vườn cao su, nói: “Giờ này công nhân bắt đầu đi cạo mủ rồi đó”. Mang đôi ủng bà Ánh Phương đưa, tôi lội vô vườn cao su sâu hun hút, tìm nơi có những ánh đèn pin thấp thoáng. Ở đó, nhiều công nhân cạo mủ lặng lẽ, chăm chỉ cầm dao khứa những đường thật ngọt để lấy những dòng nhựa cao su trắng tinh.

“Cực nhọc nhưng có thu nhập ổn định”

Đeo đèn pin trên trán, cầm chiếc dao cán dài chừng 3 m, bà Tống Thị Soi, 58 tuổi, quê Tây Ninh, cạo những nhát sắc lẹm vào lớp vỏ cao su. Dòng mủ cao su ứa ra, chảy xuống chiếc chén phía dưới gốc. “Ngó thì dễ, nhưng phải có tay nghề mới cạo mủ cao su được. Làm sao cạo đúng lớp vỏ thì mủ mới nhiều. Cạo phạm vào thịt cây là toàn nước không à”, bà Soi chia sẻ.

 

 Cao su trong vườn cao su hơn 50 ha của bà Phương đang cho lượng mủ rất tốt
Cao su trong vườn cao su hơn 50 ha của bà Phương đang cho lượng mủ rất tốt


Bà Soi cạo mủ cao su ở khu vườn này đã 4 năm. Lực, 26 tuổi, con bà Soi, ngày đi đánh bắt cá, đêm về cùng mẹ cạo mủ cao su. Công việc của mẹ con bà bắt đầu từ 8 hoặc 9 giờ tối cho đến tầm 4 giờ sáng hôm sau. Bà Soi bảo nghề này phải thức đêm, cần mẫn, chịu nhọc nhằn.

“Đêm trời mát thì mủ mới nhiều. Mình phải di chuyển cạo nhanh trước khi trời nắng, nên vấp ngã lăn đùng là thường. Trong vườn cao su rết nhiều dữ thần luôn. Rồi bị ong chích nữa. Luôn chuẩn bị sẵn thuốc xịt nếu bị ong tấn công”, bà Soi nói. Nhưng bù lại, thu nhập của mẹ con bà khá cao. Mỗi đêm trung bình hai mẹ con bà Soi có thể cạo được 1.000 cây. Với cách “ăn chia” khá thoáng của người chủ vườn cao su, hơn 30% lợi nhuận được trả cho người cạo mủ, mẹ con bà Soi một đêm bỏ túi không dưới 1 triệu đồng. “Tuần rồi làm 6 ngày, hai mẹ con được trả công tám triệu sáu. Không có trình độ, làm công việc phổ thông, có mơ cũng không thể có số tiền như vậy”, bà Soi sung sướng “khoe”.

Tôi lội hơn 1 km vào một khu cao su khác nằm trong vườn cao su hơn 50 ha này. Ở đó, cả gia đình 4 người của chị Nguyễn Thị Liên đang say sưa cạo mủ. Chị Liên cho biết: “Em thầu nguyên khu, chia việc cho người trong gia đình làm để về sớm”. Văn Thanh, em chị Liên, ngày đi làm thợ hồ, đêm tranh thủ cạo mủ cao su để kiếm thêm tiền. “Thời gian dịch bệnh này, làm mấy tiếng kiếm vài trăm ngàn không dễ. Nhờ thu nhập thêm từ tiền công cạo mủ cao su, cũng đỡ khổ”, anh Thanh tâm tình.

Trong khu nhà công nhân khá tươm tất do bà Huỳnh Thị Lan Phương - người chủ vườn cao su xây dựng, anh Nguyễn Quốc Sử đang ngồi lai rai với đồng nghiệp hồ hởi: “Cái nghề cạo mủ cao su phải đồng hành với đêm tối, cũng cực nhọc ra trò, nhưng đổi lại mình có thu nhập ổn định.

 

Công nhân đang thu hoạch mủ cao su tại vườn cao su 50 ha
Công nhân đang thu hoạch mủ cao su tại vườn cao su 50 ha


18 năm rồi, vợ chồng tôi và con cái sống được là nhờ làm nghề cạo mủ cao su ở đây. Cứ cạo đàng hoàng sống ngon lắm”.

Trong khi đó, bà Ánh Phương, quê Vĩnh Long, thổ lộ chân thành: “Tui bao sân đủ thứ việc ở đây, nhưng được trả công xứng đáng, nên thật sự biết ơn vườn cây cao su này”. Theo chúng tôi tìm hiểu, mức lương “cứng” của bà Ánh Phương, người được coi “tổng quản” vườn cao su này, và chồng rất khá so với những công nhân làm nghề khác. “Nhờ đó mà tui nuôi được hai đứa con ăn học đàng hoàng. Một đứa đang học cao đẳng, một đứa đang học lớp 12”, ông Trần Thanh Thuận, chồng bà Ánh Phương, thổ lộ. Ông Thuận còn cho biết nhiều công nhân ở đây nuôi cả gia đình, làm nhà, mua đất… được cũng nhờ công việc cạo mủ cao su.

Lo lắng về tương lai

Có được cuộc sống khá ổn định nhờ nghề cạo mủ cao su ở vườn cao su hơn 50 ha đang trong giai đoạn còn cho mủ tốt, nhưng nhiều người không giấu được sự hoang mang, lo lắng. Hỏi ra thì được biết, vườn cao su này có nguy cơ bị xóa sổ. Chỉ vào hai chén mủ cao su đầy ắp, bà Soi buồn rầu trải lòng: “Nhiều cây còn cho mủ nhiều dữ lắm, nhưng tôi nghe nói chính quyền địa phương đang có ý định thu hồi lại vườn cao su này. Nếu điều đó xảy ra, tôi không biết phải sống ra sao nữa”.

 

 Bà Soi đang cần mẫn cạo mủ cao su. Ảnh: Thiên Thảo
Bà Soi đang cần mẫn cạo mủ cao su. Ảnh: Thiên Thảo


Để hiểu rõ ngọn ngành, chúng tôi tìm gặp người chủ khu vườn cao su này, bà Huỳnh Thị Lan Phương. Bà Phương cho biết: Năm 1993, Nông trường cao su Bời Lời (NTCSBL) ký hợp đồng kinh tế với bà nội dung giao 50 ha đất tại ngã tư, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận (nay là Hưng Thuận) để trồng cao su với thời hạn giao là 50 năm. Nhưng mới đến thời điểm hiện tại, UBND TX.Trảng Bàng lại cho rằng hợp đồng trên giữa NTCSBL và bà là vô hiệu nên đã ra các văn bản buộc bà phải “thu dọn nhà cửa, vật kiến trúc và thanh lý tài sản để giao lại đất cho UBND TX.Trảng Bàng quản lý”. Trong khi đó, bà Phương cho rằng hợp đồng giữa bà và NTCSBL hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Chính điều đó đã khiến bà bức xúc, còn những người công nhân cạo mủ cao su thì lo lắng vì sợ thất nghiệp.

Chúng tôi đã gặp nhiều người làm ở khu vườn cao su này để tìm hiểu thêm. Chị Nguyễn Kim Cương, 38 tuổi, quê Bình Dương, tâm sự: “Tui làm công nhân cạo mủ ở đây 8 năm rồi. Mủ cao su vườn này còn nhiều lắm. Chén mủ cũng là chén cơm của gia đình tui. Phụ nữ như tui, một ngày cũng kiếm được trên dưới 500.000 đồng lận. Vườn cao su mà bị xóa sổ thì mọi người khổ là cái chắc”. Nghe vợ thở than, anh Đỗ Trung Hiếu, chồng chị Kim Cương cũng “khoe” nhưng lại rất nỗi niềm: “Hai vợ chồng đợt mới nhất làm 6 ngày, lãnh 10 triệu nè. Tui còn thấy hạnh phúc vì được chủ vườn cao su quan tâm lo lắng. Trong lúc dịch bệnh được hỗ trợ tiền 3 lần, được 6 triệu lận đó. Nhưng với tình hình này, nay mai không biết ra sao”.


 

Bà Ánh Phương rưng rưng nước mắt khi nghĩ tới viễn cảnh vườn cao su bị xóa sổ
Bà Ánh Phương rưng rưng nước mắt khi nghĩ tới viễn cảnh vườn cao su bị xóa sổ


Ông Cao Hoàng Hoa, 59 tuổi, quê Tây Ninh, cạo mủ được 5 năm, giãi bày rằng mình từng làm thợ hồ nhưng lương không bằng đi cạo mủ cho vườn cao su này. Giờ ông lớn tuổi rồi, nếu không còn cạo mủ thì xin việc gì cũng khó. Còn bà Ánh Phương ngồi thất thần, nước mắt chảy dài tâm sự: “Tui sụt mất 5 kg khi nghe tin chính quyền thu hồi lại mảnh đất trồng cây cao su này. 11 năm gắn bó với vườn cao su, chính nó cứu lấy cuộc sống của vợ chồng tôi khi rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Buồn lắm!”.

“Nhiều khi ra vườn nhìn những giọt mủ cao su đang chảy, tôi cứ nghĩ nó là giọt nước mắt của chính mình”, bà Ánh Phương mủi lòng nói.

“Tui tuổi này rồi. Được trả lương sống thoải mái mỗi tháng còn gì bằng. Mà không chỉ tiền lương, tuổi già về ở đây được sống trong không khí trong lành, ấm áp tình cảm… vui lắm. Bây giờ nếu không còn vườn cây cao su, tui không biết phải sống thế nào”.

Ông Nguyễn Văn Lũy (70 tuổi, kế toán vườn cao su)


Theo Thiên Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.