Nơi hạnh phúc nảy mầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người sáng lập Làng trẻ em SOS quốc tế Hermann Gmeiner từng khẳng định: “Điều khiến đứa trẻ đau khổ không phải là thiếu quần áo, đồ ăn hay giáo dục mà là không được thuộc về ai và không có một gia đình”. Thấu hiểu điều ấy, suốt 8 năm qua, Làng trẻ em SOS Pleiku (tỉnh Gia Lai) luôn quan tâm chăm sóc những em nhỏ kém may mắn. Hạnh phúc tưởng chừng vụt tắt lại có cơ hội hồi sinh và không ngừng lan tỏa.
Làng trẻ em SOS Pleiku luôn mong muốn mang đến cuộc sống đầy đủ cho những đứa trẻ kém may mắn. Ảnh: Hồng Thi
Làng trẻ em SOS Pleiku luôn mong muốn mang đến cuộc sống đầy đủ cho những trẻ em kém may mắn. Ảnh: Hồng Thi

Chúng con đã có một gia đình

Giờ lao động tập trung cho “Ngày chủ nhật xanh” kết thúc, Sầm Thị Minh Nguyệt (15 tuổi, người dân tộc Nùng) cùng mấy chị em cười vui, nắm tay nhau chạy về nhà, tiếng nô đùa lạc đi trong gió. Đã lâu lắm rồi, nhiều người trong Làng trẻ em SOS Pleiku không còn nhìn thấy nét mặt ưu tư, buồn bã của Nguyệt, thay vào đó là một cô bé vui tươi, tràn đầy sức sống. Dường như nỗi buồn xa quê của Nguyệt đã dần nhòa đi khi đón những điều hạnh phúc mới.

Sau cơn mưa đầu mùa, cỏ cây, cảnh vật khắp Làng trẻ em SOS Pleiku đều trở nên tươi xanh. Ngôi nhà số 8 mang tên Hoa Phong Lan cũng rực rỡ hơn với những đóa hồng, cẩm tú cầu vừa hé nụ. Nguyệt và 7 đứa trẻ về tới cửa, mới hít hà mùi thơm hấp dẫn của món ăn yêu thích đã chạy ùa vào nhà. Nơi góc bếp, người mẹ Trần Thị Lương (53 tuổi) đang tỉ mẩn chuẩn bị bữa cơm trưa cho bầy con nhỏ.

Chỉ kịp chào mẹ một tiếng, bọn trẻ tinh ranh đã nhào tới bếp “thăm dò”. Một lát sau, chúng tít mắt nhìn nhau cười mãn nguyện. Mẹ Lương là thế, sở thích từng đứa dẫu có lúc hơi khó chiều nhưng chưa bao giờ bà quên hoặc bỏ mặc.

Nguyệt thương mẹ Lương lắm. Nhà Nguyệt ở huyện Phú Thiện. Cha mẹ em sau một thời gian “cơm canh chẳng lành” thì quyết định ly hôn để đi tìm hạnh phúc mới cho riêng mình. Hai chị em Nguyệt phải về sống cùng chú ruột. Dù thương yêu cháu nhưng người chú cũng không thể chăm sóc dài lâu. Năm 2013, Nguyệt và chị gái Sầm Thị Ngân được đưa đến Làng trẻ em SOS Pleiku. Lúc ấy, Nguyệt mới lên 7, còn chị gái tròn 11 tuổi. Ngôi nhà số 8 và mẹ Lương đã dang rộng vòng tay đón chị em Nguyệt vào lòng.

2- Với em Sầm Thị Minh Nguyệt, bà Trần Thị Lương chính là người mẹ tuyệt vời nhất. Ảnh: Hồng Thi.
Với em Sầm Thị Minh Nguyệt, bà Trần Thị Lương chính là người mẹ tuyệt vời nhất. Ảnh: Hồng Thi
Sống ở nơi xa lạ với những người chưa từng gặp mặt, Nguyệt khóc không dứt. Cô bé nhớ nhà, nhớ cha mẹ và người thân. Hễ chị Ngân đi học là Nguyệt lại khóc rấm rứt tới lúc chị về, chị ở nhà thì lẽo đẽo không rời nửa bước.
“Mẹ Lương với tụi em khi đó là một người ngoài lạ lẫm nên cả hai đều sợ, không muốn lại gần. Phải mất thời gian thật lâu, tụi em mới quen và chấp nhận mẹ. Mẹ lúc nào cũng dịu dàng, yêu thương, quan tâm tụi em như con ruột của mình. Chị Ngân giờ đã vào trường đại học, nhưng cứ được nghỉ thì lại quay về Làng với em và mẹ. Chị bảo, đây là nhà của chúng em, là nơi để trở về”-Nguyệt thủ thỉ.
Trời chớm vào hạ. Cây dạ lý hương trước ngôi nhà số 10 vẫn còn thoang thoảng thơm sau một đêm bung tỏa. Cạnh đó, bé Rơ Châm Trang (1 tuổi) hồn nhiên nô đùa trong vòng tay mẹ Nguyễn Thị Ngoan. Chốc chốc, Trang với lấy bình sữa rồi ngả vào lòng mẹ. Cô bé Jrai có đôi mắt to tròn với hàng mi cong vút, miệng cười duyên thu hút ánh nhìn.
Theo lời chị Ngoan, Trang nhỏ tuổi nhất trong gia đình Hoa Sứ. Mất mẹ lúc mới lọt lòng, Trang ở với bố tại thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh). Đến tháng 11-2020, bé được Làng trẻ em SOS Pleiku đón về. Nhìn đứa trẻ mới vài tháng tuổi đã phải gánh chịu thiệt thòi, chị Ngoan dặn lòng sẽ bù đắp cho con nhiều nhất có thể.
“Chăm trẻ nhỏ có phần vất vả hơn, song đổi lại bé khá ngoan, ít khóc, chịu chơi và không bám mẹ. Từ ngày có Trang về, không khí trong nhà rộn ràng hẳn. Mấy anh chị lớn luôn biết nhường nhịn em, đi đâu cũng tranh thủ về sớm để chơi với em và trông em cho mẹ, đúng kiểu một gia đình”-chị Ngoan chia sẻ.
Thiêng liêng tiếng gọi “mẹ ơi”
Làng trẻ em SOS Pleiku có 12 gia đình, mỗi gia đình có một người mẹ độc thân, tình nguyện dành toàn thời gian để chăm sóc 7-8 trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Không ít người trong số họ vì thương những “mầm xanh” bất hạnh mà chẳng tiếc hy sinh cả tuổi xuân lẫn hạnh phúc đời mình. Để rồi, khi nghe tiếng gọi “mẹ ơi” được cất lên từ những đứa trẻ không ruột rà máu mủ, họ đã bật khóc. Bà Trần Thị Lương khẳng định: “Ấy là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc thiêng liêng!”.
Sinh ra nơi miền quê nghèo Hà Tĩnh, bà Lương cũng từng mơ về một tổ ấm gia đình viên mãn. Thế nhưng, chỉ mới vỏn vẹn 3 năm, chồng bà đã qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Hai người cũng chưa kịp có với nhau mặt con để bà cảm thấy được phần nào an ủi. Lủi thủi làm lụng ở quê một thời gian, bà Lương quyết định đến Gia Lai ở với em gái, làm nghề phụ hồ. Năm 2013, Làng trẻ em SOS Pleiku thành lập, bà xin vào làm và trở thành mẹ của nhóm trẻ đầu tiên đến Làng.
3- Bà Trần Thị Lương hạnh phúc bên những đứa con của mình tại gia đình số 8-Hoa Phong Lan. Ảnh: Hồng Thi.
Bà Trần Thị Lương hạnh phúc bên những đứa con của mình tại ngôi nhà số 8 mang tên Hoa Phong Lan. Ảnh: Hồng Thi

Ông Nguyễn Hoài Nguyên-Phó Giám đốc Làng trẻ em SOS Pleiku: Làng được thành lập năm 2013 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-2014. Hiện nay, Làng đang hỗ trợ cho 113 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và không thể nhận được sự chăm sóc từ gia đình gốc (88% trẻ là người dân tộc thiểu số), trong đó có 97 trẻ đang ở nhà gia đình (4 em đang học đại học và học nghề) và 16 trẻ trai lớn đang ở lưu xá thanh niên. Tất cả trẻ đều đang theo học tại các trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Làng còn liên hệ với các giáo viên bên ngoài mở các lớp phụ đạo và năng khiếu cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 12.

Bà Lương tâm sự: “Tôi vốn thích trẻ con, bản thân lại chẳng vướng bận điều gì nên nguyện dành thời gian còn lại của đời mình cho tụi nhỏ. Lúc đầu cũng nhiều bỡ ngỡ vì chưa có kinh nghiệm nuôi con bao giờ, trong khi không phải chăm 1 mà đến 10 đứa trẻ cùng lúc. Thêm vào đó, chất giọng Hà Tĩnh của tôi khó nghe, con thì nói tiếng dân tộc bản địa khiến mẹ cũng chẳng thể hiểu. Bất đồng ngôn ngữ nên làm gì cũng phải ra dấu hoặc chỉ tận tay.
Cả ngày loay hoay với việc cho các con ăn, ngủ, học bài rồi đi chợ, đưa đón chúng đến trường... đã cảm thấy không đủ thời giờ. Nhưng dần rồi quen, tụi nhỏ cũng ngoan hơn. Lúc này, tôi lại cảm thấy mình may mắn khi không sinh con mà bước qua tứ tuần tuổi lại có đến chục đứa trẻ gọi bằng mẹ”.
Bà Lương kể rằng, đứa con để lại trong bà ấn tượng sâu sắc nhất là Sầm Thị Ngân. Ngày mới đến, Ngân thường chọc ghẹo các em trong nhà. Mẹ răn dạy thì tỏ thái độ chống đối, thậm chí còn lạnh lùng buông câu: “Cô không phải mẹ của cháu”.
“Dẫu bất lực, song tôi chỉ thấy thương con bé chứ không giận. Tôi càng quan tâm nó hơn và nhờ các bác trong Ban Giám đốc khuyên bảo thêm. Ngân cũng dần hiểu chuyện. Ngày con bé chịu gọi tôi hai tiếng “mẹ ơi”, tôi đã không kìm được nước mắt. Giờ nó đã là sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn; đi đâu, làm gì cũng đều gọi điện thoại về tâm sự cùng mẹ, còn biết mua quà tặng mẹ và anh chị em”-bà Lương tự hào khoe.
Năm 2015, chị Nay Kram (SN 1983, trú tại làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) quyết tâm từ bỏ biên chế giáo viên mầm non để đến với những đứa trẻ bất hạnh tại Làng trẻ em SOS Pleiku. Kram bảo, chính những chuyến đi thiện nguyện thời sinh viên đã thôi thúc chị phải làm gì đó cho trẻ mồ côi, khó khổ.
“Ban đầu, với nghề nghiệp sẵn có, tôi xin vào làm giáo viên Trường Mầm non SOS Pleiku. Quá tuổi, không được nhận, tôi chuyển sang xin làm dì, rồi mẹ của tụi nhỏ. Cha mẹ lo tôi khó bề lập gia đình khi làm công việc này nên cản ngăn dữ lắm. Phải mất thời gian dài, tôi mới thuyết phục được mọi người ủng hộ cho lựa chọn của mình”-chị kể.
Chị Nay Kram đã dành trọn tuổi xuân và tình yêu cho những đứa trẻ bất hạnh tại ngôi nhà số 12 (Làng trẻ em SOS Pleiku). Ảnh: Hồng Thi
Chị Nay Kram đã dành trọn tuổi xuân và tình yêu cho những đứa trẻ bất hạnh tại ngôi nhà số 12 (Làng trẻ em SOS Pleiku). Ảnh: Hồng Thi
Ngày nhận nhà, chị Kram trở thành mẹ của 9 đứa con xa lạ. Mặc dù đã được tập huấn nghiệp vụ làm “bà mẹ” nhưng chị không tránh khỏi những ngày luống cuống, rối bời hay nhiều đêm bộn bề khó ngủ. Thậm chí, ngày ấy, khi mấy đứa trẻ gọi là mẹ, chị Kram còn đỏ mặt ngại ngùng chứ không mỉm cười hạnh phúc như hiện tại.
“Đã khi nào chị cảm thấy chạnh lòng hay hối hận vì quyết định của mình chưa?”-tôi hỏi. Chị Kram thẳng thắn: “Nói không chạnh lòng thì là dối, nhất là khi nhìn bạn bè đồng trang lứa lần lượt tìm được bến đỗ bình yên. Còn hối hận thì chưa. Tôi tự nguyện gắn đời mình với bọn trẻ thì phải có trách nhiệm với chúng đến cùng. Giờ bản thân đã gần bước sang tuổi 40 rồi, chẳng còn xuân sắc để mơ mộng nữa. Ít ra đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn thấy mình được nhiều hơn là mất khi đến với nơi này, bên những đứa trẻ mà tôi yêu thương”.
*
Mặt trời đứng bóng. Những cánh cửa dần khép lại cho giấc mơ trưa yên ả cuối tuần. Rời ngôi làng “đặc biệt” giữa lòng Phố núi, tôi lại thêm tin rằng, yêu thương cho đi chính là niềm hạnh phúc còn mãi...
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.