"Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi rất yêu giai điệu đằm thắm, ngọt ngào của bài hát mang âm hưởng dân ca “Gửi em ở cuối sông Hồng” của tác giả Dương Soái-Thuận Yến. Sáng tác từ năm 1979-1980, đấy là lời tâm tình của một chiến sĩ nơi biên cương gửi đến người vợ/người yêu nơi đồng quê Bắc bộ. Nét nhạc, lời thơ in trong tâm khảm nên tôi có cái cảm giác háo hức, nôn nao khi tìm đến Lũng Pô.

Nếu không quan tâm thì không thể biết được địa danh A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) và cột mốc biên giới số 92 tại nơi này. Trước đây, nơi này đường sá khá khó khăn, người tìm đến chủ yếu là các bạn trẻ trong hành trình đi phượt. Hiện giờ, mặc dù Lũng Pô (xã A Mú Sung) đã được xây dựng thành điểm tham quan du lịch nhưng tất cả còn sơ khai lắm.

 

Cột mốc biên cương Tổ quốc. Ảnh: internet
Cột mốc biên cương Tổ quốc. Ảnh: internet

Suốt dọc dài mấy chục cây số, ngoài vài tấm phướn treo trên cột điện giới thiệu “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, chúng tôi chỉ thấy vài nhà dân thưa thớt, vài chiếc xe tải loáng thoáng từ xa và chẳng có lấy một chiếc xe ngược chiều nào-mà nhỡ có thì cũng hơi làm khó cho nhau đấy. Con đường bê tông mới mở nhỏ tí xíu, vừa lọt chiếc xe 16 chỗ thôi, lại quanh co nữa, nếu có xe ngược chiều thì rê dắt nhau tìm chỗ tránh cũng đủ mệt. Hai bên đường toàn lau lách đang mùa trổ bông, đứng bất cứ chỗ nào cũng có thể tìm được vài pose ảnh ưng ý để sống ảo nuôi facebook.

Cơ mà chiều rồi, bầu trời mùa đông xám chì u ám, như kẻ khó tính chả muốn đồng tình với cái thú phiêu du. Tour guide (hướng dẫn viên du lịch) quen từ chuyến Đông Bắc hồi hè, dù là quân biên chế của Vietravel nhưng cũng chỉ đi với nhau 5-6 ngày ấy thôi. Lái xe thì gặp lần đầu, là chú nhóc bằng tuổi con trai mình, vẻ hơi bẽn lẽn, sau mới biết cũng là một facebooker mấy ngàn người theo dõi bởi những bức ảnh du lịch khắp nơi. Thật lòng tôi có chút lo lắng. Lời cậu lái xe không biết là đùa vui hay cảnh cáo: “Đến tận nơi này thì mấy chị thuộc số rất ít trong 90 triệu người Việt đấy!”. Nghĩ thầm trong bụng: Hai đứa ấy mà nháy nhau đánh tí thuốc mê thì 6, 7 chị trên xe thành món hàng xuất sang Trung Quốc ngay tắp lự. Đất Trung Quốc cách đất mình con sông Hồng ngầu đục, đã qua mùa mưa lũ nên lòng sông cũng chẳng rộng là bao, lại thấy mấy con thuyền cắm sào đứng đợi, neo bên bờ hoang vắng. Đứng bên này hú một tiếng to bờ bên kia nghe thấy... Nhưng một liều ba bảy cũng liều, cứ nhắm mắt đưa chân “thử xem con tạo xoay vần đến đâu”.

Bên đất ta vừa khánh thành cột cờ, gần giống như cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) nhưng không cao to bề thế bằng. Thêm một tấm bảng xi măng ghi rõ địa điểm Lũng Pô-nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, rất thuận tiện cho việc check-in (thế mới biết mạng xã hội nó chi phối cuộc sống người ta kinh khủng như nào, suy nghĩ hay hành vi đều hướng về nó cả). Sông Hồng chảy từ Trung Quốc sang đục vàng màu đất (tôi vẫn tự hỏi tại sao nó không còn hồng thắm như hồi bé tôi đã từng trông thấy, tại mắt mình khi già đi nhìn sự vật cũng đổi thay hay tại nước sông thật sự không còn màu cũ). Sông Lũng Pô phía đất Việt mình trong xanh, đổ vào sông Hồng một chặng xa lắm mới hòa chung dòng.

Việt Nam-Trung Hoa núi liền núi sông liền sông…, chuyến đi đến vành đai biên giới cho tôi tận mắt thấy cảnh tượng trong bài hát ấy. Tour guide luôn phải chỉ: Chỗ đấy là Việt Nam, chỗ đấy là Trung Quốc, ngọn núi kia là đất Việt, sang ngọn núi kia là đất Trung rồi… Hồi bé luôn tưởng tượng biên giới nó phải có những thứ như cái hàng rào hay bức tường, như kiểu những ngôi nhà phân định thật rạch ròi phần nhà ta và phần hàng xóm. Thực tế thì ở chân thác Bản Giốc (Cao Bằng), mấy con bò bên Việt Nam vẫn đủng đỉnh gặm cỏ.

Nhưng cậu tour guide liên tục chạy xuôi chạy ngược nhắc nhở: Đừng bước qua cái vạch ấy nhé, đừng đi vào chỗ bụi cây kia nhé… vài bước thôi cũng có thể rắc rối để rồi không về nhà cùng đoàn du lịch mà về theo đường ngoại giao đấy… Tôi đã đứng một chân bên đất Việt, một chân bên đất Trung để cảm nhận rõ hơn cương vực lãnh thổ của mình.Tôi có đọc, có nghe những vất vả phức tạp bao lâu mới xong việc cắm mốc và có 2 chuyến đi này mới biết thêm nhiều. Thương đến thắt lòng những người dân ở ngay sát đường biên: biết chứ, lo chứ, hồi chiến tranh biên giới mình cũng phải chạy loạn đấy, nhưng quê hương mình ở đây bao đời, hết đánh nhau rồi thì mình cứ ở đây thôi, không đi đâu hết. Ngay sát đường biên, người Trung Quốc thường cố ý xây dựng phía bên họ những ngôi nhà to đẹp, những phố xá sầm uất hơn hẳn Việt Nam. Ở Lũng Pô này cũng thế. Con đường bên ta nhỏ bé ngoằn ngoèo, ngồi xe ô tô như ngồi tàu lượn trong khu giải trí mà lạng lách đánh võng, chỉ cần đá mắt trông sang là thấy ngay đường cao tốc của họ xây trên trụ đỡ như kiểu đường trên cao Cát Linh-Hà Đông, phóng thẳng qua mọi địa hình, xe lao vun vút.

Tôi chạm tay vào dòng nước Lũng Pô trong cái không khí lạnh chừng 5 độ, ngẫm nghĩ rằng sáng mai hay tối mai dòng nước sẽ trôi đến bờ bãi sông Hồng ven đô, thêm chút thời gian nữa nó sẽ về tới biển. Thế đấy, ai có thể tắm 2 lần trên 1 dòng sông? Chỉ còn cột cờ trên cao kia, cột mốc biên giới kia đứng lại mãi nơi này.

Trương Lệ Hằng

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.