Nơi bắt đầu “gạch nối” các di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đoàn khách quyết định tìm đến rừng dừa Cẩm Thanh (TP.Hội An) để hình dung vùng sông nước Cổ Cò ấy đã nối hành trình của tiền nhân.

Chiếc thang máy đưa đoàn khách chầm chậm lên danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Một vài vị khách nước ngoài đọc được Hán tự khắc trên bia đá tỏ ra thích thú khi biết rằng, hơn 400 năm trước đã có nhiều người Trung và Nhật đến với vùng đất này qua dòng sông Cổ Cò. Họ quyết định tìm đến rừng dừa Cẩm Thanh (TP.Hội An) để hình dung vùng sông nước Cổ Cò ấy đã nối hành trình của tiền nhân.

Khách du lịch ở rừng dừa. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Khách du lịch ở rừng dừa. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Dòng sông ký ức

“Tôi đã đến Đà Nẵng và Hội An. Rồi tôi bất ngờ khi hơn 400 năm trước dấu tích của những người lãng khách còn lưu lại ở nhiều nơi như vậy. Khi chúng tôi tìm đọc điều đó, nó đã khắc sâu khiến tôi muốn tìm tới dòng chảy đặc biệt này” - Naoko (nữ du khách 34 tuổi từ Nhật) nói.

Biết từng có dòng chảy dọc bờ biển nối hai thành phố du lịch ở miền Trung, Naoko cùng bạn trai đã quay lại Hội An lần nữa hồi đầu tháng 5 này. Lần này, cả hai đến với rừng dừa nước ở Cẩm Thanh nơi nối với dòng Thu Bồn.

Ở nơi bắt đầu nhánh sông, Naoko cùng dòng khách hòa vào rừng dừa tựa như Nam Bộ bằng những chiếc thúng chai. Khi đã bắt đầu xập xình tiếng nhạc, con nước đã đưa họ tới ngã ba sông tự bao giờ.

Tia nắng mùa hè sáng sớm chiếu rọi một góc của dòng Cổ Cò. Giữa không gian rừng nước, tiếng nhạc và những chiếc thúng nhiều màu sắc, Naoko nói rằng đây là mảnh ghép thú vị mà lần trước cô đã bỏ lỡ trong chuyến công tác đến Hội An.

Rộn ràng du lịch Cẩm Thanh. Ảnh: B.P

Rộn ràng du lịch Cẩm Thanh. Ảnh: B.P

“Ở khúc sông này là nơi có cả thiên nhiên, con người hiền hòa và những ký ức lịch sử. Tôi đã thấy một số đoạn sông bị bồi lấp nhưng khi đến khu vực sông nước ở Cẩm Thanh thì dòng sông đã rộng hơn rất nhiều. Tôi đã xem mô hình thuyền Châu Ấn ở phố cổ và từng xem vở “Công nữ Anio” khi ở Nhật. Điều đó khiến tôi hình dung được bước chân của những người đi trước - Naoko nói.

Với những vị khách châu Á mới đến rừng dừa lần đầu, khi nghe dòng chảy này đã từng kéo ra tận Đà Nẵng, ai nấy đều trầm trồ. Trong quá khứ, đây là điểm đầu của dòng sông từng tấp nập tàu thuyền nối hai thương cảng với nhau.

Đến nay, dòng chảy huyết mạch làm nên sự huy hoàng của thương cảng sầm uất xứ Đàng Trong đã kết thúc sứ mệnh. Nhưng giữa khoảng không gian sông nước thoáng đãng ở đây vẫn đủ sức để những bạn bè khắp nơi hình dung được dòng chảy ký ức, dòng chảy giao lưu văn hóa hàng trăm năm trước.

“Rừng Nam Bộ” thu nhỏ ở ngã ba sông

Với những người mới đến rừng dừa nước Cẩm Thanh, rất dễ cảm giác như lạc vào vùng sông nước Nam Bộ. Ở đây ngoài những cánh rừng dừa nước hàng trăm năm tuổi còn là vùng sinh thái ngập mặn với hệ thực vật, động vật nước lợ phong phú.

Càng đặc biệt hơn khi gần như toàn miền Trung, chỉ có ở cuối hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn mới tìm được vẻ đẹp xanh tươi ngút ngàn của hàng chục nghìn cây dừa nước.

Sông nước Cẩm Thanh. Ảnh: B.P

Sông nước Cẩm Thanh. Ảnh: B.P

Tận bây giờ, những người cao niên ở Cẩm Thanh đều nhắc chuyện những chuyến ghe bầu từ nhiều thế kỷ trước. Tại xứ Quảng, ghe bầu vào Nam buôn bán. Khi trở lái quay về, họ mang theo những cây dừa.

Dù chính sử không ghi chép dừa Cẩm Thanh được trồng từ khi nào và lấy ở đâu, nhưng qua lời truyền miệng nhiều thế hệ, những người dân thôn Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Thanh Nhứt, thôn Vạn Lăng đều khẳng định cây dừa nước có nguồn gốc xuất xứ từ Nam Bộ.

Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh là di sản

Đầu năm 2024, nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện ở Cẩm Thanh có gần 200 thợ lành nghề, tạo sinh kế ổn định. Ngôi nhà bằng tre, dừa có ưu thế hơn các loại nhà được làm bằng các vật liệu đơn giản khác. Độ bền của loại nhà này có thể từ 15 đến 20 năm với ưu thế mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm áp.

Có lẽ tiền nhân cũng không ngờ tới cây dừa miền Nam lại phù hợp với thổ nhưỡng ở môi trường nước lợ chua, mặn của đất Cẩm Thanh. Từng có thời kỳ rừng dừa phát triển bao phủ khu vực hàng trăm héc ta.

“Rừng che bộ độ rừng vây quân thù” - khu vực này kín đáo đến mức rừng dừa xã Cẩm Thanh được Thị ủy Hội An lúc bấy giờ chọn làm căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến.

Anh hùng, nhà văn Chu Cẩm Phong cũng từng nhấn mạnh khu vực rừng dừa Cẩm Thanh là căn cứ quan trọng, tạo điều kiện đảm bảo để lực lượng của ta rút lui an toàn trong những tình thế cấp bách ở phía Đông.

Rộn ràng du lịch

Tôi vẫn không quên lần đầu tới tới Cẩm Thanh tác nghiệp hơn 15 năm trước. Đi trên những bờ bao bê tông phơi đầy nhánh dừa, hai bên là những ngôi nhà lụp xụp được lợp bởi lá dừa nước chặt từ dưới sông. Khi ấy lối vào nhiều nhà còn đầy bùn đất, nhiều hộ phải lái thuyền đi đong từng can nước sạch về dùng.

Khách du lịch ở rừng dừa. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Khách du lịch ở rừng dừa. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Nhưng thoắt cái, vùng rừng dừa hoang sơ với những dãy nhà bên bờ sông lụp xụp chật chội đã đổi thay. Từ khi chuyển nghề làm du lịch, cả làng mang bộ mặt mới. Con đường chính được thảm bê tông, những căn nhà cao tầng tươi mới mọc lên và hàng quán tinh tươm, sớm chiều nhộn nhịp du khách.

Sống ở làng hơn 70 năm, bà Nguyễn Thị Vân, thôn Vạn Lăng cho biết, chỉ mới chưa đầy 20 năm mà vùng rừng dừa heo hút ngày nào đã hội nhập quốc tế. Chính bà cũng không ngờ, sáng mở cửa ra đã thấy khách Tây, khách ta nói “xí lô xí là”.

Sự đổi thay của vùng đất, làng quê và cả chính bà Vân là khi đến cuối đời cũng học lõm bõm vài câu tiếng Hàn, tiếng Anh để chiều lòng khách khi chèo thúng.

“Khách Hàn họ thích rừng dừa chi lạ. Họ thích đưa con đến rừng dừa nước chơi quay thúng. Ở đây từ sáng tới tối đều có người nước ngoài đến chơi, rứa mới thấy lâu nay thiên nhiên ban tặng người dân quê tui tài sản quý thế nào” - bà Vân nói.

Sông nước nơi đây ngoài cho tôm cá, những cánh rừng dừa hàng trăm năm tuổi đã khiến vùng đất trở thành “làng du lịch”.

Người dân quanh rừng dừa nếu không làm dịch vụ chèo thuyền thúng thì chuyển hẳn sang dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải khát. Hầu như ai cũng có vài ba chiếc thuyền thúng, người không có thúng thì cũng… đi chèo thuyền thúng thuê mưu sinh.

Theo UBND xã Cẩm Thanh, việc đăng ký đánh số thuyền thúng là bắt buộc theo quy định về quản lý phương tiện đường thủy nội địa. Do vậy, đại diện chính quyền xã khẳng định đến nay cả xã có khoảng 1.200 thuyền thúng chai được đánh số và đăng ký hành nghề du lịch. Cùng với đó là hơn 1.200 lao động, nuôi sống hàng trăm gia đình.

Một bất ngờ khi nhà trong làng chuyển từ mái lá sang nhà bê tông thì nhà lá dừa ở đây lại được các nơi khác ưa chuộng. Những ngôi nhà lá dừa “made in Cẩm Thanh” đã “xuất khẩu” đi làm quán xá, nhà cửa ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Trước đây, người dân Cẩm Thanh vốn “nghề tay trái” là làm mái nhà lá thì nay, nó trở thành nghề chính với thu nhập khá tốt.

Về Cẩm Thanh bây giờ lúc nào cũng gặp thuyền của chị em khai thác dừa rồi lọ mọ chặt nhánh, chẻ đôi phơi khô. Còn cánh đàn ông thì đan tranh và làm mái nhà.

“Cứ tưởng càng hiện đại, nghề làm nhà bằng dừa nước ở nơi đây sẽ mai một. Vậy mà nay lớp trẻ trong làng nhiều người hái ra tiền từ nghề này, con cháu biết duy trì nghề truyền thống mình có. Nhắm mắt cũng tạ ơn trời đất, tạ ơn cha ông trồng nên rừng dừa” - ông Nguyễn Bá, người dân làm nghề tranh tre dừa nói.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...